Hai người lính

Đăng lúc: Thứ năm - 01/06/2017 08:01
Mặt trời đỏ ối sau những làn khói bụi từ những họng súng và những quả lựu đạn mới nổ. Không khí như đặc lại trong mùi thuốc súng khét lẹt. Quả đồi bị cày xới xác xơ. Các bụi cây đều nhuốm màu khói đen, trơ những cành cụt lên trời. Phía lưng đồi, xác lính Việt Nam Cộng hòa nằm ngổn ngang, mũ nồi đồng văng lăn lóc khắp một vạt đồi Quạ.
Minh hoạ: Thanh Tiên

Minh hoạ: Thanh Tiên

- Coi chừng chúng nó thọc hậu. Lựcnói với Toán.
- Không thể - Toán lắc đầu -

Hai tiểu đội của mình đã vòng xuống đó rồi.
Đột nhiên những tràng AK vang lên. Những tên bị thương rống lên, không hiểu tiếng gì ra tiếng gì. Rồi những tiếng súng AR 15 chống trả yếu ớt. Lực hét lên:
- Chết mẹ chúng mày rồi.
Sau đó thì tiếng súng im bặt. Hàng chục cánh tay đưa lên sau một gờ đá. Chúng nó đã đầu hàng quân giải phóng. Trận ấy, ta có 3 chiến sĩ hy sinh, còn địch có 21 tên đã phơi xác.
Trong số 14 tên lính Việt Nam Cộng hòa đầu hàng có một thiếu úy là cấp cao nhất. Theo lời khai thì nó tên Nguyễn Hoàng Thí, một vợ và một con ở Hòa Vang, Đà Nẵng, đi lính từ năm 1962, bị thương ở đùi và ở bụng nhưng được y tá của ta băng bó, máu đã hết chảy. Những tên còn lại đều là lính, có ba tên bị thương nhưng vào phần mềm, đi lại được. Có thể những tên này biết không thể chạy thoát nên đã đầu hàng quân giải phóng.
Để đưa những tên này về tuyến sau, chính trị viên tiểu đoàn cử Toán và Lực áp tải 14 tên này về trạm thu dung của Mặt trận Đường 9. Ăn sáng xong là lên đường. Mỗi tên được cấp một gói lương khô, loại “mù chữ”- tiếng lóng của bộ đội dành cho loại lương khô không có chữ, vốn được cung cấp cho bộ đội, để ăn trưa. Lực đi trước, Toán - tiểu đội trưởng bọc hậu. Đi chừng một tiếng đồng hồ thì trời đổ mưa. Mưa rừng vào buổi chiều không lớn nhưng kéo dài cho tới tối. Dự kiến khoảng 5 giờ chiều ngày hôm ấy sẽ tới nơi. Do trời mưa, đường trơn, dốc cao và suối dâng nước lên bất ngờ, tù binh không quen đường nên di chuyển rất chậm. Một lý do khác là do tên thiếu úy Thí bị các vết thương hành hạ, bước từng bước rất khó khăn, thậm chí lúc quá đau, Thí khuỵu xuống không thể bước tiếp nữa.
Khoảng năm rưỡi chiều, rừng đã nhá nhem tối, mưa cứ rả rích, bầy vắt phát hiện hơi người thì cứ búng ra từ những tàn cây, bám vào người tìm chỗ hút máu. Nhiều người bị vắt cắn, máu chảy đầm đìa.
Chuẩn bị qua một con suối lớn, nước chảy khá xiết. Thí vịn vào một thân cây cao bên đường, rên rỉ:
- Cán bộ ơi, em không thể đi nữa, em chết...
Mặt hắn ta xám lại. Môi tái nhợt. Run rẩy. Đúng là hắn đã không thể qua con suối này. Điều chắc chắn, nước sẽ cuốn hắn đi và hắn không thể sống được, xác hắn có thể trôi xuống tận đồng bằng.
Hắn cố gắng nói cho Toán nghe:
- Cán bộ ơi, cán bộ làm ơn... cho em một phát đạn, bắn vào ngực em...
Toán nói như quát:
- Mày không muốn sống hả?
Hắn chắp hai tay lại:
- Em lạy cán bộ, cán bộ thương em thì cho em một phát đạn, để em chết tại gốc cây này.
- Sắp giải phóng rồi đấy, mày phải về với vợ con mày chứ?
Hắn run rẩy:
- Nhưng... em... không còn sức. Em... không đi được. Em... chết.
Toán hét thật to, ra lệnh cho toàn đoàn:
- Tất cả, dừng lại!
Lực và toán tù binh ngồi choài xuống đất, không còn biết bùn lầy là gì, bên cạnh một con suối nước chảy xiết và đang biến thành một con sông.
- Chúng ta sẽ tranh thủ nghỉ sức và sang suối theo sợi dây có sẵn trước khi trời sập tối, chuẩn bị tinh thần mà vượt suối - Toán quyết định - Riêng tù binh Thí, do sức khỏe không đảm bảo, sẽ ở lại đây. Trong đêm nay tôi sẽ trở lại.
Những tù binh nhìn Thí ái ngại. Một người đến nói với Thí với giọng Quảng đặc sệt:
- Tôi cõng anh sang. Sống cùng sống, chết cùng chết. Mấy thằng xấu số kia trúng đạn đang nằm trên đồi Quạ cũng vậy thôi. Theo lệnh anh, chúng ta đầu hàng là có cơ hội được sống, anh ráng lên.
Thí tựa lưng vào gốc cây, đầu ngoẻo sang một bên, nói trong hơi thở yếu:
- Em... đừng chết vì... anh. Anh... không... qua nổi. Anh chết... tại đây.
Toán nhìn người tù binh đang thở yếu ớt, bảo:
- Chúng ta phải tiếp tục đi, không thể ở đêm tại đây. Riêng tù binh Thí, tôi buộc phải trói tay lại, buộc cả chân nữa để không thể chạy thoát. Trong đêm nay tôi sẽ trở lại.
Nói rồi, Toán rút dây võng, buộc hai tay và hai chân Thí lại.
Đôi mắt Thí nhắm nghiền lại, miệng hấp háy:
- Cán bộ làm ơn... bắn tôi... tôi không chịu nổi... nữa
Trời đang sẫm tối, mưa vẫn còn lắc rắc.
Toán hỏi:
- Lúc nãy tù binh Thí nói quê ở đâu. Tôi quên rồi.
Người tù binh quỳ bên Thí trả lời thay:
- Dạ, Hòa Vang, Đà Nẵng, tên vợ là Thà, tên con là Thành, đang đi học.
Bỗng Toán nghiêm giọng:
- Vâng, tôi sẽ chiều theo ý của tù binh Thí - Rồi đổi giọng, hét lớn - Trừ tù binh Thí, tất cả đứng dậy, vượt suối!
Lực và toán tù binh lần lượt bước xuống suối và níu dây cáp lội sang. Thí còn ở lại. Anh nói với tù binh Thí:
- Tôi sẽ cho ông ba phát súng. Ngồi yên, đừng nhúc nhích.
Toán tù binh đã qua bên kia suối. Chợt nghe 3 tiếng súng nổ chát chúa: “Đoàng... Đoàng... Đoàng...”. Cả 13 tù binh đều ngồi thụp xuống như sự phản xạ tự nhiên. Có mấy người làm dấu thánh, số còn lại chắp tay lại, niệm “A di đà Phật”. Rồi họ đứng lên đi tiếp, có mấy người khóc hư hử, thương cho thiếu úy Thí, đã đầu hàng cũng không sống được.
Dọc đường không ai nói với ai một lời. Căng thẳng đến mức người ta không dám hé môi. Về đến trạm thu dung, bàn giao tù binh xong thì đã nửa đêm. Toán và Lực quay về.
Lại qua con suối chảy xiết lúc chiều, nhưng nước đã rút nhanh, Toán và Lực trở lại gốc cây nơi Thí ngồi, nhưng lạ thay, không còn Thí ở đó. Toán và Lực đi tìm xung quanh, trời sáng dần, không có một bóng người. Đã buộc chân buộc tay, tên Thí này còn đi đâu được? Toán thắc mắc, hay tên này mang máy báo tin trong người và báo cho địch tới cứu? Toán đã khám kỹ rồi, nó lại bị thương nặng, làm sao chúng nó tới cứu nhanh thế? Nếu tên này mất, Toán sẽ bị kỷ luật, thậm chí bị tước quân tịch. Tàn đời.
Đang lúc nghĩ quẩn, Toán tức giận, rút súng AK, chỉa lên trời, bắn luôn ba phát. Lực hỏi:
- Lúc anh bắn, nó có chết không?
Toán lắc đầu:
- Tao bắn lên trời, làm sao nó chết.
- Vậy thì, địch biết vị trí của tên này rồi, nó là sĩ quan, chắc được trang bị máy móc tinh vi lắm.
- Tao khám người nó rồi, có thấy máy móc nào đâu.
- Lạ nhỉ?
Chợt có tiếng người, hai người ngồi thụp xuống, lên đạn, cảnh giác. Có bóng hai người đi tới. Toán đanh giọng:
- Đứng lại, giơ tay lên!
Một người nói giọng Vân Kiều lên tiếng:
- Bộ đội, bộ đội bắt được tù binh nữa hả?
Toán và Lực đứng lên:
- Chào đồng bào - Toán nói - chắc đêm qua đồng bào đã dẫn tên tù binh đi rồi?
- Đồng bào đem về bản Chuối rồi. Nó khai nó tù binh. Nó thua, nó đầu hàng mà.
- Sao đồng bào còn tới đây nữa?
- À, đồng bào nghĩ bộ đội bắt thêm tù binh nữa, nên mới bắn như hôm qua.
Toán cười. Thì ra ba phát súng ấy đã làm đồng bào bản Chuối nghĩ có chuyện xảy ra nên đi tìm bộ đội. Toán nói:
- Bây giờ bộ đội muốn gặp lại tên tù binh ấy.
- Nó đang ở trong nhà già bản.
Rồi Toán và Lực theo chân hai người Vân Kiều, một người có súng, một người chỉ vác cây dao quắm. Họ đi chừng hơn một tiếng thì đến nhà vị già bản. Trên ngôi nhà sàn nhỏ, Thí đang nằm bên bếp lửa, nghe tiếng người, Thí cố gắng ngồi dậy, thấy Toán, Thí chắp tay lại:
- Cám ơn cán bộ đã không bắn em.
Già bản là người khoảng 70, nước da đen pha đỏ sậm, rắn chắc, khỏe khoắn, nói với Toán:
- Bộ đội đánh tài lắm, rồi giải phóng hết cả thôi. Lính quốc gia phải đầu hàng mới sống. Nó bị thương nặng, miềng (mình) phải chữa cái vết thương cho nó sống. Đồng bào đắp thuốc nơi vết thương, vài ngày nó bớt, miềng trả cho bộ đội.
Toán cám ơn ông già, rồi khuyên Thí cố gắng chữa vết thương. Đoạn, Toán nói với người Vân Kiều mang súng: 
- Tôi làm biên bản bàn giao tù binh này cho dân quân bản, ai đại diện ký được?
Người mang súng nói:
- Già bản.
Ông già lại vui vẻ:
- Nó là con miềng, nó làm du kích bản nầy, nó không ký thì miềng ký.
Chừng mười ngày sau, du kích bản Chuối đưa tù binh Thí về trạm thu dung của mặt trận.
Số tù binh trong trận đồi Quạ buổi chiều ấy được chuyển ra Bắc theo xe Zin kính cong chạy theo đường Trường Sơn. Khi chạy qua A Lưới, thuộc địa phận Thừa Thiên, máy bay địch ném bom, 6 tù binh và đồng chí lái xe bị chết. Trong số 6 tù binh chết có Thí - một thiếu úy Việt Nam Cộng hòa đầu hàng quân giải phóng. Đúng ra trong đợt bom ấy Thí bị thương nặng, một mảnh bom lớn xé ngang bụng Thí, hôm sau thì người tù binh này chết, do nhiều đoạn ruột bị xé, nát bấy. Mắt Thí cứ trừng trừng một cách khó hiểu và người thì cứ lịm đi, chết lúc nào không hay.
Đầu tháng 3 năm 1975, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng được mở. Đại đội của Toán được lệnh tiến đánh, chia cắt tuyến đường 12 phía Tây - Bắc Huế. Toán bị thương trong trận này. Anh bị viên đạn găm vào đùi, không chạy được. Bọn địch cho xe thu gom những người lính bị thương trong đó có cả Toán về bệnh viện dã chiến trong sân bay Phú Bài. Tại bệnh viện dã chiến, một đại úy bác sĩ Việt Nam Cộng hòa quê gốc Đà Nẵng khám cho Toán, ngạc nhiên:
- Ông là Việt Cộng?
Toán giương mắt nhìn ông ta, đáp:
- Vâng!
Ông ta cười cười:
- Ông là người may mắn đó, nếu người ta không đưa ông về đây thì ông sẽ chết.
Toán không đáp. Ông ta hỏi:
- Ông thấy nhức ở đâu nhiều nhứt?
- Ở đùi. Hình như viên đạn chạm xương.
- Vâng, để tôi khám cho ông.
Toán nói:
- Ở đây nghe tiếng súng, chắc đồng đội của tôi sắp đánh vào nơi này...
Ông ta trở nên lo lắng:
- Cách mạng có xử bắn các bác sĩ quân y không ông?
- Chắc không đâu.
- Ở đây lính cứ nháo nhác hết, một số trốn rồi, họ chạy về quê, một số vô Sài Gòn. Tình hình này... tôi thấy ở sân bay này sắp bị đánh.
Ông ta mổ vết thương cho Toán, gắp viên đạn ra, băng lại. Toán hỏi:
- Ông quê ở đâu?
- Ở Hòa Vang.
- Hòa Vang thuộc về Đà Nẵng phải không?
- Vâng. Nghe nói phía trên Hòa Vang bị Việt Cộng chiếm rồi. Hôm qua nhỏ em tôi điện ra bảo thế.
- Ông có sợ Việt Cộng không?
- Có chớ. Nhưng anh tôi tập kết, nghe nói làm tới chức tiểu đoàn trưởng, tôi hy vọng họ đối xử với gia đình tôi dễ chịu hơn.
- Ông ở Hòa Vang, vậy có biết thiếu úy Thí không?
- Có, là bà con của tôi đó mà. Ông ấy có ý thân Việt Cộng. Tôi nghe nói thế.
- Ông ấy đã đầu hàng bọn tôi. Chúng tôi đối xử tốt với ông ấy. Nhưng, máy bay Mỹ ném bom, ông ấy bị bom Mỹ mà chết.
Ông ta lặng người và kìm một tiếng thở dài:
- Tôi thương con chú ấy, nó học giỏi, ngoan lắm, vậy mà không còn cha.
Rồi ông ta lấy một chiếc nạng cho Toán:
- Khi nào ông thấy khỏe, ông dùng cây nạng nầy mà đi.
Ba ngày sau thì đạn pháo nổ trong sân bay Phú Bài. Pháo nổ cấp tập. Xe GMC, xe Reep chở người và những thứ cần thiết ra khỏi sân bay. Bệnh viện dã chiến cũng cuốn đi luôn, ông bác sĩ kia chỉ kịp ném cho Toán mấy bịch cơm ăn liền, mấy lon thịt hộp và mấy chai nước uống, chào từ biệt Toán rồi nhanh chân chạy mất. Sân bay như bãi tha ma bị bom đạn, khói bay mù mịt, có chiếc máy bay bị trúng pháo, không cất cánh được nằm chơ vơ trên đường băng. Ngoài Toán ra, không thấy bóng người. Dường như quan và lính cùng những phương tiện chiến tranh đều đã kéo nhau đi trước khi trời sáng.
Bộ đội ta nhanh chóng tràn vào sân bay, có cả đơn vị của Toán. Họ chạy rất nhanh khi thấy Toán một chân bị bó, chống nạng bước ra.
- Anh Toán, anh đánh vào sân bay hồi nào vậy? Đồng đội anh ngạc nhiên hỏi.
Toán có dịp bốc phét:
- Tao đánh vào đây từ bốn ngày trước. Chúng nó thua phải bỏ chạy.
- Thế mà đơn vị cứ nghĩ anh hy sinh rồi.
- Tao hy sinh thế nào được, tao phải đánh tới Sài Gòn chứ.
Chợt thấy trong ba lô anh có mấy lon thịt ba khoanh và một túi gạc của Mỹ, một người lính trẻ lên tiếng:
- Đúng rồi, anh bị thương, chúng nó đưa về đây để khai thác.
Toán bĩu môi:
- Khai thác tao gì được, tao khai thác chúng nó thì có, tao là người chiến thắng mà.
Đơn vị tiến vào Đà Nẵng. Toán được chở theo vào Đà Nẵng và gởi lại tại một bệnh viện. Toán tỏ rabuồn bực, vì vết thương mà không cùng đơn vị đánh vào các tỉnh phía trong. Chúng nó sướng thế, đánh giặc mà cứ như đi du lịch không mất tiền. Hồi xưa không biết lính ông Quang Trung tiến quân ra Bắc có sướng như thế này không? Nghe nói hai lính khỏe khiêng một lính mệt cứ thế ra Thăng Long. Bây giờ đi bằng xe hơi, bằng xe tăng, bắn bằng pháo một trăm lẻ năm ly, bằng tên lửa. Nghe tiếng pháo chúng nó đã khóc thấy mẹ rồi. Ta thắng là đúng, mà thắng thằng Mỹ giàu gấp ngàn lần ta mới sướng chứ. Sau này dễ gì có lại.
Toán khỏe rất nhanh, do tình hình chiến trường, ta thắng như chẻ tre, nên Toán khỏe lúc nào không hay. Anh chống nạng tìm về Hòa Vang, hỏi thăm nhà thiếu úy Thí, nhiều người biết. May quá. Người vợ của anh, chị Thà, đã suốt mấy ngày đi hỏi thăm tin chồng, nhưng không ai biết. Toán nói:
- Cho tôi thắp ba cây hương cho thiếu úy Thí.
Cô vợ òa khóc:
- Sao anh biết chồng tôi mất?
- Anh ấy đã đầu hàng quân giải phóng, nhưng bom Mỹ thì không tha anh ấy.
Một ông già đã ngoài 60, gương mặt khắc khổ bước tới, giọng đặc khàn:
- Chú giải phóng, chú biết con tôi?
Toán đáp:
- Dạ, cháu biết, anh Thí có nói với cháu về tên vợ, tên con cho cháu...
Ông khóc không thành tiếng. “Tội nghiệp nó chưa. Đã đầu hàng để theo cách mạng, ai ngờ thằng Mỹ đã giết nó”. Toán bảo: “Hôm ấy bị bom Mỹ, chết nhiều, đồng chí lái xe của chúng cháu cũng hy sinh”. Ông lão kéo Toán ra phía sau vườn. Cạnh bậc cửa có một căn hầm bí mật, phải đẩy cái chạn chén ra mới biết: “Thằng con tôi nó biết căn hầm nầy là chứa ông bí thơ quận. Nó đi lính mà ruột gan nó để bên mình, lính nó không vô đây, nên căn hầm không bị lộ... Tội nó chưa?”. Rồi ông khóc. Toán nhắm mắt lại. Hình ảnh Thí xin được bắn để chết do không thể tiếp tục đi được cứ hiện ra trước mắt Toán. Anh thở dài, lạy tiếp ba lạy trước bàn thờ rồi xin phép gia đình đi.
Một tháng sau, Sài Gòn đã giải phóng. Toán nhận một lá thư từ gia đình Thí. Ông già nói Toán về sống với gia đình. Toán về thăm ông chỉ ba ngày, không ngờ, cô Tư - emgái Thí mới vào du kích, bắt Toán phải ở lại, phải dạy mấy bài hát cách mạng, khi nào Tư thuộc mới cho đi. Toán thương cô Tư. Chị Thà cũng đắp vào. Thuộc bài này thì Tư bắt tập bài khác, vì thế mà Toán phải xin nghỉ phép ở lại nhà cô Tư, ông già cũng vì thế mà vui như Thí sống lại.
Lê Ái Siêm
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 79)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 146
  • Hôm nay: 15940
  • Tháng hiện tại: 2248490
  • Tổng lượt truy cập: 46215723