Viên gạch hồng

Đăng lúc: Thứ hai - 17/12/2012 11:14
Tôi bắt đầu được má cho học đàn piano năm lên 10 tuổi. Đó là cả một sự “kinh thiên động địa” không chỉ với tụi con nít trong xóm mà cả những người lớn cũng trố mắt ngạc nhiên. Cũng đúng thôi, thời buổi khó khăn, ai nấy phải chạy ăn từng bữa thì chuyện tôi đi học đàn bị coi là chuyện xa xỉ.
Chính vì ước mơ của tôi mà má càng thêm vất vả. Ngoài giờ lên lớp dạy học má còn đứng bán thêm bánh trái trong căngtin. Tối về, đợi lúc mấy chị em đi ngủ, má lại cặm cụi làm khuy, đơm nút cho một tiệm may gần nhà. Tôi thương má nên cố học.


 

Nhà không có đàn, tôi nghĩ ra cách vạch phấn xuống đất, lấy tay đặt lên mỗi lần ôn bài. Khi bắt đầu đến những bài luyện ngón cũng là lúc tôi cảm nhận được những khó khăn thật sự. Những phím đàn được vạch trên đất không thể nào giúp tôi có được những cảm nhận tinh tế của âm thanh. Và đương nhiên việc học của tôi bắt đầu sa sút do thiếu điều kiện tập dượt một cách nghiêm túc.

Cũng từ đó, với tôi, những giờ học đàn giữa trưa trong căn phòng nóng hầm hập trở nên một gánh nặng. Hình ảnh cô giáo dạy đàn với chiếc roi mây trên tay càng trở nên đáng sợ, nhất là những lúc không thuộc bài hay đi trễ. Những tiếng piano mới ngày nào còn thánh thót, du dương nay đã trở nên hãi hùng, đáng sợ. Nghĩ mãi cuối cùng tôi thủ thỉ với má xin nghỉ học đàn. Má im lặng hồi lâu rồi nói: “Ừ! Cứ học cho hết tháng này rồi má tính”. Nghe má nói, tôi như trút được gánh nặng ngàn cân và mong cho mau hết tháng để khỏi đi học đàn.

Bất ngờ, vào một ngày chủ nhật, má chở tôi đi thăm một người bạn bằng chiếc xe đạp cọc cạch duy nhất trong nhà. Nơi tôi đến hôm ấy là một cái lò gạch cũ nằm ven theo quốc lộ miệt Lái Thiêu. Đón chúng tôi là người phụ nữ trạc tuổi má, hai tay đều cụt đến khuỷu. Dẫn tôi đi tham quan lò gạch, cô giải thích: “Đất sét chưa nung luôn có màu xám ngắt, sau khi nung liên tục trong lò sẽ có màu đỏ au và cứng cáp hơn người ta sẽ gọi là gạch. Trong lúc nung nếu lửa không đủ nóng thì cả lò kể như hư hết”.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, cô thoăn thoắt dùng đôi khuỷu tay quán xuyến công việc như mọi người đang làm việc trong lò. Rồi cô kể ngày xưa cô cũng từng ao ước được học đàn như tôi vậy, nhưng tai nạn đã  cướp mất của cô đôi bàn tay từ thuở nhỏ. Nghe cô nói, tự nhiên trong lòng tôi nhớ tới chuyện học đàn của mình mà đâm ra xấu hổ.

Trên đường về tôi im thin thít chứ không líu lo như lúc đi. Lúc này má mới lên tiếng: “Đời người cũng cần phải qua tôi luyện thử thách như những viên gạch được nung trong lò vậy. Chuyện học đàn cũng vậy, má không mong con sau này đàn hay, đàn giỏi như người ta mà chỉ muốn thấy con không dễ bỏ cuộc trước khó khăn trước mắt”. Nghe lời má, tôi bắt đầu tìm lại niềm vui, sự hứng thú với mỗi phím đàn, trong từng khuông nhạc...

Nay tôi đã là một cô giáo dạy đàn. Và bao giờ cũng vậy, câu chuyện về những viên gạch hồng nơi lò lửa đỏ luôn được tôi kể cho các học trò nhỏ của mình trong buổi học đầu tiên trước khi bắt đầu với những nốt nhạc: do, re, mi, fa, sol...

Cảm ơn má đã cho tôi bài học của cuộc đời.

Bùi Thanh Tương Quan
(Theo tuoitre.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 366
  • Khách viếng thăm: 360
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 42483
  • Tháng hiện tại: 2324140
  • Tổng lượt truy cập: 48698267