Mẹ VNAH Đoàn Thị Nghiệp và hai con nhà báo liệt sĩ

Đăng lúc: Thứ hai - 27/04/2015 15:43
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có rất nhiều bà mẹ Việt Nam  kiên trung bất khuất, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Ở Tiền Giang, mọi người vẫn hay nhắc đến má Tám Nghiệp (Đoàn Thị Nghiệp) quê ở xã Hội Cư, huyện Cái Bè. Má vừa cầm súng đánh giặc vừa dìu dắt hai con mình tham gia kháng chiến, và cả hai đều hy sinh…
Anh hùng Đoàn Thị Nghiệp

Huyền thoại về mẹ VNAH Đoàn Thị Nghiệp

Tôi tìm đến Ủy ban nhân dân xã Bình Phú; nơi má Tám hoạt động cách mạng năm xưa. Được chú Phương ở xã dẫn lên nhà má Tám Nghiệp ở ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, gặp cô Tư Lang, người cháu kêu má Tám Nghiệp bằng mợ. Cô Tư sinh 1950, cũng tham gia cách mạng rất sớm, từ những năm 1965 dưới sự hướng dẫn của má Tám. Cô Tư ngùi ngùi kể lại câu chuyện về cuộc đời cách mạng vẻ vang của má Đoàn Thị Nghiệp, một người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà…

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước; ông nội là nghĩa quân của thủ lĩnh Đoàn Trưng nổi dậy chống Tự Đức xây “vạn niên thành”; còn cha của má Tám Nghiệp theo Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Thủ Khoa Huân chống Pháp. Sớm giác ngộ cách mạng, má Tám Nghiệp theo hai người anh đi đánh giặc.

Tháng 12-1945, má Tám Nghiệp làm Bí thư xã Đoàn thanh niên cứu quốc, được huyện phân công phối hợp với Chi đội 17 Mỹ Tho cản bước tiến của giặc trên Quốc lộ 4. Trong lúc chuẩn bị chống càn, ông Tám Thô (Bùi Văn Thô)  quê ở miệt vườn Bình Phú, Cai Lậy được giao nhiệm vụ hướng dẫn thanh niên sử dụng một số vũ khí và cách gài mìn. Trong quá trình hướng dẫn ông Tám Thô và má Tám Nghiệp cảm mến nhau; rồi nên nghĩa vợ chồng.

Họ cưới nhau năm toàn quốc kháng chiến; cuối năm 1947, vợ chồng Tám Nghiệp sinh anh Bùi Văn Thưởng và tiếp đến năm 1950 anh Bùi Văn Tấn chào đời trong căn cứ cách mạng Mỹ Phước, là nơi đặt trụ sở cơ quan của Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, sau này là Bộ Tư lệnh Quân khu 8 cũ.

Sau khi tiễn chồng đi tập kết, má Tám Nghiệp dắt hai con về Đồng Tháp Mười sinh sống, má  sắm cái bàn máy may vừa nuôi hai con ăn học, vừa vận động bà con đấu tranh đòi chấp hành Hiệp định, tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc thống nhất nước nhà.

Má từng hoạt động nhiều nơi như An Giang, Đồng Tháp, Mỹ Tho… Vào những năm 1959 - 1960 khi phong trào địa phương gặp nhiều khó khăn, má vẫn kiên trì bám cơ sở.  Là một trong vài ba đảng viên ít ỏi của Chi bộ lúc bấy giờ,  trong những tình huống hiểm nguy, má luôn vững vàng, tạo niềm tin cho đồng đội.

Cô Tư Lang kể rằng, trong một trận đánh năm 1962 cán bộ ta đi công tác bị đụng giặc, hy sinh ba đồng chí. Ta đánh giằng co ác liệt đến sáng vẫn chưa lấy xác được. Chúng dìm đồng chí ta xuống hào sâu, đóng chéo cọc tràm trong hàng rào bót, chờ ta đến lấy để diệt thêm. Lúc đó má phân công một vài đồng chí đi lấy xác đồng đội về, nhưng 3 ngày vẫn không thấy tin tức. Bọn giặc biết tính bà sẽ không nỡ bỏ xác đồng đội, nên đã giăng bẫy sẵn, nhưng má vẫn không sợ. Đến ngày thứ 4 má đích thân cùng ba đồng đội bơi xuồng đi, khi gần đến đồn, địch bắn bừa dữ dội, các đồng chí khác không quen nên bỏ chạy. Bà chờ đến khuya yên lặng, bò vào hàng rào, lặn xuống nước, nhổ hết cọc tràm, cõng từng xác anh em đã tuột da đưa về vùng tự do chôn cất chu đáo. Anh em rất quý mến đức tính thương yêu đồng đội, che chở, bảo bọc cho đồng bào, đồng chí, bất chấp hiểm nguy của má Tám Nghiệp.

Từ An Giang năm 1968; má được chuyển về Mỹ Tho, được giao nhiệm vụ phụ trách mảng 4 - Cai Lậy Bắc, bao gồm các xã Bình Phú, Phú An, Mỹ Thành Nam, Phú Nhuận. Má thành lập mặt trận chống phá bình định gồm các cơ quan của Tỉnh đội và du kích. Má giữ chức vụ Tỉnh đội phó Tỉnh đội Mỹ Tho lúc bấy giờ. Sau hơn 8 tháng tổ chức xây dựng xã chiến đấu đánh địch, làm hạn chế càn quét của địch vào địa bàn ta. Mức tiêu hao địch bằng vũ khí tự tạo của ta ngày càng cao, các cơ quan và du kích bám trụ lại được. Từ đó mở ra bước chuyển mới cho toàn tỉnh và phong trào bám trụ đánh địch.

Đến đây, cô Tư nghẹn ngào nhớ lại cuộc đánh ác liệt, má Tám ra đi vĩnh viễn, để lại sự tiếc nuối cho bao người: “Năm 1972, địch càn lướt vào xã Phú Nhuận với 2 tiểu đoàn, có phi pháo yểm trợ ác liệt. Đơn vị, anh em đi vắng, ở nhà còn 5 đồng chí, kết hợp với du kích xã, ta có được 13 người. 12 giờ trưa, địch càn vào địa bàn. Ta bị động, chống càn với lực lượng không cân sức. Chúng chết và bị thương một số, sau đó chúng phản công ta rất ác liệt. Bà bị thương nặng, chúng ùa vào bắt sống. Địch dụ dỗ, tra tấn dã man, Bà vẫn không khuất phục".

Những giọt nước mắt lăn dài trên má cô Tư, khi cô nhớ lại những ngày đầu năm 1972, má Tám bị tra tấn bằng bơm dầu làm phỏng tuột da. Lúc ấy, đồng đội khiêng má xuống xuồng, nhìn má đau đớn mà ai cũng không kềm được nước mắt. Sau đó má về Chà Là họp quân khu. Họp xong, mọi người giải tán, sư đoàn 7 bất ngờ đổ vào bắt má Nghiệp. Xác của má được bọn giặc đem để ở cầu Phú Nhuận. Cô Tư lúc đó nhờ người quen đi xin xác, vì gia đình không thể ra mặt: “Cũng may, bọn giặc không biết mợ Tám giữ chức vụ cao - Tỉnh đội phó Tỉnh Mỹ Tho; nên chúng cho đem xác về chôn; sau chúng biết mợ Tám là một trong những người nắm giữ chức vụ quan trọng, cùng với đồng chí Tám Tiếng - Huyện đội trưởng Cai Lậy hi sinh cùng ngày; chúng lại tìm nhưng người thân đã mang xác cô và đồng đội về nơi yên nghỉ. Bọn giặc truyền loa rằng chúng đã bắt, giết được người chỉ huy Việt cộng để trấn áp người dân”.

Khi chúng tôi nhắc về đồng chí Bùi Văn Thô, cô Tư bảo “Khi Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, cậu Tám quay về lại mảnh đất quê hương đau đớn chết lặng bên mộ vợ và hai con trai. Ông từng làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cai Lậy, mỗi khi có khách tới thăm, người cha hai nhà báo liệt sĩ, người chồng nữ liệt sĩ Anh hùng Đoàn Thị Nghiệp lại bùi ngùi giở tờ báo “Ấp Bắc” đăng bài Bùi Văn Thưởng và cuốn sổ phóng viên kỷ vật của anh đã ngả màu”. Không chỉ theo cách mạng, má Tám còn động viên con cháu cùng tham gia. Sau hòa bình gia đình dòng họ của má hi sinh 28 người, trên khắp chiến trường.

Vì những cống hiến lớn lao, má Tám được truy tặng 2 huân chương chiến sĩ vẻ vang; 3 huân chương giải phóng hạng  I, II, III. Đặc biệt, ngày 6/11/1978, má được truy tặng huân chương chiến công hạng I và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 1995 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Tên của má Tám Nghiệp được đặt cho trường trung học cơ sở của xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, trường tiểu học ở xã Mỹ Hội huyện Cái Bè, và con đường trung tâm Thị xã Cai Lậy và  Thành phố Mỹ Tho. Phần mộ của má Tám, sau 1975 được di dời về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.

Về hai người con nhà báo, liệt sĩ của má Tám

Hai anh em Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn ra đời trong thời kì cam go của chiến tranh, bom đạn. Từ nhỏ đã xa cha, hai anh em được mẹ chăm sóc, học hành và lớn lên cùng đi theo con đường cách mạng. Cô Tư kể lại, “Cậu Tám với bác Sáu Bình - nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho là anh em kết nghĩa. Năm 1962, cậu Tám Thô tập kết ở miền Bắc về. Bác Sáu cùng cậu Tám đi thăm con. Bác Sáu hỏi anh Thưởng: Nghe cha con về mà con gặp cha con chưa?”. Anh đáp: “Cha con hứa ra thăm con nhưng sao không thấy?”. Mặc dù ông Tám đang đứng trước mặt anh. Xa nhau từ lúc ông Tám đi tập kết khi anh con nhỏ, nên anh không nhớ. Sau khi biết, hai cha con ôm nhau mà khóc".

Hai anh em nhà báo Bùi Văn Thưởng, Bùi Văn Tấn

Bùi Văn Thưởng, Bùi Văn Tấn  vừa học xong chương trình Đệ tứ, đã thoát ly hoạt động trong ngành báo chí.

Vì mới 13 tuổi, Bùi Văn Thưởng được bà con gọi một cách thân thương “chú nhà báo Giải phóng” Anh chuyên quay máy Ra-gô-nô, phát điện truyền tin tức, bài vở về Tổng xã Giải phóng Miền. Ngoài ra, anh còn chép tin đọc chậm từ Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Giải phóng chuyển cho lãnh đạo và các cơ quan Tỉnh ủy, Mặt trận dân tộc Giải phóng Mỹ Tho. Anh rất gan lì, lanh lẹ. Trên người anh lúc nào cũng mang theo lựu đạn, hễ đụng giặc là chủ động đánh, mở đường cho Phân xã rút an toàn. Dù nhỏ tuổi, nhưng anh rất có ý thức, lúc nào cũng mang theo tấm vải nhựa phòng bị khi gặp giặc thì bỏ máy phát sóng vào, chôn dưới mương, sau vớt lên sử dụng.

Trang bị hoạt động thiếu nhiều, Bùi Văn Thưởng xin chú Tám Thạnh theo các đơn vị Giải phóng tập kích căn cứ Mỹ quanh lộ 4, vừa lượm được nhiều tin chiến thắng vừa thu lắm “chiến lợi phẩm” như bình ắc quy điện, máy ảnh, phim chụp ảnh… về điện đài phục vụ công tác.

Hơn ba năm sau (1963), cậu em trai là Bùi Văn Tấn cũng vô cứ xin vào công tác báo chí ở Phân xã Mỹ Tho. Từ đây anh làm thay công việc cho anh trai mình. Anh cũng nhanh nhẹn và nhiệt tình tham gia các hoạt động làm cả phần việc công vụ cho cơ quan Tuyên huấn Mỹ Tho mang tài liệu, công văn băng qua vành đai pháo chụp, pháo bầy, trực thăng để đến cơ quan Tỉnh đội của má Tám Nghiệp, Tỉnh hội Phụ nữ, Ban Binh vận.

Cuối tháng 3/1967, trên đường đi công tác về Tân Phú (Cai Lậy) bị lộ, bọn địch dùng trực thăng vây bắt. Nhanh trí, một mình Bùi Văn Tấn tách ra khỏi đoàn công tác đánh lạc hướng địch, anh phóng mình ra giữa trảng cát kéo bọn giặc bám theo. Anh bị thương nghiêm trọng và đã hi sinh do thiếu thuốc men và phương tiện cứu chữa, lại mất máu nhiều quá. Anh hi sinh năm 17 tuổi. Hai năm sau, người anh Bùi Văn Thưởng cũng hi sinh khi anh mở đường máu cứu đồng đội trong trận càn ở Mỹ Đức Tây, Cái Bè khi bước sang tuổi 22.

Không đau đớn nào bằng cảnh chứng kiến các con mình lần lượt hi sinh. Má Tám Nghiệp thắt ruột thắt gan chôn cất hai con giữa chiến trường khốc liệt nhưng má vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Cô Tư kể má Tám Nghiệp gan dạ lắm; má có vóc dáng cao to, mái tóc dài đen mượt, đôi mắt đầy nghiêm nghị. Dù đau đớn trước cái chết của hai con; nhưng đôi mắt nghiêm nghị ấy như chứa đựng một quyết tâm. Quyết tâm trả thù cho con, đi đến tận cùng con đường chồng con đã đi: quét sạch quân thù, giành lấy độc lập tự do.

Tạm biệt cô Tư ra về, lòng tôi tràn ngập niềm kính trọng và tự hào về má, về những người phụ nữ Việt Nam kiên trung, bất khuất “Sống ngoan cường, chết linh thiêng - Sống huyền thoại, chết cũng thành huyền thoại”.  Má Đoàn Thị Nghiệp là một chiến sĩ, một bà mẹ Việt Nam anh hùng đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giành đôc lập tự do của dân tộc. Tên tuổi má đã trở thành  bất tử. 

Kim Chi
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 67)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 423
  • Khách viếng thăm: 420
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 45856
  • Tháng hiện tại: 1794756
  • Tổng lượt truy cập: 48168883