Năm Châu: Cuộc đời như sân khấu (kỳ 2)

Đăng lúc: Thứ năm - 17/05/2012 14:04
Nghệ sĩ Năm Châu và nghệ sĩ Kim Cúc trong vở “Tuyết băng và bạo lực”.

Nghệ sĩ Năm Châu và nghệ sĩ Kim Cúc trong vở “Tuyết băng và bạo lực”.

Nữ nghệ sĩ tài danh Kim Cúc: người vợ thứ ba của Năm Châu

 Nữ nghệ sĩ Kim Cúc, con gái lớn của nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu là người vợ cuối của anh Năm Châu, từ 1948 cho đến ngày anh mãn phần, tháng 5 năm 1977. Anh Năm Châu lớn hơn chị 16 tuổi.

Nếu biết gia thế của chị Kim Cúc, biết cả một quá trình lâu dài của chị khi mới chập chững theo đoàn hát cải lương đến khi thành danh, thì đối với một người lớn tuổi hơn mình rất nhiều, đối với một người từng là bạn thân thiết của cha mình mà chị chấp nhận kết hôn, phải thấy đó là do sự thán phục, lòng say mê nghệ thuật đưa đến tình yêu chân chính.

Năm Châu và Kim Cúc đều có chung một niềm say mê, một ước vọng chung là xây dựng một nền nghệ thuật cải lương “Đẹp” và “Thật”, một “Thánh đường thiêng liêng”.

Năm 1940, Kim Cúc 18 tuổi, nổi danh qua vai Quan Bình trong tuồng Quân Công đắp đập bắt Bàng Đức trên sân khấu Phước Cương và cũng đã làm say lòng khách mộ điệu từ Nam ra Bắc khi đoàn hát này lưu diễn ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Trung.

Năm 1941, nghệ sĩ Bảy Nhiêu và hai con gái Kim Cúc, Kim Lan lập gánh hát Nam Phương (Thanh Loan là đào chính). Kim Cúc nổi danh qua vai nữ quí tộc xứ Ba Tư trong vở tuồng màu sắc hương xa Thuyền ra cửa biển.

Tháng 3 năm 1946, nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp gồm Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Tư Út, Từ Anh, Hai Tiền, Ba Thâu, Sáu Ngọc Sương lấy xác gánh Nam Phương để thành lập “Nhóm con Tằm”. “Nhóm con Tằm” thu hút thêm nhiều nghệ sĩ tài danh như Bảy Nhiêu, Năm Nở, Tư Chơi, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Thoa, Kim Cúc, Kim Lan...

Nghệ sĩ Năm Châu trong vở “Hồn bướm mơ tiên”.

Đây là thời kỳ phát triển của sân khấu cải lương theo chiều hướng tuồng xã hội, dựa theo những tiểu thuyết xã hội đang được độc giả miền Nam ưa thích như: Hồn bướm mơ tiên, Một tối tân hôn, Nỗi lòng chị Bếp, Gieo gió gặt bão, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt...

“Nhóm con Tằm” do Năm Châu đứng đầu, chủ trương xây dựng một sân khấu “Đẹp” và “Thật”. Anh trực tiếp đạo diễn, tập cho các nghệ sĩ ca, diễn theo quan điểm nghệ thuật của anh. Anh được ba soạn giả cùng thời với anh là Tư Trang (Trần Hữu Trang), Tư Chơi, Năm Nở tán thành và ủng hộ. Thành công của các tuồng tích trên sân khấu, nhóm con Tằm đã làm cho tên tuổi nhiều diễn viên tài danh của sân khấu cải lương được giới báo chí mệnh danh là những ngôi sao kịch nghệ, mà sáng chói hơn hết là tên tuổi của nghệ sĩ Năm Châu.

Nghệ sĩ Năm Châu và nghệ sĩ Kim Cúc trong vở “Tuyết băng và bạo lực”.
Ảnh: Huỳnh Công Minh.

Từ nhỏ, Kim Cúc có nhiều dịp gần gũi với Năm Châu, được chú rèn luyện, dạy ca, dạy diễn, tình cảm và thâm tâm Kim Cúc chuộng mẫu người trí thức, giỏi tay nghề, danh tiếng lẫy lừng và đẹp trai như chú Năm Châu. Cuộc hôn nhân tuy có sự chênh lệch về tuổi tác nhưng cả hai chung sống rất hạnh phúc.

Lúc này, Kim Cúc đã 26 tuổi, độ tuổi đủ chững chạc để chọn cho mình một tấm chồng xứng đáng với lòng tin yêu về nghề nghiệp và sự rung động của con tim. Kim Cúc đã không lầm khi chọn người bạn đời như Năm Châu, vì những năm tháng sau đó cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay Năm Châu vẫn cưng yêu vợ, hết lòng giúp đỡ, nâng cao tay nghề và thủy chung gắn bó với Kim Cúc.

Mọi người đều công nhận đó là một cặp vợ chồng lý tưởng, hết lòng yêu thương và luôn luôn bên nhau trong những lúc phong  ba bão táp của cuộc đời và trên những bước đường thăng trầm của nghề nghiệp.

Đổng Trác (Hoàng Giang), Điêu Thuyền (Kim Cúc), Tư Đồ (Ba Vân)
trong tuồng Phụng Nghi Đình

Năm 1948, nghệ sĩ Năm Châu thành lập Ban Việt Kịch Năm Châu. Nữ nghệ sĩ Kim Cúc, dưới bàn tay phù thủy của đạo diễn Năm Châu, đã làm rung động trái tim của khán giả hâm mộ qua các vai: Nữ hoàng Túy Hoa trong tuồng Dân chúng trước pháp trường, vai cô Bê trong tuồng Khi người điên biết yêu, vai Hoàng hậu trong tuồng Gió ngược chiều, vai Tây Thi trong Tây Thi - Gái nước Việt, vai Hoàng hậu trong tuồng Hàm Lệ, Thái Tử nước Đan Mạch, vai vợ người chiến binh trong vở Người mặt cháy...

Tôi còn nhớ, năm 1952, Năm Châu mua được trại cưa bên kia cầu Bông, làm thành chỗ ăn ở cho cả đoàn Việt Kịch Năm Châu. Gia đình anh ở cái nhà sàn cất de ra sông phía tay trái mặt của trại. Gia đình của Tư Trang cũng ở trong một cái nhà sàn cất de ra sông phía bên trái của trại, khoảng giữa dành làm sân khấu giả để tập tuồng. Trong trại chia ra từng khoảnh để cho từng gia đình nghệ sĩ trong đoàn ở. Bếp là bếp chung, mỗi ngày nghệ sĩ ăn “cơm hội” như ở các trường nội trú.

Lúc này, ở Sài Gòn đang có phong trào “Truyền bá Quốc ngữ”, anh Năm Châu nhờ các học sinh và giáo sư trường Huỳnh Khương Ninh đến dạy cho các diễn viên và công nhân sân khấu chưa biết chữ, để mọi người biết đọc, biết viết. Những diễn viên dù đã thành danh hay mới vào nghề, một tuần lễ hai ngày đều phải vào đọc sách, phải biết đọc những đoạn văn đối thoại, phát âm đúng giọng, nói rõ, nói lớn và nói đúng theo các dấu chấm, phết, dấu hỏi hay cách buông lửng câu văn...

Anh nói đó là cách hay nhất để diễn viên học đối thoại trên sân khấu, hiểu rõ ý tưởng của tác giả và có nền tảng học vấn tối thiểu để tự nâng cao nghề hát của mình. Ngoài ra, anh còn chủ trương thực hiện cuộc sống mới, cấm cờ bạc, hút sách, nghiện rượu và cấm nói tục, chửi thề, những thói hư tật xấu mà xưa nay vẫn có trong các đoàn kịch hát.

Nghệ sĩ Năm Châu và nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa
trong vở “Tuyết băng và bạo lực”

Anh nói: “Muốn cho dân chúng xóa bỏ mặc cảm “xướng ca vô loại” đối với nghệ sĩ thì người nghệ sĩ tự mình phải chứng minh cuộc sống văn minh, có văn hóa. Mình hát trên sân khấu, muốn xây dựng một nghệ thuật “Đẹp” và “Thật”, mà bản thân người nghệ sĩ không “Đẹp” thì khó có thể thuyết phục được khán giả. Thủ một vai chung thủy, hào hiệp, có đạo đức mà bản thân người nghệ sĩ bê bối quá thì khó thành công trong các vai tuồng đó trên sàn diễn”.

Kim Cúc, Kim Lan, hai cô đào chính ăn khách nhất của đoàn cũng là hai người gương mẫu nhất trong việc thực hiện chủ trương sân khấu “Thật” và “Đẹp” của Năm Châu. Gương mẫu trong cuộc sống chung trong đoàn, nhất là đúng giờ tập tuồng, giờ ăn, giờ hát và giờ ngủ. Người ngoài nghề hát không thấy hết sự quan trọng trong việc bắt buộc nghệ sĩ phải tuân thủ đúng giờ giấc quy định.

Khi vãn hát, ăn uống, tắm rửa xong là đã hơn 12 giờ khuya, nếu chung sống trong một trại mà không có quy định giữ im lặng và nghỉ ngơi, họ sẽ không thể nào thức dậy đúng giờ để tập tuồng mới, sẽ không còn sức khỏe để hát những đêm sau, nếu để các tệ trạng cờ bạc, rượu chè, hút sách tồn tại trong cuộc sống của người nghệ sĩ. Đó chỉ mới nói đến vấn đề sức khỏe, chưa nói đến nhân cách của một người nghệ sĩ cần phải giữ gìn, đừng để những tai hại của “tứ đổ tường” lôi kéo đời mình vào cuộc sống sa đọa, chuốc lấy sự miệt khinh của xã hội.

Năm 1952, đoàn Việt Kịch Năm Châu tập tuồng Tây Thi - Gái nước Việt. Các vũ nữ, đúng 8 giờ sáng thì phải sẵn sàng để học các điệu múa trong tuồng. Kim Cúc và Kim Lan phải có mặt để học 72 đường kiếm thuật do một ông thầy võ người Hoa trong Chợ Lớn đến trại dạy. Các diễn viên khác cũng phải sẵn sàng, dò tuồng và học thuộc vai diễn của mình. Đúng 9 giờ thì lên sân khấu giả, ráp tuồng, học ca, học diễn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Năm Châu.

Tuy là tập tuồng nhưng các diễn viên phải diễn như đang hát thật trên sân khấu, không thể làm qua loa lấy có. Kim Cúc, Kim Lan hay Hoàng Kinh, Ngọc Đáng đều phải tuân thủ quy định cách tập tuồng của Năm Châu. Kim Cúc được Năm Châu tập từng bước đi sao cho có vẻ cao sang vương giả, tập từng cách chuốc rượu, liếc mắt đưa tình với Ngô Phù Sai. Anh thường nói: “Diễn xuất hay, không phải chỉ chú trọng nơi động tác hình thể đẹp, mà chính là dùng hình thể đẹp, thật, để nói lên được nội tâm của nhân vật theo đúng lớp tuồng đó”.

Phạm Lãi (Phùng Há) và Tây Thi (Kim Cúc)
trong tuồng Tây Thi gái nước Việt.

Kim Cúc thể hiện một cách tài tình cái tâm lý phức tạp của Tây Thi: vừa hào hùng, vừa thương cảm, vừa lẳng lơ trong nhiều lớp khác nhau. Khi chuốc rượu cho Ngô Phù Sai trên Cô Tô Đài thì lả lơi, uyển chuyển, nũng nịu, liếc mắt đưa tình; cũng ở Cô Tô Đài, gặp Phạm Lãi, Tây Thi hờn dỗi, trách móc sao để nàng chờ đợi mãi, cũng là nũng nịu, tâm tình mà sao có vẻ dịu dàng khả ái.

Tây Thi:

Ôi chờ đợi!... Biết đợi chờ đến bao giờ?
Chờ thời cơ! Chờ cuộc thế thịnh suy!
Chờ lương thực dồi dào! Chờ mưu kế!
Em đợi mãi... phút chờ mong chẳng đến.

Phạm Lãi (do Phùng Há đóng):

Không! Ba ngày nữa quân ta sẽ đồng tiến,
Sẽ đạp bằng thành quách của Phù Sai...
... Em phải hứa, suốt ba ngày mê loạn
Đắm Phù Sai trong những cuộc truy hoan...
Em hứa đi cho non nước reo mừng.

Tây Thi nhìn sững Phạm Lãi, nói rất rõ, lời hứa chắc nịch:

Em xin hứa!

Phạm Lãi quỳ sụp xuống dưới chân Tây Thi:

Tây Thi hỡi! Này lời cảm tạ!
Lòng yêu nước muôn đời ghi mặt đá.
Đức hy sinh truyền tụng mãi ngàn thu!
Tây Thi! Nàng sẽ trả được quốc thù.
Và... Vạn kỷ còn nêu danh gái Việt!

Chỉ một lớp đối thoại trên đây mà Phùng Há và Kim Cúc phải tập đi tập lại mãi, tập hàng tuần vẫn chưa làm hài lòng đạo diễn Năm Châu.

Anh Năm nói: “Nội dung câu văn tuy chỉ nói đến mưu toan mê hoặc Phù Sai để quên quân Việt tiến công nhưng không thể nói mạnh bạo, hào hùng như cách thúc quân xông trận, vì nói với nhau tại Cô Tô Đài, tức là nơi đất giặc thì phải giữ bí mật, nói nhỏ nhưng rất trang trọng; thêm vào đó, lời thoại không nhắc đến tình yêu của Phạm Lãi và Tây Thi, nhưng hai người yêu nhau, xa nhau vì nhiệm vụ, gặp lại nhau, tuy không nói ra lời, nhưng phải diễn bằng hành động, bằng ánh mắt, nụ cười, bằng cái vẻ quyến luyến chẳng nỡ rời nhau.... để khán giả cảm thấy được mối tình cao thượng và đầy ngang trái của Phạm Lãi và Tây Thi”.

Kim Cúc là một nghệ sĩ lớn, rất tôn trọng nghề nghiệp nên khi nhận diễn vai tuồng nào thì chị nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, nghiên cứu từ cách nói năng, đi đứng, hành động của nhân vật, làm cho nhân vật thực sự sống động trên sân khấu. Về ca bài bản trong tuồng, chị cũng bỏ công tập ca nhiều lần với nhạc sĩ, vừa ca đúng hơi Nam, hay Bắc, hay Oán, vừa thể hiện được tình cảm của nhân vật trong câu ca.

Cũng năm 1955, khi đoàn Việt Kịch Năm Châu rã, Tám Kiết và Hai Nữ dùng xác gánh hát này lập thành đoàn hát Phước Chung. Gia đình Năm Châu, Kim Cúc, Kim Lan, ông Bảy Nhiêu tập hợp thành nhóm chuyển âm phim cho hãng phim Mỹ Phương và hãng phim Mỹ Vân.

Về ngành phim ảnh, gia đình Năm Châu không gặt hái được thành công như mong muốn. Cả về sân khấu, những năm cuối thập niên 50, đầu năm 60, sân khấu cải lương có sự chuyển biến lớn: những giọng ca vàng, những ông vua, bà hoàng vọng cổ bắt đầu ngự trị trên sân khấu cải lương. Thế hệ đàn anh, đàn chị, những bậc thầy về diễn xuất phải dần dần nhường bước cho lớp nghệ sĩ trẻ, dù lớp nghệ sĩ này chưa diễn xuất hay, nhưng họ ca vọng cổ được khán giả ưa chuộng.

Các vị khán giả ái mộ cải lương nhớ lại từ những năm 60 trở về sau này, những năm 70, tên tuổi của vua vọng cổ Út Trà Ôn, các giọng ca vàng Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Út Hiền, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Dũng Thanh Lâm, Út Hậu, Phương Thanh, Tấn Tài, Thanh Hải, và các giọng ca vọng cổ mượt mà như sầu nữ Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Nga, Thanh Kim Huệ, Thanh Nguyệt đã chiếm lĩnh sân khấu cải lương và các hãng dĩa. Khán giả ít thấy xuất hiện những tên tuổi diễn viên lớn trong đợt nghệ sĩ tiền phong.

Năm 1958, Kim Cúc cộng tác với đoàn Thanh Minh, đóng vai sơn nữ họ Nùng trong tuồng Núi Liễu sông Bằng của Thiếu Linh - Thành Phát. Năm 1960, chị dạy cho Thanh Nga hát vai Hoàng hậu trong tuồng Gió ngược chiều của Năm Châu phóng tác Ruy Blas của Victor Hugo.

Từ năm 1962, khi Năm Châu được mời làm giáo sư kịch nghệ của trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn thì Kim Cúc, Duy Lân, Năm Nở, Ngọc Ánh và nhạc sĩ Hai Khuê, Sáu Tửng, cũng được mời làm giáo sư giảng dạy chung trường với Năm Châu.

Sau năm 1975, Kim Cúc được mời làm giáo sư kịch nghệ cho nhà hát Trần Hữu Trang.

Có thể nói, trong ba người vợ của anh Năm Châu từ cô Sáu Trâm (nữ diễn viên tài danh của gánh hát Tập Ích Ban), rồi Đệ nhất nữ danh ca tiền phong Tư Sạng đến Nữ nghệ sĩ tài danh Kim Cúc thì chị Kim Cúc là người đã cùng anh gắn bó trọn vẹn đời sống vợ chồng và cả trong nghệ thuật.

Hai người đều có chung một niềm say mê, một ước vọng chung là xây dựng một nền nghệ thuật cải lương “Đẹp” và “Thật”, một “Thánh đường thiêng liêng”. Có lẽ đến khi nhắm mắt, anh Năm Châu dường như đã mãn nguyện với những gì đã đóng góp cho nền kịch nghệ của nước nhà.

Nguyễn Phương
(Theo Tạp chí Hồn Việt)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 174
  • Khách viếng thăm: 173
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 25606
  • Tháng hiện tại: 2258156
  • Tổng lượt truy cập: 46225389