Người giữ lại một góc Sài Gòn xưa

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/05/2013 15:30
Nếu định giá, bộ sưu tập ảnh Sài Gòn xưa của nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến, với đa số là ảnh chụp lại hoặc cắt từ sách báo, chẳng đáng bao. Nhưng, cái cách sưu tầm ảnh không giống ai lại nói lên tấm lòng của tác giả, một người Hà Nội, với Sài Gòn – TP.HCM chắc chắn lớn hơn nhiều một thú chơi.
 
Hình ảnh cảng Sài Gòn trong bộ sưu tập ảnh.

 

Sài Gòn xưa chỉ là một trong hàng trăm chủ đề thuộc bộ sưu tầm ảnh khổng lồ đang chực phá tung gian phòng nhỏ của chủ nhân, vì quá tải. Nhà ông, giống như mọi căn nhà khác trong phố cổ, chật chội và cũ kỹ với nhiều thứ đồ cổ kính, mà đập ngay vào mắt là hai cây đèn chùm pha lê rất đẹp. Đó là những kỷ vật hiếm hoi “ông hoàng thuỷ tinh Đông Dương” một thời Trịnh Đình Kính – hậu duệ của chúa Trịnh Căn, để lại cho con trai – nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến. Tiếc là, theo vòng xoáy của thời cuộc, ông không thể nối nghiệp cha. Nhưng biết đâu, người từng đưa thuỷ tinh Việt Nam phủ khắp Đông Dương không mấy thất vọng, vì dù sao cậu con trai vẫn giống mình y tạc ở một điểm: mê Sài Gòn! Mê đến độ năm 1975 dám “bám đuôi” đoàn tiếp quản từ Bắc vào Nam, một hành động mà nếu bị phát hiện chắc chắn “giáng” cho ông không ít tai hoạ, chỉ để được ngắm Hòn ngọc Viễn Đông cho đã. Có lẽ khi ấy ông bị dẫn dụ bởi những câu chuyện “hành phương Nam” cha kể, sau mỗi chuyến công tác Sài Gòn.

Nhắc đến phi vụ du Nam mạo hiểm, nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến cười sảng khoái và cho khách xem một bức ảnh đen trắng đã cũ. Nhìn kỹ mới nhận ra, đấy là ông thời trẻ đứng chụp ảnh trước toà nhà Sinco nằm trên đường Nguyễn Huệ, khuôn mặt rạng rỡ. Rạng rỡ là đúng rồi vì mọi chuyện đều suôn sẻ. Thứ nhất là được “bám rễ” trong xưởng phim với mấy cái bánh mì chống đói, xem đến sưng mắt các bộ phim quốc tế nổi tiếng và phim do Sài Gòn thực hiện, ở ngoài Bắc hồi đó kiếm không ra. Thứ hai là Sài Gòn – TP.HCM vẫn lung linh như trong hình dung, dù có chút nhộn nhạo của một thành phố đang thời khắc chuyển giao lịch sử nhưng vẫn đẹp, hiện đại, vừa phóng khoáng vừa ngăn nắp, vẫn thân quen như những gì ông mường tượng. Còn người Sài Gòn thì khiến ông ngỡ ngàng quá đỗi: “Họ năng động lắm, đặc biệt không ngại kinh doanh trên phố, khác hẳn với chúng tôi ngoài Bắc thời điểm ấy, nhà có thiếu thốn mấy cũng chỉ biết ráng nhịn ăn nhịn uống…” Thứ ba là “tậu” về kha khá bưu ảnh làm kỷ niệm. Nhờ cái tiếng của cha, ông còn xin được một số bộ ảnh sinh hoạt gia đình, nay trở nên quý giá. Thế là từ đó, bắt đầu “nghiện” sưu tầm ảnh Sài Gòn xưa, một Sài Gòn đã in dấu trong đầu từ thơ bé.

Trong mắt không ít người, cái cách ông sưu tầm ảnh có lẽ hơi xô bồ, nhưng quả độc đáo. Khi nào túi tiền rủng rỉnh thì mua bưu thiếp và các bộ sách ảnh, khi nào “cạn vốn” thì chụp lén các tấm bưu thiếp ở bưu điện, hay cửa hàng sách. Thậm chí, đang ăn xôi, nhác thấy tờ giấy gói xôi có ảnh Sài Gòn, cũng vội xé miếng ảnh ấy ra đút túi. Thi thoảng, ông xin được một số bức ảnh quý, chắc chắn không có cái thứ hai, từ những gia đình có gốc gác đặc biệt liên quan đến lịch sử đất nước. Cũng nhờ may mắn, có lần, sau mấy chầu càphê và một hồi tỉ tê, ông được tặng một bộ sách ảnh về những đổi thay của Sài Gòn – TP.HCM qua hai thế kỷ, do Pháp thực hiện mà giá bìa không thể nào kham nổi. Mỗi một địa điểm, lại có hai bức ảnh Sài Gòn xưa và TP.HCM nay. Xem mới thấy TP.HCM khác Sài Gòn xưa cỡ nào. Những toà nhà cao vút, cầu cảng tấp nập, đường sá thênh thang khiến thành phố hiện đại hẳn lên, nhưng những dòng sông co lại, những hàng cây thưa thớt, và quy hoạch đô thị rối hơn trước lại khiến người ta không khỏi bâng khuâng về một Sài Gòn của thế kỷ trước. Chợt nhận ra, vì sao nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến lại tiếc đến cả một mảnh giấy báo cũ có in hình Sài Gòn xưa!

 






 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Đình Tiến (bìa phải), đứng trước toà nhà Sinco trên đường Nguyễn Huệ, 1975. Đường Nguyễn Huệ xưa (ảnh trên phải), Khi “cạn vốn”, ông lén chụp lại những tấm bưu thiếp in hình Sài Gòn xưa (ảnh dưới phải).


Hương Lan
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 261
  • Khách viếng thăm: 257
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 44223
  • Tháng hiện tại: 2412648
  • Tổng lượt truy cập: 48786775