Văn học Đồng bằng và chủ đề nông thôn, nông dân, nông nghiệp

Đăng lúc: Thứ bảy - 27/02/2010 09:48
Văn học Đồng bằng và chủ đề nông thôn, nông dân, nông nghiệp

Văn học Đồng bằng và chủ đề nông thôn, nông dân, nông nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, là miền đất của nắng gió và hoa trái bạt ngàn, là chiếc nôi của nhiều bộ môn nghệ thuật mang đặc thù miền sông nước mà mỗi khi nhắc đến, người mộ điệu không ai không biết, đó là vùng đất địa linh nhân kiệt.

Quê hương sông nước đã sản sinh ra các câu hò điệu lý, những điệu Vọng cổ Hòai lang, điệu Nam ai, Xuân tình, những bản vắn bản dài, đờn ca tài tử Nam bộ và đặc biệt gánh cải lương đầu tiên Đồng Nữ ban đã hình thành từ miệt vú sữa Lò Rèn nổi tiếng của Vĩnh Kim ( Tiền Giang), những đạo diễn và danh ca cải lương, sân khấu kịch đã lưu lại tên tuổi cho đến ngày nay như Trần Hữu trang, Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Cương… Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Lưu Hữu Phước, Hòang Việt, Xuân Hồng, Nguyễn Văn Nam… Những họa sĩ tài danh như Nguyễn Sáng, nữ họa sĩ tranh lụa Nguyễn Thị Tâm.. và những bộ môn khác với nhiều bậc tài danh không thể liệt kê hết. Ở lãnh vực văn chương chữ nghĩa, tính ra cũng không kém cạnh bất cứ vùng, miền  nào. Nếu chỉ nói riêng về đề tài nông thôn thì từ trước tới nay đã có nhiều nhà văn, nhà thơ đề cập đến, qua sự sàng lọc của thời gian, nhiều tác giả đã thành công với những tác phẩm để đời. Từ những năm đầu thế kỷ 20 đã có tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh với hơn 70 quyển tiểu thuyết và nhiều lọai hình sáng tác khác nhau mà đa phần là những câu chuyện về miến đất và con người của vùng quê tác giả, chuyện kể về mối xung đột gay gắt giữa địa chủ và tá điền, cuộc sống bần cùng của người nông dân với bao nghịch cảnh, những cuộc tình đầy trắc trở của những cô thôn nữ vì môn đăng hộ đối. Những tiểu thuyết “ Ngọn cỏ gió đùa”, “ Nhơn tình ấm lạnh”, “ Con nhà nghèo”… của nhà văn Hồ Biểu Chánh đã từng gây sóng gió một thời trên mãnh đất Nam bộ mà nơi ấy không phải chỉ có công tử Bạc Liêu  tiêu tiền như giấy, không phải chỉ có những anh Hai Lúa chỉ biết tay lấm chân bùn trên những cánh đồng cò  bay thẳng cánh.

Một nhà văn Đoàn Giỏi với “Đất rừng phương Nam” và nhiều tác phẩm đặc sắc thấm đẵm chất dân dã, là một đại tác gia Nam bộ đã quá quen thuộc với đọc giả cả nước. Nhà văn  Anh Đức làm rung động lòng người với tiểu thuyết “Hòn đất” và nhiều tác phẩm độc đáo khác khiến người đọc khó quên, nhà văn Nguyễn Quang Sáng với nhiều truyện ngắn , truyện dài, kịch bản phim đầy ấn tượng và tài hoa, nhà văn Mai Văn Tạo với nhiều truyện ngắn, truyện dài, tản văn thắm đượm tình quê, tình đất An Giang, nhà văn Lê Văn Thảo với “ Ông cá hô” đậm đặc chất dân gian Nam bộ, nhà văn Trần Thanh Giao với những bút ký, truyện ngắn, truyện dài sâu sắc và cảm động, nhà văn Trang Thế Hy với những câu chuyện hóm hĩnh, đầy kịch tính của những con người chân chất  quê ông. Từ sau năm 75 đến nay xuất hiện nhiều nhà văn của Đồng bằng ( hiện đang sống ở địa phương hoặc đã đi nơi khác) viết nhiều về chủ đề nầy được bạn đọc yêu thích và nhận nhiều  giải thưởng của Đồng bằng, của Hội văn học cấp trên và cả giải thưởng của nước ngòai như : Võ Đắc Danh, Nguyễn Lập Em, Nguyễn Ngọc Tư, Ngô Khắc Tài, Anh Đào, Vũ Hồng, Kim Quyên, Nguyễn Trọng Tín, Dạ ngân, Trần Thôi, Hồ Tỉnh Tâm…. Không thể kể hết những nhà văn, nhà thơ thuộc bậc đàn anh cũng như những cây viết trẻ thuộc lớp hiện nay đang đóng góp cho vườn hoa văn chương Nam bộ ngày càng có nhiều bông hoa với những dáng vẽ và hương sắc đa dạng, phong phú . Mười  ba Hội văn học nghệ thuật của 13 tỉnh miền Tây là nơi ươm mầm tài năng mới cho các bộ môn văn hóa nghệ thuật, tạp chí của các Hội là mãnh đất để cho các cây viết trong cũng như ngòai Hội trình làng các tác phẩm mới. Từ nơi đây đã và sẽ cung cấp cho Hội cấp trên những nhà văn thực sự có tài, có tâm, đã và sẽ góp phần làm cho diện mạo văn học của Đồng bằng sông Cửu Long thêm đa sắc màu.

Chủ đề các nhà văn quan tâm hiện nay phần đông vẫn là chủ đề về nông thôn, về mãnh vườn thửa ruộng, về những dòng sông chãy qua chín ngã cùng nỗi gian lao của người nông dân tay lấm chân bùn. Vì đó là một góc quê hương đã trở thành máu thịt mà nhà văn muốn phơi trãi lòng mình trên trang giấy.

Chủ đề về nông thôn trước và sau chiến tranh vẫn mãi mãi là chủ đề bất tận cho các cây viết miệt Đồng bằng. Ngày nay, người đọc đòi hỏi người cầm viết phải mở rộng hơn nữa biên độ tầm nhìn, sâu sắc hơn nữa trong trãi nghiệm thực tế. Bỡi vì nông thôn sau chiến tranh còn biết bao điều bất cập cần phải miêu tả, cần phải tường thuật như hậu quả kinh hòang của chiến tranh để lại: Các vấn đề về chất độc da cam mà nông thôn miền Nam đã hứng chịu gần 100 triệu lít chất độc mang hàm lượng dioxin cao, một cuộc chiến hóa chất có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới, chất cực độc  nầy cho tới ngày nay, sau hơn ba mươi năm vẫn còn gây hậu quả nghiêm trọng cho đất đai và sức khỏe con người nhưng chính quyền Mỹ đã phủi tay ém nhẹm khi họ bị kiện ra trước Tòa án Tối cao Mỹ trong thời  gian vừa qua, những vấn đề bức xúc về nạn cường hào ác bá ở nông thôn, nạn thất học và thất nghiệp của một bộ phận thanh thiếu niên, vấn đề đô thị hóa nông thôn phần nào làm mất dần nét đẹp của xóm làng truyền thống và cuộc sống của người dân có nhiều thay đỗi trong cách nghĩ cách làm. Chuyện chuyễn đỗi cây trồng vật nuôi, giải quyết đầu ra đầu vào nông sản như thế nào, những mô hình sản xuất trong mùa lũ ra sao, chuyện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn bước đầu thành công hay thất bại ?... Những sự kiện lớn lao của nông thôn ngày nay trong bước chuyễn mình vươn ra hội nhập cùng bạn bè thế giới không thể nói hết, người viết làm sao nắm bắt cho được những hiện thực đang diễn tiến từng ngày, những niềm vui và nỗi buồn của người nông dân trên thữa ruộng, liếp vườn của họ. Người nông dân ngày nay không còn  cảnh “ Con trâu đi trước, người cày theo sau” nữa mà nông dân ngày nay trình độ hiểu biết về nông nghiệp được  nâng cao, họ được hướng dẫn về kỷ thuật nuôi trồng cặn kẻ, làm ăn có đoàn, có hội, năng suất  cây trồng vật nuôi tăng lên rất nhiều, nhiều lọai nông sản được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cấp nhãn hiệu, tạo thương hiệu riêng để xuất khẩu ra nứơc ngòai với số lượng lớn hàng năm và được người nứơc ngòai rất ưa chuộng. Hình ảnh anh nông dân đi thăm ruộng bằng xe máy, giao tiếp  qua điện thọai di động, “nhấp chuột”, nối mạng để giao dịch mua bán nông sản là chuyện không còn xa lạ.Có người đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá tra bè, cá ba sa, nhiều hộ làm giàu nhờ xòai cát, cam sành, lúa thơm, có người sáng chế ra những công cụ trồng trọt đã được cấp bằng sáng chế và đưa vào sử dụng có hiệu quả như “ giàn phun thuốc diệt rầy”,” máy gặt đập cải tiến”…Đại học Nông nghiệp Cần Thơ được xem như “ Trung tâm tri thức” của nhà nông, cung cấp cho nhà nông nhiều kiến thức bổ ích. Cuộc sống của nông dân phần nào đã được nâng cao về mọi mặt. Nhìn chung, cuộc chuyễn mình nào cũng có sự trăn trở nhọc nhằn, có nụ cười và nước mắt, có vinh quang cùng cay đắng, không thể nhìn phiến diện một chiều, tô hồng hoặc bôi đen hiện thực là không khoa học. là chưa thể hiện được nhiệm vụ của người làm thư ký thời đại.

Thời chiến cũng như thời bình, nông dân Nam bộ muôn đời vẫn là những con người khẳng khái, dũng cảm gan góc, cần cù, thông minh, hào phóng, đầy lòng nhân ái và lạc quan. Họ vẫn luôn hòai bảo một ước vọng là đem đôi tay và trí óc của mình làm ra của cải vật chất  để nuôi  sống bản thân, gia đình và xã hội. Họ còn biết bao gian khó trước  mắt, cần  có sự trợ giúp của chính quyền và nhiều ban ngành khác, dù khó khăn đến đâu, dù gian khổ cở nào, họ vẫn ngày ngày cố vượt lên trên mãnh đất quê nhà.

Thiết nghĩ, nhà văn Đồng bằng có quá nhiều tư  liệu sống để miêu tả, để giải bày, để dự báo, đồng thời để tham gia nhập cuộc. Ngày ngày nhà văn được tắm mình trong những chi tiết sống, cuộc sống nông thôn thắm đẳm trong từng huyết quản, từng hơi thở, không cần phải bôn ba, lặn lội đâu xa, chỉ quanh quẩn một góc quê nhà, một khoãng trời và những con rạch dòng sông rồi nhờ chút tài năng, sự hiểu biết uyên bác cùng tấm lòng nhân ái, nhà văn Đồng bằng sẽ dễ dàng phóng bút cho những bài thơ, những đọan văn, những bút ký đầy sinh động, sắc sảo với giọng điệu rất riêng của người Nam bộ, chắc rằng sẽ sáng tác những tác phẩm đánh động được xã hội và khiến cho người  đọc khó quên. Mỗi nhà văn sẽ là một nhánh sông, góp  phần làm cho dòng văn học Nam bộ ngày càng dạt dào, càng mênh mang sâu thẳm.

Nông thôn, nông dân là những chủ đề tối quan trọng, nhất là đối  với một nước nông nghiệp như Việt Nam, đứng ở góc độ người viết về đề tài nầy, tôi xin được đề nghị như sau:

1.  Các Hội văn học Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết chặt chẽ để tổ chức các cuộc thi định kỳ về đề tài nông thôn, nông nghiệp, nông dân sao cho có tiếng vang lớn rộng, có chất lượng cao. Việc nầy  cần liên kết báo đài để quảng bá rộng rãi . Nếu được, các báo, tạp chí của Hội Nhà văn Việt Nam dành chuyên mục cho các cuộc thi và thường kỳ để quảng bá, hổ trợ cho Đồng bằng, đồng thời cũng tăng thêm bài vỡ đặc sắc của phía Nam cho các báo.

2. Tài trợ chiều sâu cho các tác giả sáng tác về mãng đề tài nầy. Các Hội cần in ấn  các tác phẩm hay và giới thiệu bài bản, cụ thể, rộng rãi trên các báo tờ báo lớn của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

3. Chính quyền địa phương và các ban ngành có liên quan đến văn học nghệ thuật cần quan tâm hơn nữa những tác giả có thực tài để kịp thời  khen thưởng những tác phẩm có giá trị  đích thực.

3. Người viết cần có kế họach cụ thể , dành nhiều thời gian và công sức cho mãng đề tài nầy, nhà văn và nông dân nên gắn kết chặt chẽ hơn nữa để chia sẽ ngọt bùi cùng họ trên con đường xây dựng một nếp sống mới, một xã hội mới, ấm no và hạnh phúc.

Kim Quyên
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 87
  • Khách viếng thăm: 86
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 48000
  • Tháng hiện tại: 2248289
  • Tổng lượt truy cập: 48622416