Tục cưới độc đáo của các dân tộc Nam Bộ

Đăng lúc: Chủ nhật - 21/10/2012 15:20
Nam Bộ là một vùng văn hóa rộng lớn với nhiều phong tục, nếp sống độc đáo. Với đặc điểm khí hậu và mạng lưới sông ngòi chằng chịt, cuộc sống của người Nam Bộ gắn liền với sông nước ruộng vườn. Bên cạnh người Kinh, miền đất trù phú này còn là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc khác: người Khmer, người Hoa, người Chăm. Hẳn nhiên, mỗi dân tộc có nhiều phong tục cưới hỏi khác nhau, làm nên tính đa dạng, đặc sắc cùa văn hóa vùng này.

Đám cưới người Kinh ở miệt vườn

Đám cưới ở miền Tây

Miệt vườn - theo nhà văn Sơn Nam, là cách gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ. Người Kinh khi vào đến niền Nam đã khai phá vùng này sớm nhất nên có thể được xem là cái nôi văn hóa của cả vùng. Đám cưới vùng này thường rước dâu bằng xuồng, đến ngày cưới nhà cửa được trang hoàng lộng lẫy, trước nhà không thể thiếu chiếc cổng hoa kết từ lá dừa, lá đủng đỉnh, hoa cau; trong nhà bàn thơ gia tiên phải có đủ “hương, đăng, hoa, quả”. Lễ rước dâu đôi khi đi qua cầu khỉ (một loại cầu bắc qua kênh rạch thô sơ bằng thân tre) rất hồi hộp, lạ mắt nhưng dễ thương.

Trong các nghi thức cưới của vùng này, quan trọng nhất là lễ lên đèn. Hai ngọn nến to, do đàng trai đem đến được thắp trên bàn thờ ông bà. Ngọn đèn phải cháy thong dong, đều đặn, nếu bên cao bên thấp thì sẽ có dư luận chàng rể sợ vợ, cô dâu sẽ lấn hiếp chồng. Ðề phòng nến tắt, nhiều người đóng cửa sổ thật kỹ, sợ gió tạt hoặc tạm thời tắt quạt máy. Tiệc cưới miệt vườn thường đãi từ sớm đến chiều, cứ đủ mười người thì xếp vào một bàn và dọn thực ăn.

Đám cưới người Chăm ở An Giang

Người Chăm An giang nói riêng và người Chăm ở vùng Nam bộ nói chung có giọng nói và nét văn hóa gần như giống nhau và tất cả đều theo đạo Islam. Người Chăm An giang theo phụ hệ nên khi dạm hỏi đàn trai phải sang nhà gái dạm hỏi và phải chịu tiền thách cưới. Khi được sự đồng ý trong thỏa thuận cả hai nhà tiến đến làm lễ “kalaoh panuec” tạm dịch là “dứt lời” trong ngày lễ nhà trai phải dâng lễ vật là một mâm đầy ắp trái cây và nhà gái đáp lễ lại bằng những khay bánh đầy.

Sính lễ nhà gái trong ngày "kalaoh panuec". Ảnh: Putrachampa

Sau lễ “dứt lời” là lễ “ikak tangân” tạm dịch là “cột tay”. Trong lễ “ikak tangân” nhà trai phải dâng những lễ vật đắt tiền với những đồ vật truyền thống và các đồ vật sử dụng hàng ngày. Lễ cưới chỉ là phụ, chủ yếu là lễ “Kabul” trong thánh đường. Tức lễ mà nhà gái đứng công khai tuyên bố gả người con gái và người con trai cũng công khai tuyên bố chấp nhận.

Lễ cưới của người Chăm An Giang diễn ra trong hai ngày - một đêm. Ngày thứ nhất chỉ mời bà con dòng họ và người cùng xóm đến ăn uống, văn nghệ mà không có khách xa. Ban đêm là đêm hội mà trai thanh nữ tú có cơ hội gặp mặt nhau. Cô dâu, chú rễ mời bạn bè đến chung vui , hát hò đến tận khuya. Và sáng sớm hôm đó là “ harei he” hay nôm na là ngày đưa chú rễ về nhà gái. 

Đám cưới người Khmer ở Sóc Trăng và Trà Vinh

Mùa cưới truyền thống của người Khmer Nam bộ bắt đầu từ  tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Do người Khmer theo chế độ mẫu hệ nên lễ cưới thường được tổ chức ở nhà gái và chỉ có lễ đưa chú rể từ nhà trai sang nhà gái chứ không có lễ rước dâu như người Việt.

Lễ cột chỉ

Lễ vật chú rể mang sang nhà gái là đôi gióng : một bên là đầu heo còn một bên là thức ăn để cúng ông Tà. Trên đường đi, giàn nhạc dân tộc sẽ trình tấu những bản nhạc vui tươi để báo cho mọi người biết là lễ cưới đang tiến hành. Trước khi đến nhà gái, đám rước sẽ ghé qua miếu ông Tà nơi cây đa đầu làng để trình diện và dâng lễ. 

Khi đàng trai sắp đến, nhà gái rào cổng lại bằng nhánh gai tượng trưng trưng cho sự trong trắng của cô dâu chưa tiếp xúc với thanh niên khác. Khi đến cổng rào nhà gái, ông Maha cầm thanh gươm gỗ múa 3 vòng để báo chú rể đã đến. Bên nhà gái sẽ đánh cồng báo hiệu cho nhà trai vào. Ngày hôm sau mới là lễ cưới, trong lễ cưới những nghi lễ quan trọng mới được tiến hành như lễ xoay đèn, lễ cột chỉ tay, lễ nhập phòng.....

Lễ cưới người Hoa ở Bạc Liêu

Cũng giống với người Việt, nghi thức cưới hỏi của người Hoa được tiến hành qua ba bước. Đó là lễ làm quen, lễ đính hôn và lễ cưới. Lễ làm quen được tiến hành khi hai bên gia đình hầu như đã đồng ý chuyện thành hôn của đôi trẻ. Lễ hỏi, cũng coi như là lễ đính hôn, khi đoàn người của đàng trai đến thì không có chú rể đi cùng. Trong lễ hỏi, đàng trai còn mang đến trao cho đàng gái số tiền “nợ”. Số tiền này luôn là bốn con số bốn như : 4.444.000 đồng hay 44.440.000 đồng. Thường thì đàng gái lấy hai con số giữa (như lấy 440.000 đồng hay 4.400.000 đồng ) còn thì hoàn lại cho đàng nhà trai, vì người Hoa quan niệm con số 44 là con số đẹp, là sự vuông tròn, bền vững và việc trả lại con số 4 đầu và số 4 cuối là có “tiền”, có “hậu”.

Trang phục cưới truyền thống người Hoa. Ảnh: Bảo tàng LSVN

Trước lễ cưới khoảng 10 ngày, đàng gái cử người qua nhà trai cung cấp danh sách tên, thứ tự vai vế của các vị lớn tuổi trong gia tộc để bên đàng trai biết, tiện việc xưng hô, giao tiếp và những vấn đề liên quan đến nghi lễ. Trước lễ cưới một ngày, chú rể mang liễn đến dán ở cửa nhà cô dâu. Khi dán xong thì về, gặp bậc cha chú chỉ cúi đầu chào, tuyệt đối không được nói gì.

Khi rước dâu, đến nhà gái thì chú rể và ông mai vào trước. Tới cổng, một bé trai (hoặc gái) là em hoặc cháu cô dâu, bưng mâm có hai ly nước trà mời chú rể. Chú rể uống nước, cám ơn và trao tiền lì xì. Mâm lễ cưới phải có đùi heo sau. Mà đùi phải còn dính liền đuôi heo. Đuôi phải còn một túm lông ở chót đuôi. Vì người Hoa quan niệm phải có tiền có hậu. Người nhà trai cũng mang theo một bao thơ đựng tiền trao tận tay cho mẹ cô dâu với hàm ý biết ơn và trả công sinh đẻ, công giặt tã lót vì vậy mà có kèm theo một tấm vải may quần tặng cho bà mẹ.

Khắc Huy tổng hợp từ Báo An Giang, Báo Cần Thơ và tác giả Sơn Nam, Lâm Quang Thanh
(Theo www.lophocvuive.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 392
  • Khách viếng thăm: 389
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 37205
  • Tháng hiện tại: 2201865
  • Tổng lượt truy cập: 46169098