Tính chất lưỡng trị trong thơ thiên nhiên Việt Nam

Đăng lúc: Thứ ba - 19/07/2011 15:10
Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng là sự quyện se giữa các yếu tố thực tại tự nhiên, xã hội, sự rung cảm của tâm hồn nhà văn cùng với tài năng và tâm huyết của họ. Chính vì thế các bài thơ thiên nhiên, cả trong văn học trung đại và hiện đại đều mang tính chất lưỡng trị. Nghĩa là trong mỗi bài thơ bên cạnh bức tranh miêu tả thiên nhiên cây cỏ còn ẩn chứa sau đó một bức tranh tâm trạng của con người. Điều đáng quan tâm nhất là sự hòa quyện vi tế của hai bức tranh này để tạo ra giá trị thẩm mỹ độc đáo cho từng bài thơ.

Một nhà nghiên cứu văn học có tiếng ở Việt Nam cho rằng: các bài thơ trung đại mang tính chất đơn trị. Ngược lại các bài thơ hiện đại lại mang tính chất lưỡng trị. Kết luận này là hoàn toàn không thỏa đáng và thiếu tính khoa học. Trong thơ trung đại, xuất hiện chùm thơ Thu của Nguyễn Khuyến như một vầng sao lạ đột hiện ánh sáng chiếu khắp bầu trời thơ.

Đặc biệt hơn cả là bài thơ “Thu điếu”, bức tranh lưỡng trị hiện lên một cách độc đáo và sâu sắc. Nó cứ ám ảnh người đọc mãi bởi những hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong bức tranh thơ lưỡng trị ấy: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/Lá  vàng trước gió khẽ  đưa vèo/ Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/Ngõ  trúc quanh co khách  vắng teo/­Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Nếu đọc từ từ theo chiều thuận, từ trên xuống dưới, một bức tranh thiên nhiên đặc trưng của miền quê Bắc bộ hiện ra với một không gian từ hẹp đến rộng, từ thấp lên cao. Không gian của ao thu mà trung tâm là một cụ già ngồi trên chiếc thuyền câu trong cái heo hắt của mùa thu được dần mở rộng về mọi phía; “ngõ trúc”, “tầng mây”... Từ mặt ao lăn tăn gợn sóng hướng lên trời với những đám mây chầm chậm trôi đi trong sự yên ả.

Bức tranh thiên nhiên tĩnh tại như ngừng thở, may thay hình ảnh “chiếc lá đưa vèo” xuất hiện như một tia chớp rạch ngang, lóe sáng làm vỡ tan cái yên lặng đến đóng băng ấy. Thiên nhiên bất chợt rung động làm người xem bất ngờ thú vị nhưng chỉ một giây thôi tất cả lại bị nhấn chìm trong yên lặng.

Nếu đọc theo chiều ngược, từ dưới lên, bức tranh tâm cảnh hiện lên rõ rệt và đập mạnh vào nhiều giác quan. “Cá đâu đớp động dưới chân bèo.” Thế ra ao có cá, thậm chí rất nhiều cá mà lại là cá đói nữa. Vậy tại sao lại “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được ?”. Phải chăng câu cá chỉ là một cái cớ hợp lý để Nguyễn Khuyến được ngồi yên tĩnh một mình, suy ngẫm về cuộc đời, về con người và về thế thái nhân tình? Đó là một tâm trạng u uẩn, bế tắc thực sự của những nhà nho chân chính thời phong kiến. Hai bức tranh này hòa quện vào nhau, tạo nên một bức tranh đa trị độc đáo là sức sống mãnh liệt của bài thơ.

Trong thơ mới, nổi lên hai bài thơ: “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu và “Tràng giang” của Huy Cận, tính chất lưỡng trị được thể hiện càng rõ rệt hơn: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàn/Đây mùa thu tới - mùa thu tới/Với  áo mơ phai dệt lá vàng/Hơn một loài hoa đã rụng cành/Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh/ Những luồng run rẩy rung rinh lá/Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh/Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ/Non xa khởi sự nhạt sương mờ/Đã nghe rét mướt luồn trong gió/ Đã vắng người sang những chuyến đò/Mây vẫn tầng không, chim bay đi/Khí  trời u uất hận chia ly/Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/Tựa cửa nhìn xa nghĩ  ngợi gì”? (Đây mùa thu tới - Xuân Diệu).

Những cây liễu bên hồ Gươm suốt bốn mùa vẫn soi bóng xuống mặt nước lung linh. Màu vàng của sự chết chóc, chia lìa đang gậm nhấm sắc xanh, những nhành liễu khô gầy, mảnh mai đang run lên bần bật trong ánh trăng hư huyền lạnh lẽo của đêm thu là một bức tranh thiên nhiên thuần túy. Nhưng tất cả là những tiền đề tinh vi, chuẩn bị cho sự cô đọng, rùng mình ớn lạnh của bức tranh tâm cảnh bất ngờ được phát hiện khi đọc khổ thơ cuối.

Đỉnh điểm của nỗi đau, mất mát và sự chia lìa là cái nấc nghẹn ngào của người thiếu nữ, khiến tác giả nhìn rặng liễu quen thuộc của mọi ngày mà cứ tưởng mái tóc rũ rượi, cùng những giọt nước mắt rơi đều không ngớt của người thiếu phụ. Xuân Diệu “người tình nồng nhiệt nhất của vũ trụ” đã mang đến cho thơ mới một cái rùng mình rợn ngợp vì đã đặt ngay bên cạnh bức tranh thiên nhiên với rặng liễu vào mùa thu một bức tranh tâm cảnh buồn bã, đau thương, cái chết - đỉnh điểm của sự tang tóc chia ly.

Bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/Con thuyền xuôi mái nước song song/Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/Củi một cành khô  lạc mấy dòng/Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/Nắng xuống trời lên sâu chót vót/Sông dài trời rộng bến cô liêu/Bèo dạt về đâu hàng nối hàng/Mênh mông không một chuyến đò ngang/Không cầu gợi chút niềm thân mật/Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng/Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa/Lòng quê dợn dợn vờn con nước/Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”…

Bức tranh thiên nhiên với vũ trụ vỡ vụn trong một không gian ba chiều rợn ngợp. Một dòng sông mênh mông vô định và hiu quạnh “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.” Một cành củi khô nổi nênh giữa dòng nước với từng hàng bèo trôi dạt, lênh đênh không biết sẽ trôi về đâu cứ “lặng lẽ bờ xanh” lại “tiếp bãi vàng”. Phía xa xa là những ngọn núi trùng trùng điệp điệp nhưng chỉ một cánh chim chiều chới với bay. Tất cả đều đứt lìa mối liên hệ qua câu thơ: “Không cầu gợi chút niềm thân mật”. Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ càng trở nên rợn ngợp với câu thơ “Nắng xuống trời lên sâu chót vót”. Vũ trụ vỡ vụn và lọt thỏm trong không gian ba chiều lạnh ngắt với chiều cao, chiều rộng và chiều sâu.

Lồng xoắn vào bức tranh thiên nhiên ấy là bức tranh tâm cảnh đậm nỗi buồn vì sự cô đơn, lẻ loi và mất tự do. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương tha thiết và bùng cháy đến mức “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Một nỗi cô đơn, lạc lõng và nhớ nhung ngay cả khi đang đứng chân trên chính quê hương mình (Quê hương đã bị giặc chiếm). Hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng” se thắt lạ thường, sự khô héo ngay trong khi đang đắm mình trong dòng nước mới càng trở nên xót xa lạc loài. Kiếp củi trở thành ẩn dụ nhói buốt cho kiếp người cô đơn lạc loài.

Bài thơ “Bến đò ngày mưa” của Anh Thơ: “Tre rũ  rợi ven bờ chen ướt át/Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa/Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt/Mặc con thuyền cắm lái  đậu trơ vơ/Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo/Vài quán hàng không khách đứng so ro/ Một bác lái ghé thuyền vào hút điếu/Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho/Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ/Thúng đội đầu như đội cả trời mưa/Và  họa hoằn một con thuyền ghé chở/Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa”.

Khi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, cứ tưởng bài thơ này là một ngoại lệ nhưng không... Bên cạnh một bức tranh thiên nhiên với bến đò vào một ngày mưa mà cũng có thể là cả một tháng mưa. Mưa nhiều quá, mưa làm cho cuộc sống con người như nhão ra và đang dần tan chảy. Trong bức tranh thiên nhiên này có sự xuất hiện và hoạt động của con người nhưng cũng chính nó cho ta thấy thời tiết đang dần chặn đứng mọi hoạt động của con người. Cả rặng tre làng cũng như lười nhác, co cụm “Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át”, hàng chuối cũng mệt mỏi, buông lơi “Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa”.

Đọc chậm lại và suy ngẫm một chút, sẽ thấy bức tranh tâm cảnh hiện ra lầm khuất, ẩn hiện trong bức tranh thiên nhiên. Một tâm trạng ngưng đọng, buồn bã, bế tắc, chán nản nhưng thật đáng yêu. Đáng yêu bởi con người thời hiện đại mặc dù phải sống trong cảnh đơn điệu, tẻ nhạt, ù lì ngưng đọng… Nhưng cái cách thể hiện nó, chống lại nó bằng một bức tranh thiên nhiên với nghệ thuật biểu đạt tinh tế, đậm đà văn hóa và lối ứng xử kín đáo của người Việt.

Chính tính chất lưỡng trị tạo nên cái hồn, hơi thở và nhịp sống cho thơ thiên nhiên. Sẽ chẳng còn gì là thú vị, là nghệ thuật, là thơ khi chỉ miêu tả đơn thuần một ao thu, một dòng sông, một rặng liễu, một
bến đò...

Thơ là thế đó.
Nguyễn Thanh Tuấn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 46)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 408
  • Khách viếng thăm: 403
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 97780
  • Tháng hiện tại: 1846680
  • Tổng lượt truy cập: 48220807