Dạ thưa tiếng Huế bây giờ

Đăng lúc: Thứ hai - 26/11/2012 15:42
Khách tham quan đến Huế, ngoài lời ngợi ca vẻ đẹp của sông núi, di tích và con người nơi đây, còn thích thú với giọng nói nhỏ nhẹ của người Huế, đặc biệt là con gái Huế. Một nhà thơ đã viết một cách hình tượng “Em ơi giọng Huế có chi. Mà trong hoa nắng thầm thì cơn mưa”.
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người nên nói đến bản sắc văn hóa của một dân tộc, một vùng đất không thể không nói đến ngôn ngữ. Cũng như nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Việt có các phương ngữ của những vùng đất khác nhau và trong mỗi phương ngữ chung lại có những phương ngữ nhỏ hơn.
 

Các nhà Việt ngữ học tương đối thống nhất về việc phân chia phương ngữ tiếng Việt thành ba phương ngữ chính là phương ngữ Bắc (Bắc Bộ và Thanh Hóa), phương ngữ Trung (từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế) và phương ngữ Nam (từ Đà Nẵng trở vào).

Người Huế được xem là nói năng “nhỏ nhẹ”, khác với giọng nói phóng khoáng của cư dân Nam Bộ, giọng nói sắc ngọt của người miền Bắc, giọng nói dõng dạc của đất Quảng Nam. Huế thuộc phương ngữ Trung nhưng nói năng “nhỏ nhẹ” hơn ngay chính những vùng khác thuộc phương ngữ Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Nhờ được học, được đọc và đi điền dã với các thầy dạy ngữ âm ở Đại học Huế trước đây là các thầy Vương Hữu Lễ, Hoàng Dũng, Nguyễn Tri Niên, tôi phần nào hiểu được những đặc tính “nhỏ nhẹ” do tác động của hoàn cảnh lịch sử xã hội, địa lý của vùng đất cố đô, nhất là đặc trưng về ngữ âm của phương ngữ này từ sự tác động của những qui luật ngôn ngữ.

Đặc trưng “nhỏ nhẹ” từ yếu tố thiên nhiên. Huế là một vùng sông nước hữu tình, người Huế có tâm hồn đa cảm gần với thi ca nên được ví von người Huế như được “mớm” thơ từ trong sữa mẹ. Vì vậy, “nhỏ nhẹ” trong lời nói, ứng xử là một phong thái của người dân sống ở xứ Đẹp và Thơ.

Đặc trưng “nhỏ nhẹ” từ yếu tố lịch sử. Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong rồi trở thành kinh đô của đất nước thống nhất nên ngoài cung cấm còn có nhiều phủ đệ, quan viên, con vua cháu chúa rất nhiều. Sinh hoạt của tầng lớp quí tộc, trong đó có cách ăn nói của họ đã ảnh hưởng đến lối sống của đất thần kinh. Vua chúa với quyền uy của mình không cần ăn to nói lớn, quan lại cũng không dám nói mạnh trước đức vua và triều thần. Ở kinh đô, tai vách mạch rừng, lời nói phải từ tốn, nhỏ nhẹ, tránh lỡ lời mà mang vạ vào thân. Chốn kinh đô cũng cần sự trang nghiêm, kính cẩn, yên tĩnh cho sinh hoạt của vương triều cũng như cộng đồng xã hội phong kiến nơi đây. Gần 350 năm thủ phủ nửa miền đất nước và kinh đô thống nhất, phong thái ấy đủ để lại dấu ấn trong cộng đồng ngôn ngữ.

Không thể không xét đến các yếu tố lịch sử, địa lý, hoàn cảnh xã hội nhưng cái quan trọng là phải căn cứ vào các đặc điểm của ngôn ngữ. Giọng Huế nghe “đều đều”, nhỏ nhẹ là do một số đặc điểm về ngữ âm.

Khác với các vùng khác của phương ngữ Trung chỉ có 4 thanh điệu trong 6 thanh điệu tiếng Việt (thanh hỏi, thanh ngã lẫn vào thanh nặng), phương ngữ ngữ Huế có 5 thanh điệu (thanh ngã lẫn vào thanh hỏi) giống với phương ngữ Nam. Tuy nhiên, qua phân tích sơ đồ âm phổ, khoảng cách về cao độ trong tiếng Huế nhỏ hơn so với tiếng Sài Gòn và càng nhỏ hơn nhiều so với tiếng Hà Nội. Khoảng cách thấp về cao độ của các thanh điệu tức là cao độ thì không bổng quá mà cũng không trầm quá dẫn đến âm vực của lời nói dao động không lớn, ngữ điệu cứ “đều đều”, “nhỏ nhẹ”. Theo Phó Giáo sư Vương Hữu Lễ trong bài “Các đặc điểm ngữ âm của tiếng Huế” (Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 1, năm 1992) đặc trưng “nhỏ nhẹ” của tiếng Huế bên cạnh yếu tố thanh điệu còn do sự chi phối của các nguyên âm, phụ âm. Về nguyên âm, đó là sự chuyển hóa nguyên âm có xu hướng thu hẹp độ mở, làm giảm đi âm lượng khiến cho độ vang sút kém. Về phụ âm, sự chuyển hóa phụ âm đầu “tắc” qua “xát” làm cho cường độ của âm tiết bị yếu đi, các phụ âm cuối “lợi” được thay bằng các âm “mạc” làm cho giọng nói không bị dằn mạnh.

Đặc trưng về ngữ âm làm hạn chế khả năng diễn đạt của tiếng Huế bởi giọng nói “nhỏ nhẹ” trong đời thường đi vào lòng người nhưng không phù hợp với cách thể hiện trên các phương tiện truyền thông như phát thanh, truyền hình và các loại hình cần có sự diễn xuất uyển chuyển như kịch nói, điện ảnh. Đặc trưng về ngữ âm còn ít nhiều tác động đến năng lực ứng xử tình huống của người Huế bởi năng lực ứng xử cần thể hiện bằng lời nói tức là chuỗi phát ngôn có ngữ điệu uyển chuyển. Tuy nhiên, giọng nói “nhỏ nhẹ” lại phù hợp với loại hình diễn xướng ngâm thơ bởi ngâm thơ Việt Nam thiên về sắc thái trầm buồn. Vì vậy đã hình thành một lối ngâm thơ theo giọng Huế rất riêng làm xúc động người nghe. Và giọng nói “nhỏ nhẹ”, “đều đều” đó cũng phù hợp với kinh Phật trầm buồn trong tiếng mõ nhà chùa và sự tĩnh tâm thiền định của con người.

Có những hiện tượng ngôn ngữ giống nhau qua các vùng đất nước nhưng biệt ngữ cung đình Huế dưới thời các vua Nguyễn là một hiện tượng đặc biệt gắn với lịch sử đất nước đồng thời tác động đến phương ngữ Huế. Nhà nghiên cứu phương ngữ học Hoàng Thị Châu cho rằng “Riêng tiếng Huế lại mang nhiều sắc thái mới của phương ngữ Nam (Phương ngữ Nam Trung Bộ và Nam Bộ). Điều này phản ảnh một chi tiết lịch sử thú vị. Trong thời phong kiến nhà Nguyễn, các bà vợ vua từ Minh Mạng trở về sau, phần lớn là con gái các đại thần quê ở Nam Bộ, những người đã từng giúp Gia Long gây dựng cơ đồ. Do đó các bà trong nội cung ở Huế bấy giờ đều nói tiếng Nam Bộ. Các cung phi, thị nữ được tuyển vào cung cũng phải học tiếng miền Nam. Phương ngữ miền Nam trở thành biệt ngữ cung đình nhà Nguyễn. Do có địa vị tôn quí như thế nên biệt ngữ này ảnh hưởng  đến tiếng nói của quần chúng cả vùng Thừa Thiên Huế, làm cho phương ngữ vùng này có thêm một số nét của phương ngữ Nam mà các phương ngữ Trung khác không có” (Hoàng Thị Châu, Tiếng Việt trên các miền đất nước, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1989, tr 224). Về điều này, tác giả Phan Văn Dật cũng viết rằng “Minh Mạng sinh trưởng ở miền Nam, cho rằng giọng Nam nhẹ nhàng dễ nghe cho nên vua bắt ai nấy phải nói giọng lơ lớ nửa Nam, nửa Huế” (Phan Văn Dật, “Thân phận và nếp sống các bà trong nội cung nhà Nguyễn”, Tạp chí Sông Hương, số 16, 1985, tr 100). Theo Phó Giáo sư Vương Hữu Lễ thì quan điểm và cách nói năng đó đã ảnh hưởng đến tiếng Huế, đưa một số yếu tố của phương ngữ Nam vào trong tiếng Huế, như thanh hỏi trong tiếng Huế mà các vùng khác thuộc phương ngữ Trung không có.

Ở kinh đô Huế là vậy nhưng ở các vùng đất phía Nam lại khác, tiếng Huế rất được trọng vọng vì các quan trực tiếp cai trị như bố chính, án sát, tri phủ, tri huyện, đốc học…hầu hết là người Huế, nói “tiếng nước Huế”. Điều đó cùng với quá trình người Huế vào phía Nam đèo Hải Vân lập nghiệp rất đông nên cũng tác động tích cực đến nhiều địa phương. Ở trung tâm Đà Nẵng, người Huế sống khá tập trung ở khu vực Cầu Vồng cũ. Cũng theo Phó giáo sư Vương Hữu Lễ, tiếng Huế đã tác động để hình thành tiếng Đà Nẵng “một thổ ngữ mặc dù về cơ bản vẫn là giọng Quảng nhưng đã khác xa với các thổ ngữ khác của Quảng Nam. Hiện tượng tiến hóa đó là tích cực bởi vì so với các thổ ngữ khác của Quảng Nam, tiếng Đà Nẵng đã tiến một bước dài hướng về tiếng Việt tiêu chuẩn.” (Tài liệu đã dẫn, tr14)

Sau năm 1975, phương ngữ Huế chịu nhiều sự tác động lớn từ sự thống nhất Bắc Nam và hợp nhất ba tỉnh khu vực Bình Trị Thiên. Nhiều người đi tập kết ở miền Bắc trở về mang theo phương ngữ Bắc vào qua thế hệ con cháu. Thành phố Huế được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Trị Thiên, cán bộ phần lớn sinh trưởng ở Quảng Bình, Quảng Trị, nên các tiểu phương ngữ này cũng hiện diện trong đời sống ngôn ngữ Huế, nhiều lúc có vai trò quan trọng. Có một thời gian, tiếng phát thanh viên của các đài phát thanh, đài truyền hình Bình Trị Thiên “phát thanh từ thành phố Huế” là giọng của các phương ngữ phía Bắc Thừa Thiên Huế hoặc là phương ngữ Trung lai tạp. Từ hai nguồn đó, phương ngữ Huế có sự tác động tích cực và tiêu cực. Nhờ sự tác động của phương ngữ Bắc, tiếng Huế hướng về tiếng Việt tiêu chuẩn hơn. Sự hiện diện của các phương ngữ phía Bắc Thừa Thiên Huế làm cho tiếng Huế bị “nhìn nhầm”, đặc biệt là các diễn viên ca kịch, kịch nói, ca Huế phần lớn được trưởng thành từ gia đình nói tiếng phương ngữ Trung khác, không phải là phương ngữ Huế.Vì vậy trước đây, người ta sử dụng đội ngũ diễn viên này để lồng tiếng Huế cho lời thoại của nhân vật trong phim ở Huế đều không đảm bảo tính chân thực của tiếng Huế. Trong khi đó các phim do hãng phim ở thành phố Hồ Chí Minh sản xuất như các phim Bụi hồng, Ngọn nến hoàng cung hay nhân vật cô giáo Huế trong Áo lụa Hà Đông đều lồng tiếng Huế khá tốt. Điều thú vị là sau khi chia tỉnh năm 1989, một thế hệ thanh thiếu niên sinh trưởng ở Huế theo gia đình trở về học tập rồi làm việc ở Đông Hà, Đồng Hới lại có sự tác động tích cực vào các phương ngữ này. Cùng với quá trình qua lại, buôn bán, thăm viếng, học tập, tiếng Huế đã góp phần tác động để hình thành tiếng Đông Hà, Đồng Hới ngày nay với những yếu tố cùng hướng đến tiếng Việt tiêu chuẩn, giảm bớt những yếu tố cổ trong phương ngữ Bắc Trung Bộ.

Cùng với sự “nhỏ nhẹ” trong lời ăn tiếng nói của người Huế, nhất là cô gái Huế tạo một nét văn hóa riêng của vùng đất này, tiếng Huế cũng không ngừng hướng đến tiếng Việt hiện đại và tác động tích cực lên các phương ngữ chung quanh trong quá trình phát triển của ngôn ngữ. 

Nguyên Du - Thuỳ Dung
(Theo lophocvuive.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 236
  • Hôm nay: 58542
  • Tháng hiện tại: 2426967
  • Tổng lượt truy cập: 48801094