Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: “Hãy để Tổ quốc hiện hữu trong từng trang truyện”

Đăng lúc: Chủ nhật - 09/12/2012 13:27
 Bộ truyện tranh Doraemon là bài học lớn về quảng bá văn hóa. “Các không gian chứa đựng hoạt động của nhân vật đều có bóng dáng của quốc gia đã sinh ra nó, tổ quốc của nó, thực sự thấm đẫm tư duy, văn hóa Nhật”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn tiếp xúc nhiều với lớp họa sĩ trẻ và đọc nhiều sáng tác của họ, ông là giám khảo cuộc vận động sáng tác truyện tranh cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng qua nhiều năm. Họa sĩ có cuộc trò chuyện với TT&VH nhân 20 năm bộ truyện tranh có tầm ảnh hưởng sâu rộng Doraemon xuất hiện ở Việt Nam (1992-2012). Từ Doraemon nhìn sang truyện tranh Việt Nam, mở rộng ra là văn hóa Việt Nam hiện tại, tưởng xa nhưng lại gần.

 

Thay đổi thị hiếu trẻ em Việt Nam

* Thay đổi lớn nhất mà Doraemon tạo ra khi xuất hiện ở Việt Nam là gì, thưa ông?

- Đó là một đột phá. Xuất hiện năm 1992, Doraemon đã gây nên một cơn sốt sách ở TP. HCM. Rất nhiều trẻ em và cả người lớn tuổi hơn rất chờ đợi ngày phát hành, chầu chực ở NXB để mua truyện. Lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản Việt Nam có chuyện như vậy. Trước đó, sách truyện trẻ em chỉ tạo nên những sự hồ hởi cá nhân, chưa bao giờ người ta tụ tập đông để mua sách như vậy cả.

* Có vẻ như một bộ truyện đã vô tình ghi nhận được sự thay đổi của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam?

- Đúng vậy. Doraemon có thể coi là bộ sách kinh điển. Nhân vật chú mèo máy vẫn tiếp tục được khai thác. Văn hóa đọc đã có nhiều thay đổi nhưng những gì trẻ em yêu quý vẫn tồn tại.

* Nhiều người nói Doraemon là truyện trẻ con, nhưng hình như không đơn giản như vậy. Theo ông, giá trị của bộ truyện thể hiện ở chỗ nào, xét riêng ở Việt Nam?

- Đây là tập sách giàu giá trị nhân văn và tính giáo dục. Đặc biệt, bắt đầu từ Doraemon thì thị hiếu của trẻ em Việt Nam đã được điều chỉnh, chuẩn hơn, tốt hơn về thẩm mỹ.

* Trước đó thì sao, thưa ông?

 

Kỉ niệm 20 năm Doraemon đến Việt Nam, vào hôm nay (9/12), NXB Kim Đồng tổ chức ngày hội Doraemon và những người bạn tại Thảo Cầm Viên, TP.HCM.

- Đây là bộ truyện đầu tiên sử dụng hình ảnh, lời thoại và hành động, tạo nên sự thích thú lớn đối với trẻ con. Từ những năm 80 trở về trước, sách truyện trẻ con ở ta chủ yếu là những bộ tranh truyện lịch sử, có hình ảnh và chú thích, không có cấu trúc từng trang một và tính logic của hình ảnh. Điều đó thay đổi thói quen thị giác của trẻ con. Cách đọc cũ làm mất đi sự đa dạng của tiếp nhận thị giác, làm trẻ kém năng động. Bởi hành động bắt đầu từ đôi mắt và tiếp theo là liên tưởng mà.

 

Qua hai cuộc vận động sáng tác truyện tranh vừa rồi, chúng ta chưa thành công chính vì chưa nắm bắt được tâm lý lứa tuổi. Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi thì cách đọc duy nhất là từ hình ảnh, tạo nên liên tưởng. Nếu yêu quý trẻ em, hãy thay đổi tư duy.

Tổ quốc ở đâu trong truyện tranh Việt Nam?

* Doraemon được bổ nhiệm làm đại sứ văn hóa hoạt hình đầu tiên của Nhật Bản vào năm 2008. Một bài học quý về quảng bá văn hóa, phải không, thưa ông?

 

- Phải nói người Nhật rất chú trọng quảng bá văn hóa qua những cuốn truyện tranh tưởng chừng như đơn giản. Đằng sau những cuốn truyện thực sự thấm đẫm tư duy, văn hóa của người Nhật. Các không gian chứa đựng hoạt động của nhân vật trong truyện đều có bóng dáng của quốc gia đã sinh ra nó, tổ quốc của nó.

 

Ít thấy điều đó ở truyện tranh Việt Nam, gần như không còn nét gì của làng quê, đô thị Việt. Tôi trông chờ ở lòng can đảm của thế hệ sáng tác truyện tranh 8X, 9X ở Việt Nam trong việc khai phá tranh truyện, dù chưa được đào tạo bài bản nhưng có khả năng tiếp nhận công nghệ cao. Điểm yếu của các em là chưa thuần Việt. Tạo hình, ngôn ngữ hoàn toàn là sự ám ảnh từ tranh truyện châu Âu và châu Á. Trong truyện của các em, đĩa màu rất đẹp, nhưng thứ chúng ta cần hơn là một đĩa màu Việt, thể hiện tâm hồn, mỹ cảm Việt.

Theo tôi, điều quan trọng hàng đầu mà truyện tranh Việt phải làm là từ cái cụ thể ngoài đời, cách điệu và tinh giản để tạo nên hình ảnh cô đọng và đẹp. Hãy sáng tác sao cho Tổ quốc được hiện hữu trong từng trang truyện.

* Ông nghĩ sao khi thời gian qua có truyện tranh Tấm Cám “chế” gây xôn xao dư luận, bị lên án là “bóp méo truyện cổ”?

- Những gì thuộc về quá khứ, di sản đều có thể bị thế hệ sau xét lại. Đó là quyền của thế hệ sau. Truyện Tấm Cám chế và những tác phẩm như thế nằm trong tất yếu của sự thay đổi. Quá trình thay đổi chắc chắn có những hạt sạn. Những hạt sạn xuất hiện thì công chúng mới biết để từ chối hoặc chấp nhận.

Có chuyện thế này, năm ngoái, khi chọn lọc bộ truyện tranh cổ tích Việt - Hàn cho trẻ con hai nước, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đã phỏng vấn các bà mẹ trẻ người Việt ở Hàn để chọn ra những truyện tiêu biểu mà chính họ được nghe từ bé và muốn kể lại cho con mình. Người ta đã không chọn truyện Tấm Cám vì cái kết của nó, trong khi chọn An Dương Vương, Trương Chi…

Tôi nghĩ, câu trả lời từ thế hệ người đọc mới như các bạn quan trọng hơn câu trả lời từ thế hệ chúng tôi.

Mi Ly (thực hiện)
(Theo Thể thao & Văn hóa)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 256
  • Khách viếng thăm: 253
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 3337
  • Tháng hiện tại: 2284994
  • Tổng lượt truy cập: 48659121