Vì đâu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có nguy cơ bị "xóa sổ"

Đăng lúc: Thứ tư - 24/02/2016 14:36
Là cây ăn trái đặc sản có vùng trồng tập trung lớn bậc nhất cả nước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng xa gần. Trải qua không ít thăng trầm và giờ đây vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản này đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.
Vú sữa Lò Rèn nổi tiếng ngon nhưng gặp khó trong việc tiêu thụ.
Vú sữa Lò Rèn nổi tiếng ngon nhưng gặp khó trong việc tiêu thụ.

1. KHỞI ĐẦU…

Theo các vị cao niên, ngay từ thời Pháp thuộc, vú sữa Lò Rèn ở vùng Vĩnh Kim đã được nhiều nơi biết đến. Theo lời kể của ông Trương Hồng Sơn (84 tuổi, ở Vĩnh Kim), người có nhiều năm tìm hiểu về cây trồng này, ngay từ lúc nhỏ ông đã thấy người ta trồng vú sữa Lò Rèn.

Lúc đầu, chỉ vài người trồng và trồng để ăn, biếu tặng. Sau đó thấy nhu cầu tiêu thụ vú sữa Lò Rèn ngày càng tăng cao nên người dân bắt đầu trồng nhiều hơn và chủ yếu trồng ven các kinh, rạch.

Cũng theo ông Sơn, ngay từ đầu bén rễ, cây vú sữa Lò Rèn đã cho thấy rất thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Vĩnh Kim. Cây trồng phát triển rất tốt, cho trái bóng, vỏ mỏng, thịt ngọt thanh. Từ đó, diện tích trồng vú sữa Lò Rèn tăng nhanh và dần xuất hiện ngày càng nhiều vườn chuyên canh. Người trồng vú sữa Lò Rèn khi ấy ai nấy cũng khá, giàu hay ít nhất cuộc sống cũng ổn định.

Còn theo một số nhà vườn trồng vú sữa Lò Rèn cố cựu, ngay từ trước giải phóng, mỗi khi đến mùa vú sữa, vùng Chợ Giữa Vĩnh Kim nhộn nhịp suốt ngày đêm. Trong vườn, nông dân hái vú sữa mang ra chợ, còn thương lái “đánh xe” về Vĩnh Kim mua vú sữa vận chuyển lên Sài Gòn bán. Thời đó, dân Sài Gòn “mê” vú sữa Lò Rèn “như điếu đổ”, chủ yếu dùng để ăn, làm quà biếu hay chưng tết, thể hiện sự sang trọng. Chính vì thế, vú sữa Lò Rèn đã được đưa vào thơ ca, văn phú.

2. KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ…

Sau giải phóng, cây vú sữa đã trải qua những thăng trầm do phong trào “hợp tác hóa”, ảnh hưởng của tình trạng thiếu lương thực. Mãi đến thập niên 1990, cây trồng này mới phát triển trở lại do Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế vườn. Khi đó, người dân bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi cây lúa, lên vườn trồng vú sữa.

Và không chỉ tập trung ở vùng Vĩnh Kim, cây đặc sản này đã phát triển mạnh sang các vùng lân cận với diện tích lên đến vài ngàn ha. Với lợi thế phát triển và diện tích vùng trồng tập trung lớn, vú sữa Lò Rèn được tỉnh xác định là 1 trong 7 loại cây ăn trái chủ lực có lợi thế cạnh tranh.

Từ đó, các ngành, các cấp xúc tiến các giải pháp hỗ trợ, phát triển cây trồng này ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1A của huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy. Cụ thể, năm 2005 vú sữa Lò Rèn được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Nhằm tổ chức lại sản xuất, đưa trái vú sữa Lò Rèn xâm nhập vào thị trường cấp cao, năm 2006 Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được thành lập. Tiếp đó, năm 2007 Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển toàn diện cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim với mục tiêu nhằm phát triển vùng chuyên canh vú sữa của tỉnh, nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng theo tiêu chuẩn an toàn, tăng sức cạnh tranh trái cây đặc sản này trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xây dựng thành công mô hình sản xuất vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, sau đó mở rộng mô hình đạt tiêu chuẩn trên lên đến 52 ha. Nhà đóng gói vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cũng được tổ chức của Hoa Kỳ chứng nhận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường này.

Trước đó, năm 2008 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim huyện Châu Thành và Cai Lậy đến năm 2015”. Qua các nỗ lực trên, thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, hợp đồng mua vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang Nga, Đức, Hà Lan…

Về phía huyện Châu Thành, năm 2011 Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 10 về việc phát triển cây vú sữa trên địa bàn huyện đến năm 2015. Thực hiện chủ trương trên, huyện và xã đã hỗ trợ, khuyến khích người dân cải tạo, trồng mới cũng như phòng trừ bệnh vú sữa; xúc tiến mô hình thí điểm 40 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ở xã Phú Phong (trồng mới, thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý bệnh khô cành, thối rễ).

3. …VÀ KHẢ NĂNG MAI MỘT

Bất chấp nỗ lực của các cấp, các ngành để phát triển vùng chuyên canh vú sữa nói chung và vú sữa Lò Rèn nói riêng, những năm gần đây, diện tích cây trồng này ngày càng bị thu hẹp dần. Nguyên nhân là do cây bị suy kiệt và chết rất nhanh; cây kém phát triển, thậm chí không phát triển trên nền đất cũ; cây dễ bị nhiễm bệnh, dễ gãy đổ khi có thiên tai; giá vú sữa bấp bênh.

Lý giải thêm về điều này, ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết:

“Trước đây, nhà vườn trồng vú sữa ít bón phân và không xử lý như bây giờ nên cây vú sữa sống rất lâu, cho năng suất kéo dài, hiệu quả kinh tế khá tốt. Cộng với lúc đó, các loại cây ăn trái khác chưa phát triển mạnh nên cây vú sữa được cho là lựa chọn tốt nhất đối với những nông dân muốn tìm cây trồng để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Những năm trở lại đây, người dân khai thác quá mức khả năng cho trái của cây, bón chủ yếu phân vô cơ… làm cho cây suy kiệt nhanh, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan nhanh đã gây thiệt hại đáng kể cho nông hộ. Dù các ngành chức năng đã triển khai các biện pháp phòng, chống, song do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả đạt được rất hạn chế. Cùng với đó, những năm qua, các loại cây ăn trái khác phát triển rất mạnh, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên nhà vườn có nhiều sự lựa chọn hơn”.

Dù có nhiều năm gắn bó với cây vú sữa nhưng trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hòa, xã Kim Sơn cũng đành phá bỏ dần những cây có biểu hiện bị bệnh, cây kém hiệu quả. “Những năm gần đây, tuổi thọ của cây vú sữa, nhất là vú sữa Lò Rèn ngày càng giảm, cây suy kiệt nhanh. Trồng vú sữa giờ “ăn” chỉ được vài năm là suy kiệt nên hiệu quả lâu dài không bằng so với trồng sầu riêng, sa pô…” - ông Nguyễn Văn Hòa bày tỏ.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, năm 2013 diện tích vú sữa trong toàn huyện trên 3.429 ha (tập trung ở 12 xã phía Nam Quốc lộ 1A) thì đến năm 2014 giảm xuống còn khoảng 2.474 ha (diện tích vú sữa Lò Rèn trên 2.000 ha). Số diện tích vú sữa giảm chủ yếu là do cây bị chết hoặc nông dân chuyển sang cây trồng khác. Qua nỗ lực của các ngành, các cấp trong khuyến khích người dân cải tạo, trồng mới, đến nay diện tích vú sữa trên toàn huyện có gần 2.600 ha (tăng 115 ha).

“Những năm qua, các ngành, các cấp có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp củng cố phát triển vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn thông qua các dự án, chương trình, đề án, mô hình. Các mô hình khi triển khai đạt kết quả rất tốt. Tuy nhiên, sau khi kết thúc, các mô hình không thể duy trì và nhân rộng được do đầu ra khó khăn. Trong khi cây vú sữa có xu hướng suy kiệt ngày càng nhanh hơn, cây trồng lại cũng không phát triển do mầm bệnh lưu tồn trong đất, trong khi việc phòng trị khó khăn, đòi hỏi phải làm đồng loạt trong thời gian dài nên nhiều nhà vườn ngán ngại trồng lại” - ông Huỳnh Hữu Hòa cho biết.

Từ thực trạng trên, vùng trồng tập trung cây vú sữa nói chung và vú sữa Lò Rèn nói riêng ở huyện Châu Thành (chiếm phần lớn diện tích vú sữa trong tỉnh) đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

Tân Phú
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 440
  • Khách viếng thăm: 406
  • Máy chủ tìm kiếm: 34
  • Hôm nay: 96191
  • Tháng hiện tại: 1845091
  • Tổng lượt truy cập: 48219218