Tiền Giang với chủ trương tái cơ cấu kinh tế,đổi mới mô hình tăng trưởng

Đăng lúc: Thứ hai - 19/10/2015 10:05
Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế - đổi mới mô hình tăng trưởng là một trong những nhóm nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đây là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi từ cả nước cho đến từng địa phương, cơ sở.
Công nhân Công ty cổ phần Gò Đàng trong giờ lao động. Ảnh: Hạnh Nga
Công nhân Công ty cổ phần Gò Đàng trong giờ lao động. Ảnh: Hạnh Nga

Tái cơ cấu nền kinh tế vĩ mô

Trước hết, cần nhận thức rõ, tái cơ cấu kinh tế là quá trình phân bố lại nguồn lực nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Để làm được điều đó, vấn đề chính sách, vấn đề môi trường đầu tư, vấn đề cơ chế thị trường phải được cải thiện và nâng cao, vận hành tốt và phát huy đầy đủ hiệu lực trong huy động và phân bố nguồn lực.

Khởi đầu của tái cơ cấu kinh tế phải là đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích, thúc đẩy nguồn lực phân bố đến những nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn; đồng thời các doanh nghiệp, các nhà quản lý phải đổi mới cách thức sử dụng nguồn lực, đổi mới cách thức quản lý để nâng cao hiệu quả, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế là nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ là chuyển mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững.

Ở tầm Quốc gia, nhiều thập niên trước đây, mô hình tăng trưởng kinh tế được xác định phù hợp đặc điểm, tình hình của từng giai đoạn phát triển: Đại hội Đảng khóa III xác định“… xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy nông nghiệp làm nền tảng… nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại”.

Những năm sau đó, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII tiếp tục cụ thể hóa thêm một bước mô hình tăng trưởng: “Thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Từ nay đến cuối thập kỷ, phải rất quan tâm đến công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu…”.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn bấy giờ đã được triển khai theo tinh thần phát triển nhanh, chú trọng tăng trưởng theo chỉ tiêu GDP và đến Nghị quyết Đại hội X, Đảng ta đã khẳng định nhiệm vụ sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Đó là một trong những thành tựu nổi bật của quá trình thực hiện mô hình tăng trưởng phù hợp tình hình của từng giai đoạn và tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) có nội dung quan trọng đã được quyết định là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013 - 2020 bằng Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19-2-2013, và cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khá nhiều đề án tái cơ cấu trong lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước, một số tập đoàn như điện lực, dệt may, thuốc lá..., một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, hóa chất, ngân hàng, giao thông vận tải, viễn thông...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện xây dựng mô hình tăng trưởng của những thập niên qua, bên cạnh những thành tựu nổi bật cũng đã xuất hiện những bất cập. Cụ thể: Đại hội IX đã xác định “Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp...”, đến Đại hội X lại tiếp tục xác định “Chất lượng phát triển kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn kém…

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào các nhân tố phát triển theo chiều rộng, vào những ngành và những sản phẩm truyền thống, công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động…” và Đại hội XI lại tiếp tục xác định cụ thể thêm: “Kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước…

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng đầu tư, khai thác tài nguyên…”. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, sắp tới Việt Nam sẽ tham gia những tuyến hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn như tham gia TPP, ASEAN+6, AEC… với các nền kinh tế hàng đầu thế giới, mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn, sẽ đặt ra cho chúng ta rất nhiều thách thức.

Công ty TNHH MTV bê tông TICCO hoạt động có hiệu quả. Ảnh: Huỳnh Hùng
Công ty TNHH MTV bê tông TICCO hoạt động có hiệu quả. Ảnh: Huỳnh Hùng

Tiền Giang chủ động vừa nghiên cứu, vừa triển khai

Thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, nhất là thời điểm từ năm 2013 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cụ thể đã hoàn thành công tác điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang và quy hoạch các huyện, thành phố, thị xã đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở đó, các cấp, các ngành điều chỉnh, cập nhật, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch ngành nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển để thực hiện các nội dung, định hướng tái cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực, từng bước cụ thể hóa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm; đồng thời đã xây dựng và triển khai thực hiện tái cơ cấu 5 ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đó là:

(1) Xây dựng đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với điều chỉnh Quy hoạch nông - lâm - thủy sản, xây dựng đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, hình thành mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (đã có gần 15.000 ha lúa theo mô hình này), từng bước hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng;

(2) Xây dựng đề án Tái cơ cấu ngành Công nghiệp gắn với điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đầu tư khai thác hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt..., đến nay toàn tỉnh có 4 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp thu hút 161 dự án đầu tư (trong đó có 49 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn 1,35 tỷ USD và 6.940 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 60 ngàn lao động;

(3) Triển khai thực hiện tái cơ cấu các ngành Thương mại - Dịch vụ gắn với điều chỉnh Quy hoạch phát triển thương mại và triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 27-9-2011 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại và dịch vụ, trong đó ngay từ giữa nhiệm kỳ (năm 2013), xuất khẩu của tỉnh đã vào “Câu lạc bộ 1 tỷ USD” và chạm đích chỉ tiêu đề ra của cả nhiệm kỳ, dự kiến đến cuối năm 2015 đạt con số 1,8 tỷ USD;

(4) Tái cơ cấu trong đầu tư công, đa dạng và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển, qua đó tình trạng đầu tư dàn trải bước đầu được hạn chế, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm triển khai thực hiện các khoản chi cho đầu tư phát triển một cách có hiệu quả; huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, kết quả thu hút đầu tư toàn xã hội trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước

(5) Tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp gắn với rà soát việc quản lý, cho thuê đất công, quản lý tài sản công, tránh tình trạng thất thoát, sử dụng không hiệu quả...

Bên cạnh đó, cũng trong giải pháp tổng thể thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển 3 vùng kinh tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm phát huy lợi thế của 3 vùng:

Các huyện phía Đông phát triển mạnh kinh tế biển gắn với việc hình thành Khu kinh tế Gò Công trong tương lai; các huyện phía Tây tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, gắn với phát triển khu vực công nghiệp Đông Nam Tân Phước; vùng trung tâm của tỉnh tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân tăng trưởng, phát triển mạnh thương mại - dịch vụ hỗ trợ và thúc đẩy cả 3 vùng cùng phát triển...

Có thể nói, với những giải pháp “tổng lực” trên, cộng với lợi thế là địa bàn giao thoa giữa 2 vùng kinh tế lớn của cả nước là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong triển khai các mô hình tăng trưởng được vận dụng sáng tạo từ Nghị quyết các Đại hội Đảng toàn quốc và của tỉnh trong những thập niên qua, Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước với nhịp độ tăng khá nhanh:

Bình quân tăng 8,1% giai đoạn 1996 - 2000; giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân 9%/năm; giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 11,01% và dự kiến giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 11%/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên cũng còn những mặt hạn chế, yếu kém đã được xác định trong dự thảo văn kiện trình ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X, đó là kinh tế phát triển nhưng chưa ổn định, thiếu bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả - sức cạnh tranh thấp; một số lĩnh vực phát triển còn tự phát, chưa theo quy hoạch; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; môi trường đầu tư chậm được cải thiện; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…, trong đó dự thảo văn kiện cũng đánh giá việc triển khai 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm.

Chính vì vậy, thời gian tới việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cần tiếp tục xem là một trong những mục tiêu quan trọng với những giải pháp quyết liệt hơn để đưa nền kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển bền vững...H

Phùng Quốc Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 414
  • Khách viếng thăm: 407
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 71584
  • Tháng hiện tại: 1820484
  • Tổng lượt truy cập: 48194611