Ông Trần Văn Tấn: Thấm nhuần hai chữ "Vì dân"

Đăng lúc: Thứ tư - 20/05/2015 13:50
Ông là Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang nên cứ nghĩ gặp được ông rất khó và ông rất khó tính, nào ngờ ông rất dung dị, hòa đồng, vui vẻ, cởi mở. Giọng ông chân tình: “Mình là đại biểu của dân mà khó gặp thì còn gì là đại biểu của dân. Tuy nhiên, do công việc quá bộn bề nên cũng cần phải báo trước để còn sắp xếp lịch.

Thú thiệt, nhiều lúc mình rất mong muốn gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện với nhiều người, nhiều giới để lắng nghe, thậm chí để thư giãn chút đỉnh nhưng công việc cứ bù đầu, muốn tiếp ai, làm việc gì cũng đều phải sắp xếp lịch cả…”.

Ông Trần Văn Tấn phát biểu tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Tư liệu
Ông Trần Văn Tấn phát biểu tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Tư liệu

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng ở xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè (cha là liệt sĩ, hy sinh năm 1967). Năm 1982 tốt nghiệp Khoa Văn - Ngoại ngữ của Trường Đại học Cần Thơ, ông được phân công về dạy tại Trường THPT An Hữu và được đề bạt làm Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Cái Bè.

Sau đó, trải qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu, được đào tạo chính quy qua các trường: Quản lý nghiệp vụ Bộ Giáo dục, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông đã được giao giữ nhiều chức vụ chủ chốt của Đảng và Nhà nước như: Chuyên viên chính Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang. Từ năm 2002 đến nay, ông là đại biểu chuyên trách, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang liên tiếp 3 khóa, từ Khóa XI đến Khóa XIII.

Có gặp mới biết, ông là người của công việc, mà việc nào cũng mang tính bức xúc cả. Giọng ông gần như tâm sự: “Chuẩn bị cho một kỳ họp Quốc hội là cả một quá trình nghiên cứu tài liệu, tổng hợp ý kiến để chất vấn, phản biện, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Sau đó lại chuẩn bị các kỳ họp tiếp xúc cử tri để báo cáo cho cử tri biết về các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cư tri và nhất là những bức xúc, oan trái của cử tri đang phải chịu đựng. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch, tổ chức các đoàn giám sát để có cơ sở kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm...”.

Ông không nói về những việc mình đã làm được, nhưng qua nhiều nguồn thông tin thì ông là người để lại khá nhiều dấu ấn qua các kỳ họp Quốc hội. Trên trang Vietnamnet từng có bài “Dấu ấn đại biểu Trần Văn Tấn”, “Các chất vấn của đại biểu Trần Văn Tấn tại Kỳ họp thứ 7”…

Không chỉ vậy, ông còn là người được ví như là “Bao Công” ở thế kỷ XXI. Hỏi ông, ông chỉ cười: “Bao Công cái nỗi gì, mình là đại biểu của dân, bức xúc của dân mình không lao vào giải quyết thì sao gọi là “Vì dân” được”.

Ông dùng cụm từ “mình không lao vào giải quyết” cứ nhẹ tênh, nhưng thực tế không phải vậy. Điển hình là giám sát vụ tranh chấp quyền thừa kế giữa hai bác cháu ruột Ngô Tấn Lâm và Ngô Thị Cẩm Vân ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy. Trải qua 10 phiên tòa, trong đó có 6 bản án bị hủy nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Quá trình giám sát vụ việc mới thấy, khi người chết đã mồ yên mả đẹp gần 10 năm mới xảy ra tranh chấp. Nguyên đơn Ngô Thị Cẩm Vân tại thời điểm mở thừa kế mới được 15 tuổi 2 tháng 24 ngày và không đóng góp công sức gì (không nuôi dưỡng ông bà nội, không bỏ công sức giữ gìn, tôn tạo khối di sản), vậy mà vẫn được tòa thụ lý đưa ra xét xử, được chia đều 1/2 khối tài sản với bị đơn Ngô Tấn Lâm.

Chưa hết, Ngô Thị Cẩm Vân còn lôi kéo một số đương sự là hàng thừa kế thế vị (đã hết thời hiệu khởi kiện) làm đơn thưa kiện gây nên cảnh “nồi da xáo thịt” giữa công đường.

Hoặc giám sát vụ tranh chấp thừa kế ở xã Ngũ Hiệp giữa bà Nguyễn Thị Phước với những người cháu của người đã khuất. Bà Phước gọi ông Mai Văn Mạnh và bà Nguyễn Thị Lê là cô, dượng và chính là người đã chăm sóc, phụng dưỡng ông Mạnh cho đến khi qua đời. Còn những người cháu không hề chăm sóc, nuôi dưỡng ông Mạnh cho dù chỉ 1 ngày.

Thế nhưng, khi ông Mạnh vừa mất, những người cháu thuộc hàng thừa kế thứ hai này lại làm đơn tranh chấp đòi chia thừa kế. Vụ tranh chấp kéo dài qua 4 phiên tòa và tại Bản án dân sự phúc thẩm số 117/DSPT, ngày 29-3-2011, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Tiền Giang đã buộc mẹ con bà Phước phải tháo dỡ, di dời nhà cửa và toàn bộ tài sản để giao 2.328 m2 đất cho 4 người cháu của ông Mạnh.

Đây là 2 trong số hàng chục vụ việc có dấu hiệu oan sai (Khóa XII có 21 trường hợp, Khóa XIII có 28 trường hợp khiếu nại), đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang giám sát, kiến nghị và đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao kháng nghị đưa ra xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.

Để có được những kiến nghị và kháng nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đã bỏ ra không ít thời gian và công sức để giám sát, tìm hiểu, thu thập chứng cứ chứng minh những nỗi bức xúc của người dân.

Ông Tấn thừa nhận: “Tiền Giang là tỉnh có nhiều vụ khiếu nại kéo dài, thậm chí khiếu kiện đông người, vượt cấp. Là đại biểu của dân, tôi thường đặt mình vào từng trường hợp, mới thấy rằng nếu không có sự oan sai (không nhiều thì ít) thì dân không bỏ thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc để đeo bám khiếu nại, thưa kiện hết năm này qua năm khác.

Vì vậy, tôi đã cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang không quản ngại khó khăn, kiên trì giám sát, yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh sự việc một cách khách quan, đúng luật. Và khi đã có kết quả chứng minh có dấu hiệu oan sai là chúng tôi đeo bám đến cùng, cho đến khi có kết quả.

Không chỉ quan tâm giám sát những vụ khiếu nại kéo dài, ông Tấn cho biết: Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang còn tổ chức giám sát những vấn đề cử tri kiến nghị cụ thể như: Giám sát việc đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng hệ thống cống thoát nước trên Quốc lộ 1A, qua giám sát đã kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống thoát nước.

Hoặc giám sát việc trồng trụ treo cáp mạng viễn thông của Chi nhánh Viettel Tiền Giang tại xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, qua giám sát đã kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục những hạn chế trong tổ chức thi công như: Chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, không báo cáo chính quyền địa phương, không họp dân để giải thích mục đích, yêu cầu việc xây dựng công trình và vi phạm lộ giới... đã được chủ đầu tư khắc phục.

3 khóa liền làm Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang, những dấu ấn của ông để lại rất nhiều, nhưng tôi tâm đắc nhất là bản lĩnh và tấm lòng của ông như ông đã từng tâm sự: “Dân có cần và có dấu hiệu oan sai mới khiếu nại kéo dài. Để có một văn bản kiến nghị phải mất rất nhiều thời gian, công sức và “đụng chạm”.

Giải quyết nỗi bức xúc của dân là trách nhiệm của đại biểu của dân, không nhận đơn để xử lý là có lỗi với dân. Tôi đã tự hứa với lòng mình là không ngại khó khăn, vất vả, không ngại “đụng chạm”. Là đại biểu của dân thì phải thấm nhuần hai chữ “Vì dân” và lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân thì nên làm”.

Đậu Viết Hương
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 249
  • Khách viếng thăm: 245
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 52479
  • Tháng hiện tại: 2285029
  • Tổng lượt truy cập: 46252262