Ngày tết nghĩ về tấm gương giản dị và tiết kiệm của Bác Hồ

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/02/2010 13:35
Ngày tết nghĩ về tấm gương giản dị và tiết kiệm của Bác Hồ

Ngày tết nghĩ về tấm gương giản dị và tiết kiệm của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh- anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người luôn nêu cao tấm gương sáng về lối sống giản dị và tiết kiệm cho toàn Đảng, toàn dân. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Như đỉnh non cao tự giấu mình/Trong rừng xanh lá ghét hư vinh”. Bác “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”, và để lại muôn vàn tình thương yêu, để lại “Một đời thanh bạch chẳng vàng so/Mong manh áo vải hồn muôn trượng”.

Là lãnh tụ nhưng Người rất khiêm nhường, ăn mặc giản dị, nêu cao gương “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Hành trang của Bác để lại trước lúc “lên đường theo tổ tiên” chẳng có gì đáng kể. Vẫn là bộ quần áo ka-ki đã bạc màu, vẫn là đôi dép cao su đã mòn vẹt, chiếc ra-đi-ô cũ kỹ, và “Giường mây, chiếu cói đơn chăn gối/Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”  (Theo chân Bác).

Trong kháng chiến chống Pháp gian khổ, khi còn ở núi rừng Việt Bắc hay khi hòa bình về Thủ đô Hà Nội, lúc nào Người cũng thích ăn cơm đạm bạc với dưa cà, mắm ruốc, thịt kho mặn cho nhiều muối ớt. Khi ăn một mình hay khi tiếp khách Người luôn dặn nhà bếp làm vừa đủ để ăn hết, tránh lãng phí. Sinh thời, Người chỉ có hai bộ quần áo ka-ki màu vàng nhạt. Thấy quá cũ, các đồng chí Trung ương đã may cho Bác một bộ mới, Bác bảo: “Ai bảo các chú may quần áo mới cho Bác? Bác có hai bộ là đủ dùng rồi. Hiện nay đồng bào ta còn nhiều người thiếu quần áo, Bác có như vậy là tốt lắm rồi”. Bác có một cái áo bông mặc chống rét đã rách vỏ bọc ngoài, Bác bảo đồng chí phục vụ vá lại cho Bác. Đồng chí phục vụ không vá mà xin ý kiến Bác cho thay vỏ ngoài. Bác không đồng ý, nói: “Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân  đấy, sao chú lại dám bỏ cái phúc ấy đi. Bây giờ nhiều cụ già nông thôn có được cái áo bông như thế này là quý lắm đấy chú ạ”.

Đôi dép cao su của Bác đã mòn, cán bộ giúp việc đề nghị Bác cho mua một đôi dép mới chỉ có 2,5 đồng. Bác nói: “Vấn đề không phải là ở chỗ 2,5 đồng mà xem đôi dép đã hỏng chưa? Hiện nay đôi dép này còn dùng được, lúc nào cần thay Bác sẽ đồng ý”. Hiện nay đôi dép cao su, bộ quần áo ka-ki và chiếc áo bông của Bác là những vật quý trong bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Giấu mình đi, Người không làm phiền ai tất cả/ Dép một đôi, quần áo vài bộ/ Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài”.

Bác vẫn thường đi lại làm việc bằng chiếc xe hiệu Papeda do Liên Xô (cũ) gửi tặng. Đồng chí lái xe thấy xe cũ, chạy không êm, không nhanh, đề nghị  Bác cho mua xe mới. Bác hỏi:

- Xe đã hỏng chưa?.

Đồng chí lái xe thưa:

- Dạ, thưa Bác, xe chưa hỏng nhưng đổi xe mới chạy nhanh hơn, êm hơn.

Bác bảo:

- Nếu thế thì chưa nên đổi. Ai muốn chạy xe nhanh hơn, ngồi êm hơn thì đổi. Bác dùng chiếc xe này vì nó chưa hỏng.

Thế là chiếc xe ấy vẫn thủy chung với Người cho đến cuối cuộc đời.

Tết đến, Xuân về Bác luôn căn dặn đồng bào chiến sĩ: “Mừng Xuân mừng cả thế gian/Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.

Trong bài báo “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?”, Bác viết: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Những ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi, nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ, lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm Tết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”.

Cũng trong bài báo này, Bác nêu một hiện tượng liên hoan lãng phí ở ngay Nghệ An - quê Bác: “Vừa rồi vì được mùa to, hai mươi xã ở Yên Thành (Nghệ An) đã liên hoan hết 128 con lợn, 8 con bò, 3 con bê, đó là chưa kể số tiền chi vào muối, gạo, rượu, chè, cũng chưa kể những ngày công lao động của bà con mất toi. Lãng phí tiền của, công sức như vậy, lỗi tại ai? Lỗi tại cán bộ huyện, cán bộ xã, lỗi tại đảng viên, chi bộ”.

Trong một lần đọc báo Hải Phòng (ra ngày 4-3-1967) nói về hai đám cưới - một mới, một cũ- ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, với bút danh Chiến Sĩ, Bác viết ngay bài Đáng khen và đáng chê đăng trên báo Nhân dân ngày 16-3-1967 (nghĩa là sau bài báo của Hải Phòng 12 ngày). Bác khen đám cưới của anh Lâm và chị Hoan tổ chức theo đời sống mới chỉ có ăn kẹo bánh, uống trà và văn nghệ rất vui. Bác chê đám cưới của thầy giáo Vĩnh và cô Nhị tốn mất 2 con heo, 1 con dê, 2 tạ gạo, mấy chục lít rượu, cỗ bàn tới 150 mâm. Bác viết: “Trong khi cả nước đang thi đua tiết kiệm để chống Mỹ, cứu nước, một người là thầy giáo, một người là đoàn viên mà làm trái chính sách như vậy, đồng chí Vĩnh nghĩ thế nào? Lợi dụng đám cưới để "phát tài" phải chăng như thế là "bất liêm"?”. Đồng thời Bác còn chỉ ra trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể: “Trong việc này, phải chăng Đảng bộ và Đoàn thanh niên ở huyện Thủy Nguyên chưa làm tròn nhiệm vụ là giáo dục đồng chí Vĩnh?”.

Cho tới lúc “lên đường theo tổ tiên”, để lại Di chúc, ở phần “Về việc riêng” Bác viết: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Xuân Canh Dần - 2010 này, bản Di chúc của Người đã qua 41 mùa xuân. Chúng ta ôn lại những lời khuyên của Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô là một cách thiết thực nhất “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”: Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác/Lên những tầng cao thẳng cánh bay (Tố Hữu).

_________________
 Các trích dẫn về những lời Bác lấy ở “Hồ Chí Minh toàn tập” của nhà XB Sự thật - Hà Nội - 1981, và “Di chúc” chính thức của Bác (1969) theo bản gốc, thông báo của BCH Trung ương Đảng 1989.

Lê Xuân
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 207
  • Khách viếng thăm: 200
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 29371
  • Tháng hiện tại: 2261921
  • Tổng lượt truy cập: 46229154