Văn chương Đồng bằng sông Cửu Long cần thay đổi?

Đăng lúc: Thứ bảy - 28/09/2013 19:09
Văn chương Đồng bằng sông Cửu Long mấy năm trở lại đây có quá nhiều lời ra tiếng vào. Có ý kiến cho rằng, đó là “rạn nứt” từ mô hình văn chương khu vực đã đến lúc cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Những ấn tượng với các nhà văn đồng bằng Sông Cửu Long

Nhắc đến Đồng bằng sông Cửu Long hẳn nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất đặc biệt, chứa đựng nhiều nét riêng mà không phải ở đâu cũng có. Trong các tác phẩm của các nhà văn thành danh như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Anh Đức, Phù Sa Lộc… thì đặc trưng văn hoá vùng miền luôn được chú ý, nhìn nhận và đánh giá cao.

Tiếp sau là các nhà văn Ngô Khắc Tài, Lê Chí, Phạm Trung Khâu, Hồ Tĩnh Tâm… Cho đến các cây bút trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai, Võ Diệu Thanh, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Đức Phú Thọ… đã tạo nên một dòng chảy văn chương nối tiếp.

Cách đây đã khá lâu, khi mà website, blog… còn chưa thực sự phổ biến, nhưng nhiều độc giả đã biết đến địa chỉ văn học quen thuộc trên internet của một số người cầm bút ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Vũ Hồng với Quán văn chương - quán văn chương nhỏ bên sông Hàm Luông, Thơ trẻ của Trương Trọng Nghĩa… Từ những năm đó và có lẽ cả bây giờ, những địa chỉ văn học đó trở thành một “cửa ngõ”, “cầu nối” văn chương để các cây bút giao lưu học hỏi, làm quen và đọc của nhau.

Tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8, có duy nhất nhà văn Vũ Hồng thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long tự ứng cử vào vị trí Ban chấp hành. Kết quả bỏ phiếu sau cùng, nhà văn này đã trúng cử.

Tuy nhiên, có dịp gặp và tiếp xúc với một số nhà văn đồng bằng sông Cửu Long như Vũ Hồng, Lê Chí, Hồ Tĩnh Tâm, Nguyễn Ngọc Tư… nhận thấy họ khá ít nói, đây là điều rất khác so với các nhà văn miền Bắc, nhưng chân thành và luôn sẵn lời mời về với mảnh đất miền Tây Nam bộ quê hương họ. Phải sau vài lần gặp gỡ, trò chuyện, thân quen, gần gũi hơn thì mới thấy họ bộc lộ mình nhiều hơn, vui tính, nhiệt tình.

Các cây bút trẻ cũng có nhiều điểm chung. Nếu trao đổi qua email hay điện thoại thì rất sẵn lòng. Cho đến khi gặp Trương Trọng Nghĩa và Nguyễn Đức Phú Thọ trong Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 8 tại Tuyên Quang thấy họ thật dễ mến, dù không bạo dạn như các cây bút phía Nam.

Sau “hiện tượng” Nguyễn Ngọc Tư với tác phẩm Cánh đồng bất tận, không chỉ nói về con người mà sự đổi thay của một vùng đất miền sông nước vốn bình lặng khiến không ít người giật mình. Từ đấy, văn chương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dường như được độc giả quan tâm hơn. Họ không chỉ muốn biết nét văn hoá khác biệt, đặc sắc được tạo lập từ nhiều năm nay mà còn muốn biết những gì đã và đang xảy ra, tác động đến miền đất sông Cửu Long.

Một cây bút trẻ khác, hiện nay văn đàn cũng khá chú ý là Võ Diệu Thanh. Trở về sau giải thưởng Văn học tuổi 20, Võ Diệu Thanh từ một cái tên còn khá lạ đã nhanh chóng trở nên “quen mặt” trong các ấn phẩm văn chương báo chí cả nước. Mới đây nhất, trong số năm tác giả vượt qua vòng sơ khảo, được in sách và giới thiệu tới độc giả cả nước trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V thì Võ Diệu Thanh một lần nữa lại có mặt với tác phẩm “Mười bảy cây số đường ma”.

Nhà thơ Hồ Tĩnh Tâm từng nhắc đến nhận xét của nhà văn Ngô Khắc Tài trong bài trả lời phỏng vấn rằng: Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long bằng phẳng, nên văn xuôi phương Nam có phần phẳng lặng, hiền hậu, không mấy khi gây sóng gió ồn ào trên văn đàn cả nước; cái hay có được là cái hay của sự sâu lắng hồn hậu, thấm đẫm tình đất tình người”. Tất nhiên, hiện thực về một vùng đất nào đó trong bối cảnh hiện nay khó có sự thuần nhất, một chiều mà trong từng thời điểm khác nhau nó biểu hiện những giá trị mới, xuất hiện cái mới. Nhưng có lẽ nhiều người vẫn tin những “’sâu lắng hồn hậu, thấm đẫm tình người, bộc trực” là những nét cơ bản trong khí chất của con người, văn chương đồng bằng sông Cửu Long.

 

Website vannghesongcuulong.org.vn- một trong những địa chỉ liên kết văn học
khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với độc giả ở các vùng, miền khác

Vài lời với văn chương Đồng bằng sông Cửu Long

Việc các Hội Văn học nghệ thuật ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cùng nhau tổ chức một giải thưởng văn học có thể coi là một sáng kiến. Nó vừa nâng tầm giải thưởng từ vị trí địa phương nhỏ lẻ sang mức khu vực. Vừa thể hiện được sự gắn kết giữa các Hội học nghệ thuật của khu vực. Đây cũng là cơ hội để các cây bút cọ sát với nhau.

Mục đích cao nhất của các cuộc thi là gì? Là phát hiện ra các cây bút mới, và phát hiện các tác phẩm chất lượng.

Nhưng thực tế thì sao?

Liên tiếp các cuộc thi văn chương, và các tác phẩm văn học đăng tải trên báo chí khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra điều tiếng. Lỗi được nhắc nhiều nhất là đạo văn và phạm quy, sau nữa là nghi ngờ sự công tâm của Ban giám khảo.

Đạo văn thì đã rõ. Và cho dù ở bất cứ ở cuộc thi nào với mục đích nào thì đạo văn là điều không thể chấp nhận được. Cần lên án và loại bỏ. Có lẽ, đã đến lúc đội ngũ ban giám khảo, biên tập văn chương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải ý thức và luôn đặt tác phẩm trong tình trạng “báo động đỏ” về nguy cơ đạo văn để đọc kỹ hơn, thậm chí tra cứu trên mạng, đồng nghiệp… Bên cạnh đó phải có một quy chế “nặng tay” hơn về các trường hợp đạo văn.

Như trên đã nói, nhiều cây bút ở miền Tây Nam bộ để lại khá nhiều ấn tượng với độc giả. Tuy nhiên, sau những cuộc thi văn chương lại xuất hiện một lực lượng đông đảo người giấu mặt, mượn tên chỉ trích, phán xét gay gắt, quyết liệt, đôi khi hơi quá và không cần thiết. Bắt được một “lỗi” sơ hở của tác giả đoạt giải hay từ phía Ban giám khảo là hả hê, như thể mình vừa có một phát minh. Và dường như ở đồng bằng sông Cửu Long có một lực lượng chuyên đi tìm lỗi như thế. Ví dụ như trường hợp một tác giả giấu mặt cố tình tạo rùm beng một tác phẩm đoạt giải cao chỉ vì số chữ nhiều hơn một ít so với quy định là 5000 từ. Hay như trường hợp tác giả Trần Huy Minh Phương hiện đang công tác ở báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh nên bị cho là… phạm quy, vì không còn ở quê nhà, nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hay trường hợp một tác giả được trao hai giải cũng bị suy diễn cứng nhắc mà quên mất ban giám khảo có quyền trao giải có tác giả hoặc tác phẩm. Nếu trao giải cho tác giả thì xét tác giả đó trong toàn bộ quá trình tham dự giải, còn nếu trao giải cho tác phẩm thì mỗi tác phẩm được xem xét độc lập… Trường hợp na ná như thế này xuất hiện nhan nhản sau các cuộc thi văn chương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nó đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính cách con người nơi đây, phải chăng đã ít nhiều thay đổi?

Thực ra, trong bất kỳ cuộc thi văn chương nào cũng có quy chế. Và lúc nào cũng có “quy chế cứng” và “quy chế mềm”. Đó chính là lý do vì sao lẽ ra một cuộc thi người ta ấn định số lượng giải ngay từ ban đầu lại có thể bị thu hẹp hay bổ sung thêm giải sau khi xem xét chất lượng và tình hình thực tế của cuộc thi. Một ví dụ điển hình hay được nhắc đến mà không ai so đo xét nét chính là trường hợp quyết định giải thưởng cho tập sách Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư từ phía Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi vì theo quy chế thì giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn chỉ trao cho cuốn sách là tác phẩm mới. Nhưng cuốnCánh đồng bất tận, ngoài tác phẩm cùng tên là sáng tác mới còn bao gồm nhiều truyện ngắn khác không phải là mới. Nếu cứ áp đặt quy chế cứng nhắc theo chính bộ phận chuyên săn lùng phạm quy để ném đá ở quê nhà thì năm đó Cánh đồng bất tậncủa Nguyễn Ngọc Tư không thể được giải.

Nếu như ai cũng hiểu “quy chế mềm” một cách uyển chuyển, đôn hậu có lẽ văn đàn bớt đi nhiều điều tiếng không đáng có, không cần thiết như đã diễn ra trong vài năm qua.

Bên cạnh cách mặt tích cực về việc liên kết tổ chức văn chương khu vực thì đến thời điểm này những mặt chưa được đã bộc lộ ra gần như đầy đủ và cần được xem xét thay đổi. Đây cũng là một trong những lý do nảy sinh mâu thuẫn.

Đó là tính cục bộ.

Một cuộc thi mà chỉ bó hẹp dành cho tác giả sinh sống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại chỉ được viết về cuộc sống con người khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mới nghe tưởng là khá rộng lớn, hữu ích cho địa phương nhưng lại vô cùng chật hẹp. Giải thưởng vô hình chung là một chiếc bánh được chia phần trong khu vực nên làm sao không tránh khỏi nghi ngờ, đố kị?

Tại sao không chiêu mộ tất cả các cây bút cả nước viết về vùng đất miền Tây. Hoặc tại sao cuộc thi không chấp nhận tất cả các đề tài mà viết về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ là một ưu tiên? Nếu quy chế thay đổi theo hướng này thì không phải cuộc thi nào kết thúc là có ngay tác phẩm xuất sắc cho khu vực. Nhưng về lâu dài, cùng với sự góp mặt anh hào mọi miền thì độc giả hoàn toàn có quyền hi vọng. Đây là một sự lựa chọn dũng cảm, mà các nhà văn khu vực thực sự cần ngồi lại với nhau, thẳng thắn nhìn lại và vạch ra hướng đi mới.

Văn học đề tài không phải nền văn học toàn diện. Các cây bút văn chương tài năng thực sự phải biết vượt qua rào cản của văn học đề tài.

Hiền Nguyễn
(Theo Văn học quê nhà)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 217
  • Hôm nay: 59822
  • Tháng hiện tại: 2428247
  • Tổng lượt truy cập: 48802374