Nhà văn đồng bằng, vượt qua để viết

Đăng lúc: Thứ tư - 07/08/2013 09:49
Văn học - nghệ thuật (VHNT) là một nội dung quan trọng của văn hóa dân tộc. Để người viết có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa, hãy tiếp sức cho họ.
Sông nước hữu tình, tạo chất men cho nhà văn, nhà thơ sáng tác. Ảnh: C.K.S.

Sông nước hữu tình, tạo chất men cho nhà văn, nhà thơ sáng tác. Ảnh: C.K.S.

Nhất kiêng lấy chồng thi sĩ

Ở nhà hương hỏa, lương hưu 3,2 triệu đồng (nguồn sống chính), mơ một chiếc máy tính để viết, đó là một vài nét chấm phá về người phụ nữ dáng hình lam lũ, gầy gò ngồi trước mặt tôi, nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Trần Thị Ngọc Phượng, ở Sóc Trăng. Đã bước vào tuổi 58 nhưng chị Phượng có gần 30 năm gắn bó với cây viết (đến giờ vẫn viết tay bản thảo). Những năm đầu giải phóng, chị chung trại sáng tác với các nhà văn tên tuổi đồng bằng như: Dạ Ngân, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Lập Em, Hồ Trường… Chị lặng lẽ sống, lặng lẽ viết. Ngay cái thời còn phụ trách Phân hội Văn học (Hội VHNT Sóc Trăng), bạn bè văn chương cũng hiếm khi thấy chị ồn ào xuất hiện. Nhà thơ Trần Thị Ngọc Phượng đã in các tập thơ và truyện: Bài ca chim sáo, Thầm lặng, Ai cúi nhặt trời xanh…, trong đó tập truyện Nàng HêRát (NXB Văn hóa dân tộc - 1994) giành giải của Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam. 

“Hầu như ở Hội VHNT Sóc Trăng chẳng ai sống được bằng nghề viết nhưng họ vẫn… viết”, chị Phượng nói vậy. Nghỉ hưu rồi nhưng chị vẫn bận rộn với trường ca, với ký, thơ và truyện ngắn... cho các tạp chí văn nghệ. “Mảnh ruộng là máu thịt của người nông dân. Có người bán đất, mất đất nên phải làm thuê trên chính mảnh ruộng trước đây của mình; có người thương nhớ đồng quê đến heo hút. Bà con Khmer trước ở nhà sàn mặc áo cánh nay cuộc sống đi lên, quần bò nhà gạch có mai một bản sắc…”, phận người nông dân trong cuộc sống nhiều biến động hôm nay vẫn đau đáu trong chị. 

Ông hỏi… ngớ ngẩn. Cả ngàn nhà văn nhà thơ trong các hội VHNT đồng bằng có mấy ai sống được nhờ viết?, mấy “bác” kỳ cựu trong nghề nổi quạu nói vậy. Nhà văn Võ Diệu Thanh (An Giang), “một cô giáo dạy mỹ thuật tiểu học và là một phụ nữ sống với văn chương bằng tất cả tình yêu buồn bã và trong trẻo trong tâm hồn” nếu không đạt mấy giải văn học thì cái “lều” từng ở cũng đâu tránh được mưa tuôn nắng rọi. Nhà thơ “chân chỉ hạt bột” Hoài Tường Phong, tác giả Trăng nghẹn bị vợ cằn nhằn “Cứ ở nhà coi cái quán vịt nấu chao hay làm răng (ông là nha sĩ), thì đâu có… lùm xùm như vầy”. Nhà thơ Võ Minh Đường (Cần Thơ) khi nằm xuống, gia cảnh vẫn thiếu trước hụt sau…

“Nhất kiêng cấm lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm, con ơi, bạc lắm con”, đến cả nhà thơ tài danh Nguyễn Bính cũng phải thốt lên như vậy. Hầu hết nhà văn đồng bằng sống bằng cách “dựa lưng” lương công chức, bằng huê lợi mảnh vườn luống rau; năng động hơn, bằng nghề viết báo. Chưa bao giờ quan niệm “Văn báo bất phân” lại được nhà văn tâm đắc đến như vậy. Cần Thơ là địa phương nổi nhất về lượng nhà văn cộng tác với báo nhờ hàng chục tờ báo đặt văn phòng đại diện tại đây. Có nhà văn cộng tác với trên 10 tờ báo. Nhuận bút “thường thường bậc trung” cũng 2 - 3 triệu đồng/tháng, có người lên tới 7 - 8 triệu đồng/tháng; tết thì vô “sâu” hơn, khoảng trên 10 triệu đồng. Những công việc tay trái này, ngoài tác dụng tăng thu nhập, còn giúp nhà văn tính năng động, sáng tạo, thậm chí tạo cảm hứng.

Nghề kén người

VHNT rất khó chọn người. Không phải cứ “ông này, bà nọ” hay bằng cấp đỏ hoe, nhiều chữ là trở thành nhà văn, nhà thơ. Nghề viết đòi hỏi năng khiếu, thật sự phải có năng khiếu. Họ rất nhạy cảm với biến chuyển xã hội, biết “thổn thức” với đời, với phận người. Họ vắt tinh lực của mình, “lang thang mây gió” để chuyển cái rung động cá nhân sang cho cộng đồng rung động. “Mỗi năm có biết bao cử nhân ngữ văn tốt nghiệp trên cả nước, thậm chí mở cả trường dạy viết văn nhưng số trở thành nhà văn “có danh, có phận” cũng hiếm hoi lắm”, nhà văn Lê Đình Bích nhìn nhận. 

“Đồng Tháp có cả triệu người nhưng kiếm tìm 5, 3 nhà văn, nhà thơ cũng khó. Một năm có thể tốt nghiệp hàng ngàn giáo viên, hàng trăm cử nhân nhưng rất khó đào tạo ra được một văn nghệ sĩ. Nhiều người có năng khiếu sáng tác nhưng vì mưu sinh không chịu theo nghề, đi làm nghề khác”, ông Nguyễn Đắc Hiền, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội VHNT, hiện là Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp trải lòng trong Hội thảo “Văn học Đồng Tháp - Nhận diện và phát triển” (tháng 4-2013). 

Những cánh đồng lúa vàng luôn là chất liệu thơ văn ĐBSCL

Khi “Văn hóa là mặt trận, nhà thơ cũng là chiến sĩ”, gánh vác sứ mạng xã hội họ sẽ trở thành “sức mạnh mềm”, mạnh mẽ khôn cùng, “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng). Có một thời khói lửa trong ba lô người lính là Thép đã tôi thế đấy, Giamalia, Núi đồi và thảo nguyên, Từ ấy, Sống như Anh… Và giới văn nghệ đồng bằng vẫn không quên được những vần thơ, trang viết rực lửa, hòa cùng dân tộc của Lê Anh Xuân, Lê Vĩnh Hòa, Lâm Thao, Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng…

VHNT dù trong giai đoạn phát triển nào vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng. Giữa “những cơn sóng triều cường độc hại” ào ạt dâng trào trong bối cảnh hội nhập văn hóa sâu rộng hiện nay, việc giữ gìn bản sắc, tính định hướng của văn hóa, VHNT càng trở nên bức thiết, ý nghĩa hơn.

Rằng một ngày kia…

“Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Nhà văn đồng bằng “nằm lòng” điều đó và thật quý, họ vẫn sống với nghề, vẫn trăn trở cùng nhịp thở châu thổ và đóng góp những tác phẩm giá trị cho văn hóa nước nhà. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị, lĩnh vực VHNT ở đồng bằng đã cơ bản có những chuyển biến tích cực, có tính chuyên nghiệp hơn; số lượng tác phẩm đoạt giải thưởng trong khu vực và quốc gia tăng đáng kể; hoạt động sáng tác thêm đa dạng, phong phú... Tuy nhiên, để có những tác phẩm giá trị, đi vào lòng bạn đọc vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Nội lực sung mãn của người nghệ sĩ - chiến sĩ ngày nay chắc chắn phải giữ cho được bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc cùng cách nhìn khoáng đạt, hiếu hòa hơn. Vừa bồi bổ “thiên lương”, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh của con người và phẩm hạnh cộng đồng, vừa biết đón nhận, chắt lọc nét đẹp của bạn bè gần xa. “Càng tiến xa vào hiện đại, hội nhập càng trở lại rất sâu với căn cước dân tộc. Trở về dân tộc cũng để lọc lấy tinh hoa. Mở ra thế giới cũng là để tiếp nhận tinh hoa. Đi đến tận cùng dân tộc thì gặp nhân loại. Nhân loại ở ngay trong mỗi một con người”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nhìn nhận. 

Thả nổi kinh tế thị trường, ca sĩ hát một bài cả trăm triệu đồng; lương HLV bóng đá mấy trăm triệu đồng vậy mà chúng ta không có chế độ cho văn nghệ sĩ để anh em yên tâm sáng tác, sống được với nghề? Ông Nguyễn Đắc Hiền, Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp, nóng ruột đặt vấn đề. “Có làm mới có ăn” nhưng cả ban chấp hành của 9 hội chuyên ngành của Cần Thơ, những người có cả “núi việc”, trực tiếp triển khai VHNT lại không ai có chế độ, lương, “đi họp phải kiếm tiền đổ xăng”? Đến nay, hai chữ “đặc thù” vẫn là mối quan tâm lớn nhất, bà Hứa Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Các Hội VHNT Cần Thơ xác định. Nếu có chế độ đặc thù sẽ giúp người viết cải thiện cuộc sống, có thể sống được, sống không lay lắt, sống bằng khả năng của chính mình.

Để người viết có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa, hãy tiếp sức cho họ, đừng để họ “tự bơi” trong hoàn cảnh “thóc cao, gạo kém” ngày càng gay gắt hiện nay. “Nghị định 61 (chế độ nhuận bút mới) đã ra đời mấy năm nay nhưng hầu như không địa phương nào trong vùng thực hiện được”, ông Văn Ngọc Nhuần, Chủ tịch Hội VHNT Sóc Trăng cho biết. Người viết không thể đầu tư tâm huyết cho ra những tác phẩm có giá trị khi đến tận bây giờ, nhuận bút phổ biến trên các tạp chí văn nghệ đồng bằng vẫn chỉ hơn 100.000 đồng/bài viết, mấy chục ngàn đồng/bài thơ?

“Chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà khi nhiều ấn phẩm văn hóa độc hại bằng tiếng dân tộc đang xâm nhập vào ta ngày càng nhiều, trong khi số hội viên người dân tộc còn khiêm tốn và các tác phẩm VHNT tiếng dân tộc rất khó trình làng bởi thiếu người biên tập...”, Thạch Moni, Chi hội trưởng Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Bạc Liêu bức xúc. Một không gian sáng tác khoáng đạt, dân chủ sẽ đẩy lui triết lý ở ẩn, tránh hiểm nguy, chờ thời thường hay ngự trị ở văn nghệ sĩ. Mức đầu tư ngân sách cho VHNT còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Công tác xã hội hóa VHNT chưa huy động được ở nhiều địa phương… Tôi vẫn có niềm tin và hy vọng, rằng một ngày kia hội nghề nghiệp sẽ thật sự là nơi tựa lưng cho những người cầm bút, một nhà văn tâm sự. 

“Cái đói khát, ngậm ngùi, nguyên thủy ở người nghệ sĩ là không bao giờ tha phương khỏi lòng văn hóa mẹ”, một nhà phê bình nghệ thuật từng nhận định. Đó là di sản quý giá để hấp dẫn các nền văn hóa trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Và ngày ngày người ta vẫn thấy nhà văn Ngọc Phượng lọc cọc đạp xe đi chợ và đạp xe đi viết.

Vũ Thống Nhất
(Theo SGGP)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 415
  • Khách viếng thăm: 408
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 1188
  • Tháng hiện tại: 2233738
  • Tổng lượt truy cập: 46200971