Nghệ thuật ngoại giao và thu phục lòng dân của Nguyễn Huệ

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/01/2015 09:38
NGHỆ THUẬT NGOẠI GIAO

Để có được chiến thắng lừng lẫy tại Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã tốn nhiều công sức chuẩn bị về mọi mặt, trong đó có “đòn” ngoại giao nhằm tạo sự chủ quan, khinh địch, ly gián gây sự nghi kỵ, chia rẽ sâu sắc trong nội bộ quân Xiêm - Nguyễn để thực hiện thắng lợi mục tiêu đánh đuổi quân xâm lược.

Sau một số ngày quan sát, Nguyễn Huệ đã nắm được thực chất sức mạnh và nội tình của đối phương. Quân Xiêm tuy quân số đông nhưng là đội quân ô hợp, hách dịch, lợi dụng danh nghĩa cứu giúp Nguyễn Ánh để xâm lấn đất Gia Định, ra sức vơ vét cướp bóc của cải, thấy vàng bạc, châu báu thì hoa mắt lên, có thể quên chiến đấu.

Từ những nhận định sắc sảo đó, Nguyễn Huệ đã hình thành một mưu lược mới. Đó là ngoài việc tích cực chuẩn bị về mặt quân sự, ông đã quyết định dùng đoàn ngoại giao thông minh, tài tình nhằm khoét thêm hố sâu mâu thuẫn giữa quân Xiêm - Nguyễn, vừa có thể làm tăng thêm sự chủ quan, khinh địch và lòng tham của chúng.

Để kích thích lòng tham, tạo sự hoài nghi giữa Nguyễn Ánh với quân Xiêm, Nguyễn Huệ đã dùng 1 tù binh người Chân Lạp làm sứ giả mang nhiều vàng bạc, gấm lụa làm lễ vật đến gặp Chiêu Tăng đề nghị giảng hòa riêng với quân Xiêm và xin tuân theo điều kiện cống nạp: “Tân trào (Tây Sơn) và cựu triều (Nguyễn Ánh) nước tôi tranh nhau lãnh thổ và nhân dân, không thể cùng đứng với nhau được.

Nước tôi cùng nước Xiêm cách trở xa xôi, trâu và ngựa không đánh hơi nhau được, chẳng hay Vương tử (Chiêu Tăng) đến chốn này làm gì. Chi bằng hai nước chúng ta hòa hiếu với nhau. Sau khi xong việc, nước tôi sẽ y lệ tiến cống. Như thế có phải là được lợi lâu dài không? Vậy việc cựu Chúa (Nguyễn Ánh) nước tôi để mặc chúng tôi lo liệu, xin Vương tử đừng có giúp đỡ” (theo Mạc Thị Gia Phả).

Thấy vậy, Chiêu Tăng vội chụp lấy cơ hội, tương kế tựu kế giả vờ bằng lòng: “Ta biết hậu ý của chủ soái ngươi, há lại không theo sao. Nhưng hễ làm việc lớn đâu phải dung dị. Vậy hãy giữ bí mật để khỏi sinh biến. Ngươi về bẩm với chủ soái ngươi chịu khó đợi” (theo Mạc Thị Gia Phả).

Nhân việc giảng hòa, Nguyễn Huệ “hàng ngày sai người mời quân Xiêm sang chơi thuyền để khoe các chiến cụ hùng tráng, đầy đủ, khi quân Xiêm về lại tặng vóc lụa”; đồng thời ra vẻ như muốn phòng thủ chờ mong việc giảng hòa “lùi lại, đem thuyền ra đậu ở sông lớn để đợi xem biến chuyển ra sao”.

Những việc làm này đã làm cho bộ chỉ huy quân Xiêm lầm tưởng quân Tây Sơn yếu thế, sợ thua, chỉ mong giảng hòa, làm tăng thêm sự chủ quan, khinh địch... thúc đẩy quân địch sớm rời khỏi căn cứ mở cuộc tiến công trong thế trận “thiên la địa võng” mà ông đang bày sẵn.

Quả thật, Chiêu Tăng tưởng Nguyễn Huệ đã sa bẫy nên hí hửng bàn với Nguyễn Ánh: “Giặc rất tin tôi, rất không phòng bị, ta nên thừa thế mà đánh phá giặc ngay. Xem hẹn đến đêm mồng chín tháng này (tháng Chạp năm Giáp Thìn), Quốc vương đem ngự binh đi trước xông vào thuyền giặc, tôi cùng các tướng bản bộ đem tất cả chiến thuyền lớn nhỏ tiến lên phá các thuyền chắn ngang sông của giặc thì thế nào cũng toàn thắng”.

Việc giảng hòa riêng với Chiêu Tăng còn có tác dụng khoét sâu mâu thuẫn nội bộ địch, gây thêm mối nghi kỵ về tình trạng “hai lòng” của người Xiêm ở Nguyễn Ánh. Vì thế, Chiêu Tăng có lần phải giải bày thề thốt: “Tôi phục mệnh vua nước tôi, đem quân vượt biển sang giúp Quốc vương, nay chưa phân thắng bại mà tôi tham của cải thì có khác gì loài thú cắn lại chủ nhà.

Nếu vì lợi mà phải thất trận làm nhục quốc thể thì tôi trốn sao khỏi tội trời diệt, xin Quốc vương chớ nghi ngờ”. Không chỉ Nguyễn Ánh mà nội bộ quân Nguyễn cũng không còn tin vào quân Xiêm, một số tướng lĩnh đã đào tẩu qua hàng Nguyễn Huệ như tướng Lê Xuân Giác...

Do vậy, khi tham dự cuộc hành quân tiến đánh Mỹ Tho, Nguyễn Ánh mang nặng tâm trạng hoài nghi, lo lắng thất bại nên đã sai Mạc Tử Sinh về ngay Trấn Giang (Cần Thơ) để “khi xảy ra việc bất trắc thì đã sẵn có đường chạy trốn”.

Quả nhiên, sự lo lắng của Nguyễn Ánh đã thành hiện thực khi 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn bị quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đánh cho tan tác “thua to, bỏ chạy”, “sợ Tây Sơn như sợ cọp”.

…VÀ THU PHỤC LÒNG DÂN

Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút là một trận đánh mai phục kết hợp với bao vây tiêu diệt. Vấn đề cốt lõi đầu tiên mà Nguyễn Huệ xác định là phải nắm được lòng dân, bởi theo ông nơi ẩn náu kín đáo nhất và lợi hại nhất của quân Tây Sơn không phải là địa hình hiểm trở mà chính là ở lòng dân.

Trước trận Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn đã 4 lần kéo đại quân vào Gia Định đánh quân Nguyễn Ánh thắng lợi. Cả 4 lần, khi đại quân rút về Quy Nhơn thì tàn quân của Nguyễn Ánh nổi lên chiếm lại Gia Định, bởi vì Nguyễn Ánh có cơ sở là bọn địa chủ, quan lại còn núp lại tham gia giúp sức. Lần này, Nguyễn Ánh trở về với 5 vạn quân Xiêm mang danh nghĩa khôi phục vương triều chính thống thì vấn đề quan trọng là phải đánh đổ luận điệu xuyên tạc, lừa bịp của quân Xiêm - Nguyễn rêu rao Tây Sơn là “giặc Quảng”, “ngụy Tây” mà chúng tới để đánh diệt.

Để đánh đổ luận điệu xuyên tạc, lừa bịp đó, Nguyễn Huệ đã chủ động tạo ra khoảng thời gian cần thiết để quân Xiêm bộc lộ dã tâm xâm lược và quân Nguyễn hiện nguyên hình là quân bán nước. Từ đó giúp đông đảo nhân dân nhận rõ đâu là chính nghĩa, đâu là gian tà để có sự tham gia giúp sức về nhiều mặt, tạo điều kiện cho đội quân của Tây Sơn phát huy hết sức mạnh để giành thắng lợi.

Sau khi chiếm được một phần đất Gia Định, quân Xiêm đã tìm mọi cách cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, giết hại dân chúng. Bản thân tướng Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương khi đánh Ba Lai đã từng “giết hại nhân dân và cướp bóc vàng bạc, của cải không biết bao nhiêu mà kể” (theo Mạc Thị Gia Phả).

Chính vua Xiêm về sau này cũng phải thừa nhận: “Hai tên súc sinh Chiêu Tăng và Chiêu Sương làm việc kiêu căng, hung hãn, vào sâu đất giặc không tuân lệnh Quốc vương, tàn hại nhân dân nước ấy...” (theo Mạc Thị Gia Phả).

Hành động bạo ngược đó của quân Xiêm tất yếu đã làm giảm uy tín và tầm ảnh hưởng của Nguyễn Ánh ở vùng đất từng là căn cứ địa vững chắc của ông. Cho nên, dù có tuyên truyền, xuyên tạc đến mức nào, nhân dân các vùng bị giặc chiếm đóng, kể cả bọn địa chủ... cũng sẽ oán giận Nguyễn Ánh ngập trời. Chính ông đã từng than thở: “Rồi đây không khỏi kẻ thù (quân Tây Sơn) lấy đó rêu rao rằng ta rước giặc ngoài về để giết hại con đỏ” (theo Mạc Thị Gia Phả).

Trong bức thư gởi cho giáo sĩ người Pháp Li-ô (J.Liot), Nguyễn Ánh đã tỏ ra lo lắng: “Bọn lính Xiêm chạy theo cái cuồng vọng của chúng: Cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái, vơ vét của cải, giết hại bất kỳ già trẻ. Vì vậy sức mạnh của quân “phiến loạn” càng ngày càng tăng lên trong khi quân Xiêm càng ngày càng yếu đi”.

Thực tế đã chứng minh: “Dân chúng bắt đầu gọi họ (quân Tây Sơn) biết thương người nghèo khổ”, “ông Nguyễn Huệ nắm được cả miền Gia Định trong tay bằng những đồn binh vững vàng ở khắp các đường bộ, đường sông, cửa biển và bằng một kỷ luật nghiêm minh; đồng thời lại nhân từ với nhân dân”.

Từ thực tế này, Nguyễn Ánh đã phải cay đắng thốt lên: “Muốn được nước phải được lòng dân”. Và chân lý đó đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, căm thù giặc của nhân dân. Nhân dân Gia Định nói chung, vùng Mỹ Tho nói riêng đã một lòng theo Tây Sơn, biểu hiện qua việc hướng dẫn quân Tây Sơn đi trinh sát địa bàn, cung cấp thông tin về tình hình sông nước, quy luật của thủy triều để quân Tây Sơn thiết lập trận địa mai phục và lên phương án tác chiến; đồng thời nhân dân đã giữ bí mật trận địa mai phục đến phút chót khiến quân địch không một chút nghi ngờ, hoàn toàn bất ngờ và bị động.

Bên cạnh đó, nhân dân còn đóng góp lương thực, thực phẩm và các vật dụng như: dầu mù u, vỏ dừa khô… để quân Tây Sơn chiến đấu, đánh tan 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn và 300 chiến thuyền, quét sạch và làm khiếp đảm quân thù đến nỗi: “Người Xiêm sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn, miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp”.

* *
*

Bài học về nghệ thuật ngoại giao và thu phục lòng dân của Nguyễn Huệ đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và đáng để chúng ta suy ngẫm.

Nguyễn Minh Phúc
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 349
  • Khách viếng thăm: 344
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 61177
  • Tháng hiện tại: 1482835
  • Tổng lượt truy cập: 47856962