Chùa Sắc Tứ

Đăng lúc: Thứ tư - 16/01/2013 17:12
VNTG - Chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở ngã tư Xoài Hột thuộc ấp Chợ, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Đây là ngôi chùa được liệt vào hạng chùa cổ ở Tiền Giang, có những pho tượng bằng đồng đen và một đại hồng chung niên hiệu Gia Long.

Lúc đầu chùa chỉ là một am nhỏ bằng tre lá do bọn trẻ chăn trâu lập nên, vì thế được gọi là chùa Mục Đồng. Mãi đến năm 1722, có một nhà sư từ miền Trung vào, tên  là Nguyễn Phước Chánh, pháp hiệu Nguyệt Hiện, đến trụ trì và xây cất tôn nghiêm hơn. Sau đó ông đặt tên chùa là Long Tuyền tự, tức là chùa Suối Rồng. Tương truyền trên đường bôn tẩu tránh quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh phải chạy vào chùa Long Tuyền trốn trong chiếc đại hồng chung, thoát nạn. Sau khi diệt được nhà Tây Sơn (Nguyễn Ánh lên ngôi lấy đế hiệu là Gia Long), năm 1811, vua Gia Long ra sắc chỉ đặt lại tên chùa là Long Nguyện tự, tức là Bãi Rồng và cấp ruộng đất, 10 người dân phu cho chùa, xem như đây là ngôi chùa của nhà vua. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị cho đổi tên chùa là Linh Thứu tự. Linh Thứu có nghĩa là nơi Phật thuyết pháp. Còn dân gian thì quen gọi là chùa Sắc Tứ, tức chùa được bảng vàng của nhà vua sắc phong cho. Năm 1937, vua Bảo Đại truy phong cho chùa một tấm biển, đề rằng: “Nam triều Lễ nghi bộ cung Sắc Tứ Linh Thứu cổ tự”. Từ khi thành  lập đến nay, chùa đã trải qua hai lần trùng tu qui mô: lần thứ nhất là vào năm 1890 và lần thứ hai vào năm 1992.

Cổng tam quan được xây dựng mới trông đồ sộ và rực rỡ, phía trên nóc trang trí những hình đắp nổi với các chủ đề lưỡng long chầu xe pháp luân, chim phượng ngậm cuốn thư và các bức họa có liên quan đến những điển tích của đạo Phật. Ở phía dưới ngay tại cổng chính có đôi lân chầu hầu hai bên, trông rất oai nghiêm. Kế đến là một khoảng sân rộng đầy hoa kiểng xanh tươi, tạo nên sự hài hòa giữa thiên nhiên với công trình kiến trúc. Đáng chú ý là ở giữa cột cờ được tạo dáng hết sức đặc sắc. Làm nền cho cột cờ là tượng một con rùa to, đầu nghếch lên cao, trông vô cùng phóng khoáng, tượng trưng cho sự bền vững, trường cửu. Phía dưới gốc cột cờ được chạm hình con lân toát lên vẻ uy nghi, oai vệ. Thân cột cờ trang trí hình rồng uốn lượn từ gốc đến ngọn, có sự uyển chuyển, mềm mại nhưng không kém oai nghiêm, hoành tráng. Tất cả các hình quy, lân, rồng đều được sơn phết rất rực rỡ. Đây là những con vật linh thiêng tượng trưng cho những điều tốt đẹp, hạnh phúc và trường thọ mà đình chùa nào cũng có. Các tượng này tuy mới tạo tác gần đây bằng xi măng cốt sắt, song không cứng nhắc, gò bó, rập khuôn kiểu tạc tưộng điển lệ, chuẩn sắc của tôn giáo, mà rất sinh động, mang dấu ấn cảm thức sáng tạo dân gian. Ngoài ra, trong sân chùa còn được tôn trí tượng Phật Quan Thế Âm ngự trên tòa sen dưới tàn lá xanh um của cây bồ đề cổ thụ, khiến cảnh chùa thêm đẹp đẽ, tôn nghiêm.

Bên trong chánh  điện, do trải qua nhiều lần trùng tu lớn nhỏ và những biến cố lịch sử, nên đồ thờ và kỷ vật cổ cũng không còn nhiều. Chỉ duy có 78 cây cột bằng gỗ căm xe đã lên nước đen bóng và chiếc đại hồng chung nặng hàng trăm kg đồng vẫn còn tồn tại như thách đố với mọi sự biến thiên. Bàn thờ tại chánh điện được trang trí các tượng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc và các vị Bồ Tát. Tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Ở phía góc trái của chánh điện còn có một bộ đèn 49 ngọn tượng trưng cho Phật Dược Sư. Đây là vị Phật thường giúp cho con người được tiêu tai, trị bệnh, có cuộc sống hạnh phúc, bình yên và trường thọ. Chùa Sắc Tứ là ngôi chùa cổ duy nhất ở Tiền Giang thờ 49 ngọn đèn, hóa thân của Phật Dược Sư. Bởi vì xưa kia, lưu dân đến đây khai phá đất hoang chưa quen với phong thổ nên sức khỏe bị đe dọa. Do đó, chùa thờ Phật Dược Sư để giúp tín đồ có một niềm tin về sự an bình trong cuộc sống. Đèn có 49 ngọn được hiểu là sự tổng hợp của 7 lần con số 7. Trong kinh Phật, con số 7 là con số tốt, mang ý nghĩa quan trọng của Phật pháp, hàm nghĩa là sự tu hành sẽ giúp con người vượt qua mọi sự ràng buộc của thế sự, bệnh tật. Tại chánh điện ngay tại bàn thờ chính còn treo vài bộ bao lam chạm khắc rồng, hoa lá, chim muông rất công phu và tuyệt đẹp. Cũng phải kể đến đôi long trụ (cột chạm rồng) mà trên đó có chạm hai câu đối nhắc đến việc vua Gia Long và vua Thiệu Trị đặt tên chùa:

-Sắc ngự định Long Tuyền thạnh hí đạo tràng thuận cảnh hoằng khai thanh tịnh cảnh.
-Tứ phê tường Linh Thứu phú tại Phật pháp bình tâm phát nguyện điệu huyền tâm.

Mới đây, chùa đã hoàn thành công trình cụm tượng bằng đá sự tích Phật Thích ca từ sơ sinh đến xuất gia bên cạnh ao sen đầy hoa tỏa hương thơm ngát. Chùa Sắc Tứ là một di sản văn hóa quan trọng của tỉnh Tiền Giang. Giữa khung cảnh yên bình của chốn đồng quê, du khách nếu có dịp bước vào lễ Phật ở chùa Sắc Tứ sẽ đắm mình trong sự thanh tịnh, trong khiết, hướng thiện, quên đi mọi ưu tư, phiền muộn của cuộc sống đời thường. Có thể nói chùa Sắc Tứ vừa là chốn tôn nghiêm vừa là một di tích lịch sử làm say lòng du khách.
Lê Quang Huy
(Theo Văn Nghệ Trẻ TG số 43- Xuân 2013)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 357
  • Khách viếng thăm: 351
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 36715
  • Tháng hiện tại: 2201375
  • Tổng lượt truy cập: 46168608