TP. Mỹ Tho trong những ngày đầu giải phóng

Đăng lúc: Thứ hai - 27/04/2015 08:48
Sáng ngày 30-4-1975, tại mặt trận giải phóng TP. Mỹ Tho, tất cả lực lượng của ta ém sẵn trong nội thành, áp sát các mục tiêu, lực lượng quần chúng đã sẵn sàng xuống đường. Hơn 9 giờ, đài phát thanh Sài Gòn phát đi quân lệnh: Tất cả binh lính, sĩ quan, đồn bót của quân lực Việt Nam cộng hòa hãy ngừng bắn tại chỗ, chờ lực lượng của Quân giải phóng đến…

Cùng lúc, các tướng ngụy: Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh vùng 4; Trần Văn Hai, Tư lệnh sư đoàn 7 kiêm Tư lệnh Khu Chiến thuật Tiền Giang ra lệnh cho hơn 10.000 lính bảo an cơ động, tự vệ, thanh niên chiến đấu, đủ loại quân cảnh, cảnh sát và hàng chục ngàn lính chủ lực của sư đoàn 7, sư đoàn 9 rút về Mỹ Tho “cố thủ”.

10 giờ 30 phút, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Từ 12 giờ trở đi, cả TP. Mỹ Tho bùng nổ khí thế tấn công và nổi dậy. 14 giờ 30 phút, lực lượng xung kích của Thành đoàn phá kho súng địch, lấy súng trang bị và kéo lá cờ cách mạng lên đỉnh cột cờ Trường Nguyễn Đình Chiểu. Cờ phất phới tung bay trước gió trong giữa lòng thành phố đang còn đầy lính tráng càng thúc giục khí thế cách mạng tiến lên.

Xung kích Thành đoàn cùng với một bộ phận quần chúng tiến chiếm Sở Học chánh, Trường Lê Ngọc Hân, Trường Nam Tiểu học… Sau đó, cờ cách mạng xuất hiện tại ngã ba, ngã tư các phường 2, 5, 6, 7, rồi cả thành phố rực rỡ cờ cách mạng; lực lượng tù chính trị tự phá khám giải phóng, bung ra chiếm cầu Quây, chợ Mỹ Tho.

Cánh phía Bắc, 2 chi đoàn xe M113 và 2 tiểu đoàn của trung đoàn 16, sư đoàn 9 ngụy đầu hàng, xe thiết giáp, xe quân sự xếp hàng dài từ bến xe (cũ) ra tới ngã ba Trung Lương; binh sĩ cởi bỏ quân phục, bỏ súng rã tại chỗ. Cánh phía Tây, 3 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn của sư đoàn 9 tự tan rã; các đồn, bót khu vực lộ Dừa, đường Lý Thường Kiệt, bến phà Rạch Miễu… bị chiếm. Cánh phía Đông, Tiểu đoàn 514C và 2009B chiếm phân chi khu Gò Cát, hậu cứ tiểu đoàn bảo an 402, vây ép trại Mãnh Hổ, căn cứ thiết đoàn 6…

Đêm 30-4-1975, cả TP. Mỹ Tho không ngủ, chỗ nào có lính là nơi đó có bà con xúm tới vận động bỏ súng, thay đồ lính, có nhiều người lính không có đồ thay được bà con chạy về nhà lấy đồ cho thay rồi họ chia nhiều ngã tìm đường về quê. Các lực lượng biệt động của Thành đội, Thành đoàn, biệt động phường, Liên hiệp Nghiệp đoàn… vây chặt, tiến chiếm các mục tiêu. Cơm nước, bánh trái bà con ùn ùn mang ra đường tiếp tế cho bộ đội như “xuất kho hậu cần” toàn dân; nhiều chiến sĩ quần áo còn bê bết bùn đất vừa đi vừa ăn.

Ngày 1-5, mặt trời còn chưa ló dạng, trên các dãy phố ai ai cũng mở toang cửa nhà, bà con bắt đầu đổ ra đường. Ngoài đường phố đâu đâu cũng vương vãi quần áo lính, giày bố, nón sắt, bình ton, súng đạn; xe quân sự hôm qua quay đầu ra “tử thủ”, bây giờ không còn ai điều khiển, súng trung liên, trọng liên gắn trên xe gục đầu.

Dưới sông, từ vườn hoa Lạc Hồng đến bến phà Rạch Miễu neo đặc tàu chiến không người lái. Mặt trời lên, đường phố chật người, mỗi người một kiểu: Khua thùng, gõ xoong nồi, thau chậu hoan hô cách mạng, hoan hô chiến thắng. Bà con vùng ven các xã Trung An, Đạo Thạnh, Bình Đức, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh… cũng vội vã theo các con đường đổ vào thành phố; mẹ, vợ lính hớt hãi chạy tìm chồng, con.

Xe lam, xe xích lô cắm cờ xanh đỏ sao vàng chạy khắp thành phố. Bộ đội, chiến sĩ tự vệ, thanh niên khu phố đổ xô rảo đi thu gom súng đạn. Dân các nơi đổ về xem thành phố giải phóng - về rồi ra, ra - về suốt ngày đêm.

Ngày 2-5, 8 giờ sáng, một người đến gặp cán bộ quân quản tự giới thiệu là đại diện Đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Hai xin cho Nguyễn Văn Hai được ra trình diện. 12 giờ trưa, Nguyễn Văn Hai đến trình diện.

Suốt cả ngày 2-5 lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân tiếp tục thu gom vũ khí, phương tiện phục vụ chiến tranh mà địch bỏ lại. Đường phố vẫn tràn ngập những dòng người hô vang mừng chiến thắng, cả thành phố vẫn ầm vang tiếng khua thùng, gõ xoong nồi thau chậu. Nhân dân thành phố tiếp tục “mở kho” nhà nuôi bộ đội.

Sáng ngày 3-5, Ban Quân quản thành phố tổ chức họp báo công khai trước sân Bộ Chỉ huy Tiểu khu Định Tường, Nguyễn Văn Hai cầm micro giọng run run nói về việc được cách mạng khoan hồng và kêu gọi anh em sĩ quan, binh lính, chính quyền Sài Gòn ra trình diện.

Có người được hỏi: “Vì sao không ra trình diện sớm?” thì thực lòng trả lời: “Bị nhồi nhét tư tưởng chống cộng, sợ bị trả thù, chưa tin cách mạng có chính sách khoan hồng, bây giờ hiểu rồi” và hứa sẽ nhắn gọi nhiều anh em khác ra trình diện.

… Chuyện trôi qua đã tròn 40 năm, nhắc lại vẫn còn nghe rạo rực niềm vui ngày giải phóng.

Nguyễn Hữu Chí
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 430
  • Khách viếng thăm: 423
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 50604
  • Tháng hiện tại: 1799504
  • Tổng lượt truy cập: 48173631