Ngày ấy, các anh đi

Đăng lúc: Thứ hai - 29/08/2011 07:44
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

(Hoài niệm về chiến tranh bắn phá miền Bắc của Mỹ ở km0 của đường Trường Sơn)

Tuổi thơ chúng tôi giống như những trang giấy trắng tinh thơm nức mà tiếng bom đinh tai nhức óc, tiếng ù ì o o rền rĩ của máy bay B52 của Mỹ chép những dòng đầu tiên không thể nào xóa. Hai màu sắc đặc trưng khắc vô kí ức của tôi hơn 40 năm rồi. Đó là màu xanh của Trường Sơn đại ngàn - màu xanh quân phục của những binh đoàn rầm rập tiến vô Nam và màu đỏ máu tươi trào ra từ những người bị bom Mỹ hủy diệt. Nó ám ảnh đến nỗi không dám nhìn người ta cắt tiết gà, chọc huyết heo bò…

Thị trấn huyện Tân Kỳ nằm ở xã Kỳ Sơn, thường gọi độc một chữ  “Lạt”. Đó là nơi bắt đầu - km0 của đường Trường Sơn huyền thoại. Xích lên phía bắc, ngược nguồn sông Con, cách Lạt 20 km là làng Sen. Nơi tôi cất tiếng ù oa chào trần thế. Làng Sen gọi thế vì có một cái bàu sen rộng hơn chục mẫu, mấy trăm năm theo nhịp điệu vũ trụ cứ ngào ngạt hương đưa. Hình như hương vương trên áo, trên tóc các thiếu nữ trong làng gọi mời bao chàng trai xứ khác không hẹn mà tìm tới? Gái làng Sen da trắng hồng, hát hay và đảm đang nổi tiếng. Có lẽ nhờ mạch đất Trường Sơn, nhờ uống nước sông Con (còn gọi sông Tây Hiếu vì chảy qua nông trường Tây Hiếu). Tôi nghiệm ra: Hình như ai sống bên sông trong xanh tươi mát đều có tiếng nói trong veo và dáng hình xinh xắn?

Làng Sen thời kháng Pháp là nơi sản xuất khí giới đạn dược. Thời chống Mỹ lại là nơi tập kết bộ đội cùng tất cả các loại hàng hóa quân sự tiếp viện cho miền Nam theo đường Trường Sơn. Vì vị trí cực kỳ quan trọng nên nó bị máy bay Mỹ oanh tạc suốt ngày đêm. Chúng chụp không ảnh, cho biệt kích bí mật nhảy dù dò la. Chúng tinh quái và rất khoa học chính xác. Đã nhiều lần ném bom oanh kích trúng kho đạn, kho xăng, trúng đơn vị bộ đội đóng quân, trúng bến phà và ném trúng xe chở hàng quân dụng. Xe cháy còn trơ lại cái khung sắt, chiến sĩ lái xe mất tích hoặc hy sinh được dân làng  mai táng ngay bên đường rải rác
trong rừng.

Phà Bến Thủy sông Lam địa danh giáp Nghệ An - Hà Tĩnh bị bom dội liên tục. Nhà máy điện Vinh phải đào hang trong núi Quyết. Qua Bến Thủy vài chục km là tới ngã ba Đồng Lộc, cái túi bom bỏng rát khủng khiếp, nơi khó tìm một ngọn cỏ xanh nguyên, nơi 10 cô gái ra đi còn để lại tiếng cười trong trẻo tuổi đôi mươi. Ngược dòng Lam đến huyện Đô Lương Nghệ An, ở Truông Bồn, cũng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh ấy, mười ba thanh niên xung phong tan biến trong giờ phút cuối cùng Mỹ phải ngừng ném bom phá hoại hậu phương miền Bắc!

Phà Sen, đoạn vực Lồ, nơi đền Hai Cô Cây Thị, nơi khúc quanh của sông Con cũng là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Vì đây chuyển quân và hàng quân sự từ làng tôi đến km0 - Lạt để đưa vô Nam. Dân quân huyện Tân Kỳ kéo 12 ly 7 lên các điểm cao như Đồi Đá Bạc, Hòn Rô, Ba Xanh Ba Quanh, ngọn núi Bồ Bồ (điểm cao nhất của dãy Trường Sơn ở Tân Kỳ) để bắn chặn máy bay, bảo vệ khu tập kết và điểm xuất phát của đường trường chinh ngày ấy phà Sen ở giữa. Làng tôi nằm phía tả phía bát ngát mênh mang bãi Giang đất sa bồi xanh mướt ngô khoai. Bên kia phía hữu ngạn là dãy Trường Sơn, nơi doanh trại bộ đội hàng vạn chiến sĩ khắp miền hội về chi viện cho tiền tuyến. Có đoàn vừa đến vài ngày đã đi ngay. Có đoàn ém quân cả năm mới chuyển. Nước sông công lính. Làng Sen thành mái ấm gia đình của bộ đội. Nhiều cô gái làng nên duyên với bộ đội. Những trưa hè, trên dòng sông xanh trong chảy êm đềm giữa đôi bờ cát trắng mềm mại, tụi trẻ chúng tôi tắm chung với những chú bộ đội. Chú cháu té nước vui đùa thỏa thích. Cũng có những ngày bom dội xuống sông làm cắt nước tung lên mù mịt như bão sa mạc, cá chết nổi lềnh lang mấy ngày sau còn chưa hết…Nhịp sống thời chiến dứt khoát rõ ràng lắm kia! Vui ra vui. Buồn ra buồn. Khi căng muốn đứt hơi, giận mắt nổ lửa, khi chùng mềm như câu hò buông lơi, thương lòng tuôn mưa mát…? Lời thề hứa với nhau như dao khắc vào đá. Hơn bây giờ giấy tờ con dấu đỏ chót vẫn xé bỏ
như chơi…

Bên này sông là đường 15A qua làng Sen. Xe chỉ chạy khi máy bay ít bắn phá, hoặc đường 15B - đường Trường Sơn tam tắc. Bên kia sông là đường 15B, chạy âm thầm dưới tán rừng thâm u. Hai con đường song song như hai mạch máu chảy vô Nam. Hễ tắc bên này thì lập tức bên kia ào ạt tiến cứ ngày đêm hối hả các anh đi. Có người may mắn quay lại. Và, rất nhiều người mãi mãi không về!

Trong những người lính làm rể làng Sen, tôi nhớ chú Hoè lái xe tăng. Chú là con nuôi của mẹ tôi. Hai anh trai tôi vào chiến trường B (miền Nam). Cha tôi đã mất chỉ có mấy mẹ con côi cút. Cô giáo Loan dưới xuôi lên Tân Kỳ dạy học. Mẹ rước cô giáo trẻ về ở chung nhà cho vui và dạy kèm mấy đứa luôn thể. Cô Loan người thấp đậm, da bánh mật. Tuy dáng không đẹp nhưng bù lại là đôi mắt to lông mi dài cong vút và giọng nói truyền cảm trữ tình. Gặp một lần là nhớ mãi. Chú Hòe dáng cao ráo, mặt thuôn cân đối, lông mày đậm dài như vẽ bằng chì. Cô Loan chỉ đứng tới cằm chú Hòe. Dáng so le vậy mà họ đắm đuối nhau hết biết.
Mẹ nói:

- Do duyên số nó phải thế! Mấy con nghe dặn nhá, khi cô chú chuyện trò thì đi chơi không la cà quấy rầy nghe chưa?

Tôi cũng “dạ” rất to nhưng vẫn hay nấp trong buồng rình nhìn lén cô chú hôn nhau. Chú Hòe phát hiện kêu ra cho bánh lương khô ăn với thịt chà bông Trung Quốc viện trợ. Từ đó quen xem việc hai người hôn nhau cũng như cô Loan vẫn ôm tôi hôn cái cằm chẻ dễ thương của tôi vậy mà. Ai làm gì mặc. Mình chỉ thèm ăn đồ hộp của bộ đội thôi hà! Chủ nhật chú Hòe qua phà Sen ở trong nhà tôi trọn ngày. Mẹ lại xắng xở đi chợ mua thịt gà nấu một bữa ăn thịnh soạn. Bữa trưa, cả nhà ý tứ dành gian giữa có buồng riêng của cô Loan cho hai người tâm sự. Chuyện tình kéo dài gần một năm như mít đến lúc phải chín muồi. Mẹ tôi thay mặt bên gái làm lễ cưới. Chú Hòe dẫn mấy chú trong đơn vị qua với bánh kẹo, rượu chanh Hà Nội và thuốc lá làm lễ cưới đơn giản mà ấm cúng. Chú thực sự như con rể của mẹ tôi. Phòng của cô Loan thành phòng hạnh phúc. Nhà tôi có thêm hai người con. Mẹ vui sướng, mặt tươi cười, gặp ai cũng khoe:

- Con rể lái xe tăng đội cái mũ như phi công vũ trụ, oai lắm ông bà ạ! Mai mốt tui được làm bà ngoại trước. Rồi hai thằng trong Nam về lấy vợ có cháu nội sau
lo gì?

Mấy bà nói rổn rảng và nhổ nước trầu đầy nền nhà đất nện.

Tôi cũng được oai lây. Bạn chung xóm nhìn thèm quá thể. Chúng bảo:

- Phải chi tụi mình cũng có anh rể như thế nhỉ?

Chúng tôi lùa trâu qua bên kia sông thả vô rừng. Mấy chú bộ đội kêu lại cho lương khô với nước mắm khô nhấm nháp sướng mê người. Chúng tôi hào hứng nhìn những đoàn quân đi kín đặc đường rừng, đứa nào cũng mơ lớn lên thành bộ đội! Sướng nhất là nhìn cảnh lính tăng luyện tập. Hơn mười chiếc tiếp nối rung chuyển núi rừng. Những cây to cỡ bắp đùi nó gạt nhẹ cái là ngã rạt. Bánh xích xoay vòng tại chỗ tự đào đất sỏi đỏ ối giấu mình xuống đất như cá chạch ẩn mình, như con cù xoay trên bãi cát quay vòng vòng giấu thân vô cát. Trên bãi cát, lũ trẻ làng Sen hay bắt con cù xoay bằng cách nhổ một sợi tóc buộc vào nó rồi thả vô hang một con khác. Hắn xoay nhanh tìm con kia rồi ôm con kia. Chỉ cần kéo nhè nhẹ lên là bắt được chú nhỏ kia. Dùng cù xoay bắt cù xoay- trò nghịch ngợm của lũ chăn trâu ngày ấy. Xe tăng 54T thần kỳ như cù xoay? Đêm mơ được lái tăng húc đổ đồn thù!

Mỹ lại bắn phá đường Trường Sơn dữ dội. Chúng không từ một đích ngắm nào. Bến phà cầu cống kho tàng thì đương nhiên rồi. Nhưng bệnh viện trường học cũng không tha! Chỉ cần một đốm sáng bằng hạt đổ thôi nếu phát hiện thì chúng cũng đạp xuống dăm trái bom. Một lều chăn vịt giữa đồng làng, mấy ngàn vịt hứng bom ngay lập tức! Lều và người chăn biến sâu hun hút hố bom. Mấy con vịt còn sót lại bị sức ép nằm lê lết giữa ruộng. Một trại trâu kéo gỗ của hợp tác xã trúng “cả chùm” bom. Sáng ngày ra nhìn kinh quá! Những con trâu đực nặng nửa tấn uy phong lẫm lẫm giờ chỉ còn thịt,  lòng bay vương vãi vắt lên tận cành tre. Không biết đâu là máu thịt, trâu đâu là của người! Thanh niên làng Sen tụ họp tại Hội Quán cũng bị sát thương bởi một quả bom lạc loài… Xã tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ một lần vài người từ chiến trường miền Nam báo ra. Hai anh trai vẫn bặt âm tín.
Mẹ khóc thầm trong đêm.

Chú Hòe hành quân gấp không kịp gặp cô Loan. Biết bao người vội vã ra đi mà không kịp nói lời chia tay? Cô Loan trở dạ sinh con trai. Mẹ tôi làm bà mụ. Bệnh viện huyện cách 20km nằm ở Lạt, phải qua phà Sen. Không đi được. Sinh con xong cô bị băng huyết. Cô chết vì kiệt sức. Đứa bé không nuôi nổi. Cả nhà tôi khóc đưa người yểu mệnh ra nghĩa địa làng ở Cồn Ngô… Chú Hòe không trở về. Nghe tin là đã hy sinh do máy bay B52 rải thảm khi đang tiến vào Nam. Cũng có tin là chú bị thương rất nặng vô trại điều dưỡng nhà nước nuôi suốt đời? Không thể nhớ hết vì quá  nhiều người phải đổ máu. Mà tôi còn bé dại, lo học hành chuẩn bị tiếp bước cha anh hành quân nếu chiến tranh còn chưa chấm dứt…

Tết năm nay 2009, sau 26 năm phiêu bạt, lần đầu tiên, tôi được sum họp ăn tết ở quê hương với gia đình. Đường Trường Sơn km0 ở Lạt đẹp hoành tráng. Nhà cao tầng hai bên đường trắng đỏ đua nhau mọc lên. Đường 15A và 15B đều trải nhựa láng bóng. Phà Bến Thủy không còn mà thay bằng cầu Bến Thủy tấp nập xe qua. Bến phà Sen đang thi công cầu Sen bắc qua sông Con. Rồi một ngày không xa, dân làng Sen sẽ ung dung phóng xe qua cầu Sen! Người ta nói “con một cha nhà một nóc”. Nhưng giờ chỉ đúng phần nửa thôi! Con một cha mà nhà năm nóc kia kìa! Nhà thiết kế kiểu Thái hay Ấn gì tôi không rành. Riêng mẹ tôi vẫn còn tỉnh táo dù hơn chín mươi mùa lá rụng. Mẹ và tôi vẫn một lòng nhớ ngày ấy, nhớ các anh từng sống và đi qua nơi này. Chú Hòe, cô Loan khôn thiêng có hóa vô đất đỏ với nước sông xanh không nhỉ?

Ai nhớ ai quên mặc dòng đời. Những cây gia, cây bồ kết, cây gạo cổ thụ bị sét đánh hoặc bị người chặt hết. Mình tôi xách ba lô cùng ký ức lấp lánh thời chiến tranh tàn khốc lội ngược phía miền xa. Phía sau phà hóa nên cầu. Miếu hai cô Cây Thị như vẳng tiếng cười: “Lão lẩn thẩn ơi! Cầu hiện đại văn minh hơn không cầu sao lại rơi nước mắt vì những chuyện xa lơ xa lắc?”.
Biết nói gì? Cõi tâm linh có lối riêng của nó.

Nguyễn Thanh Xuân
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 431
  • Khách viếng thăm: 415
  • Máy chủ tìm kiếm: 16
  • Hôm nay: 46788
  • Tháng hiện tại: 2211448
  • Tổng lượt truy cập: 46178681