Làng chổi Vĩnh Hựu

Đăng lúc: Thứ năm - 28/02/2013 15:46
VNTG- Dù là người Tiền Giang nhiều năm, nhưng có lẽ ít ai biết được trong tỉnh mình có một làng chuyên làm chổi bằng que dừa. Đó là làng Vĩnh Hựu, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.
Từ cầu Quây TP Mỹ Tho, theo đường Đinh Bộ Lĩnh, ta cứ thẳng về hướng Gò Công.  Đi độ 25cây số sẽ tới ngã ba Hòa Đồng, quẹo phải chừng vài ngàn mét, thì tới thị trấn Vĩnh Bình. Làng Vĩnh Hựu nằm sát ranh với thị trấn nầy, nương mình theo bờ kênh Rạch Vồng quanh năm êm ả.
Vĩnh Hựu là xã có diện tích dừa lớn nhất Gò Công Tây (650 ha); xã gồm 5 ấp, có hơn 2.800 hộ dân, mà có trên 500 hộ làm nghề bó chổi.

Nói là “làng chổi Vĩnh Hựu”, nhưng kì thực nghề nầy chỉ tập trung tại các ấp Bình An, Thạnh Thới, đặc biệt là tại ấp Phú Quí, thì dường như hộ nào cũng làm nghề thủ công này. Với những ấp còn lại, theo lời bà con nói thì “nhà có nhà không”!
Đi dọc ngang trong ấp Phú Quí để tham quan, chúng tôi thấy “người người bó chổi, nhà nhà bó chổi”.
Đến nhà anh Tư Dũng, một hộ làm chổi nhiều đời tại ấp, anh cho biết: Ban đầu người trong làng bó chổi bằng cây ráng, một loại cây mọc hoang dã khá nhiều ở các mương rạch. Trong lúc nông nhàn, họ bó chổi ráng với mục đích là để dành xài hoặc biếu người thân; sau đó có người hỏi mua, và họ mới nảy sinh ra làm nhiều để bán. Thấy “làm ăn được”, nên người nọ nố­­i bước người kia. Thế là hình thành một Xóm chổi
Xóm chổi ban đầu chỉ vài chục hộ, nhưng cũng đủ làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu trời cho là cây ráng nầy. Nó không sao cung ứng nổi lượng cầu mỗi lúc càng nhiều của người dân thành thị. Người ta bèn nghĩ ra dùng tàu cau thay thế, bởi lúc đó tại Vĩnh Hựu cau trồng rất nhiều. Họ bèn “làm thử”, thì thấy chổi tàu cau có phần đẹp mắt hơn, coi “sang” hơn! Thế là chổi tàu cau ra đời thay thế chổi ráng.
Nhưng chổi tàu cau lại bị yểu mạng như người anh chổi ráng của nó bởi chiến tranh liên miên tàn phá không thương tiếc những vườn cau lớn nói riêng, và mọi thứ nói chung; phần vì càng về sau, trái cau không  được thị trường ưa chuộng, nên không ai nghĩ sẽ “gầy” lại những vườn cau nổi tiếng một thời năm xưa!
Lại thêm một lần nguyên liệu cạn kiệt, thì lại thêm một lần người ta “làm thử” chổi bằng tàu dừa, loại nguyên liệu luôn có mặt bất cứ nơi nào trên đồng bằng sông Cửu Long.
Chổi bằng tàu dừa tuy không  bắt mắt bằng chổi tàu cau, nhưng nhờ nguyên liệu ổn định nên tuổi thọ kéo dài cho tới ngày nay, và chắc chắn còn lâu hơn nữa.
Bó chổi tuy không cần kĩ thuật cao; người “sáng dạ” nhìn qua một lần là có thể làm được. Dù vậy, nghề nào cũng có “tay nghề” của nó.
Để hình thành một cây chổi, trước hết người ta phải “chuốt que” . Chuốt que là dùng dao nhỏ làm sạch hai phiến lá hai bên, chỉ chừa lại cọng gân ở giữa (phần thường dùng… xỉa răng!), mà từ chuyên môn là “que”. Việc làm nầy tuy nhẹ nhàng nhưng chiếm rất nhiều thì giờ: Mỗi người ngồi ròng rã mà chỉ chuốt được 10kí/ngày, nên không thể nào đáp ứng được yêu cầu người làm chổi, nên họ phải mua que từ “lái que”, tức là người thu mua que các nơi đem về “bỏ” lại.

Chị Nguyễn Thị Xuân Thủy (chị chín) là “lái que” lâu năm ở ấp Phú Quí cho biết: Có hai loại que:  “Que khô” là loại que được làm từ những tàu dừa khô lá đã rụng xuống, giá chỉ 2.500đ/kg. “Que tươi” là que được làm từ những lá dừa còn xanh (nhưng cũng phải phơi khô trước khi bán). Que tươi làm chổi bền hơn, nhưng giá đắt hơn nhiều (8.500đ/kg), nên chỉ dùng cho “hàng đặt”.
Kế đó là lựa những que nào ngắn thì “làm mái” (phần để quét); còn que nào dài thì để làm thân, làm cán.
Làm “mái” là ốp những que vào thân chổi. Công việc nầy quyết định sản phẩm có bắt mắt hay không.
Sau đó là “làm cán”. Trước kia người ta dùng những thanh tre vót mỏng kẹp xen kẽ với bẹ dừa cũng được chẻ ra theo một kích thước cần thiết. Điều nầy làm cho cây chổi cứng hơn, chặt hơn, do đó độ bền của chổi cũng lâu hơn, nhưng lại tốn công  và vốn nhiều hơn nên chỉ dành cho “hàng đặt”. Ngày nay “hàng đặt” người ta cũng chỉ dùng những bẹ dừa chẻ nhỏ, bỏ hẳn những nẹp tre vì nó tốn tiền, tốn thì giờ và dễ bị đứt tay cho người sản xuất cũng như người sử dụng.
Với “hàng chợ”, cán chỉ được làm bằng những que dài. Nhưng dù cán được làm bằng cách nào thì sau khi làm xong, người ta cũng phải dùng những bẹ dừa chẻ nhỏ ra, chót nhọn, dài ngắn, to nhỏ  khác nhau mà “nêm” vào cán chổi cho đến khi nào thấy không còn lỏng lẻo thì thôi.
Cuối cùng là kiểm tra lại coi que nào “mất trật tự” thì cắt bỏ đi cũng như sửa lại những thân chổi cong queo thiếu tính thẩm mĩ.
Tai nạn lao động dù mức độ không đáng kể nhưng lại thường xảy ra. Trong quá trình làm chổi, việc “nặng” nhất là siết dây vào thân, cán chổi: Một đầu dây được quấn vào nọc được đóng chặt xuống đất; đầu kia được buộc vào thân, cán chổi rồi vừa kéo mạnh, vừa xoay vòng. Kéo càng mạnh thì thân chổi càng dẽ dặt. Thường thì dùng dây gân 2 li, không ít trường hợp dây bị đứt, bắn vào cổ, vào ngực gây trầy xước, rát cả da. Với “hàng đặt”, người ta dùng dây kẽm thay cho dây gân, trường hợp nầy nếu dây đứt thì đổ máu như chơi!
Trung bình mỗi người bó được 25 cây chổi/ngày, giá mỗi cây nếu “bỏ” cho lái, sau khi trừ chi phí cho thợ, nguyên liệu…, thì kiếm được chừng 1.000đ/cây, nếu “bán thẳng” thì thêm được 1000đ nữa. Thường thì bà con chỉ bán cho lái bởi “không vốn và không có
 công đi”.
Cây chổi của Vĩnh Hựu giờ đây đã vượt ranh giới tỉnh, có mặt khắp các tỉnh miền tây, lên TP Hồ Chí Minh, và ra tận Vũng Tàu!
Kha Tiệm Ly
(Theo VNTG số 48)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 209
  • Khách viếng thăm: 193
  • Máy chủ tìm kiếm: 16
  • Hôm nay: 9112
  • Tháng hiện tại: 2241662
  • Tổng lượt truy cập: 46208895