Chiều xuân

Đăng lúc: Thứ năm - 27/05/2010 08:27
Nhà thờ Thánh Tâm (Gò Công)

Nhà thờ Thánh Tâm (Gò Công)

Lần đầu tiên đến Gò Công, một chiều xuân, tôi được chỉ dẫn, thấy tháp chuông nhà thờ cao cao… là thị xã Gò Công đó.

Những người cao tuổi cho biết, khi mới được xây dựng, nhà thờ Thánh Tâm là công trình kiến trúc đẹp trong thị xã Gò Công. Đi từ Sài Gòn xuống, từ Mỹ Tho tới hay từ dưới biển lên, từ xa đều nhìn thấy gác chuông nhà thờ Thánh Tâm. Gác chuông nhà thờ đẹp, mái hình chóp nâng thánh giá vươn cao. Chiều chiều, trong tiếng chuông ngân nga, những giáo dân đi lễ thong thả bước vào khuôn viên nhà thờ…

Tôi đến sống và làm việc ở Gò Công từ cuối năm 1975, ở gần nhà thờ Thánh Tâm, nhiều năm đi làm sáng chiều hai buổi đạp xe qua những con đường men theo khu vườn rồi ngang qua cổng nhà thờ. Tôi nhớ, những con đường không rộng, hai chiếc xe hơi tránh nhau là choán hết mặt đường trải nhựa. Từ lề đường vào tới hàng rào nhiều nhà, vườn, kể cả vườn nhà thờ chỉ là cỏ. Cỏ mọc muốn che khuất rào kẽm gai, cỏ mọc cao trùm cả hàng rào, vài con dê, cừu có khi là con bò, con ngựa kéo xe buộc bên hàng rào gặm cỏ. Khu vườn  nhà thờ rất rộng trồng chuối. Tháp chuông nhà thờ cao và vườn chuối rộng hình như thiếu hài hòa. Rồi mùa mưa tới, chưa nhìn quen mắt thì những khóm chuối vươn những tàu lá xanh um che khuất tầm nhìn, phía trong lại được trồng mấy bụi tre lớn bao quanh những mái nhà thấp mới dựng. Bóng chuối, bóng tre, rồi mái nhà che khuất một phần phía sau thánh đường. Chỉ còn nhìn thấy phía trước nhà thờ, có tượng Đức Mẹ chính giữa sân rộng, phía sau là tháp chuông. Gần ba mươi năm làm việc ở Gò Công, tôi chưa một lần bước chân vào nhà thờ, vì mình là người ngoại đạo nhưng cũng một phần vì cảm thấy những bụi tre ngày càng vươn lên, vườn chuối ngày càng ken dày, không gian nhà thờ dường như khép lại và cách biệt…

… Ai đi xa lâu, nay về thăm quê hẳn sẽ rất ngạc nhiên bởi Gò Công đang đổi mới.

 Nét mới nhất là những con đường.

Đường từ bến phà Cầu Nổi về thị xã Gò Công hơn chục cây số, ngày trước gọi là Lộ Dương, vì xưa kia hai bên đường là những cây dương (còn gọi là phi lao), gốc to hơn một vòng tay ôm, dáng vươn cao, lá xanh nhọn rì rào du dương trong gió nhưng mặt đường thì hẹp lại lồi lõm ổ gà, nhiều đoạn trơ đá, lổn nhổn gập ghềnh, dấu tích của những năm tháng chiến tranh. Bây giờ, cái tên Lộ Dương ít người còn nhớ, vì những gốc dương xưa không còn, mặt đường mở rộng hơn hai mươi mét trùm lên lấn vào những mảnh ruộng xưa hai bên lộ. Đường mang tên mới, Quốc
lộ 50. Hơn chục cây số từ bến phà Cầu Nổi vào thị xã vẫn đang ngổn ngang nhưng bắt đầu vào tới thị xã thì đường đã hoàn toàn khác. Mặt đường rộng hơn hai mươi mét, cao vượt lên, nhựa trải phẳng, sơn kẻ đường rõ ràng, vỉa hè lót gạch, cây ven đường đã lên xanh, đèn cao áp hai bên, đèn tín hiệu xanh đỏ…

Thị xã Gò Công trước mắt ngỡ ngàng của bạn như đang có một khuôn mặt mới. Vẫn là cô gái quê biển năm xưa nhưng hôm nay đang tự tin bước vào thập kỷ hai mươi của thế kỷ 21. Nét mới và tự tin chính là những con đường trong thị xã.

Những con đường cũ đã thay dáng mới. Nhà phố vẫn đứng nguyên nhưng vỉa hè thu hẹp lại, nhường chỗ cho mặt đường mở rộng, dư dả cho hai làn xe hơi và xe hai bánh qua lại. Những con đường đất xưa được mở ra, nhà hai bên lui lại nhường cho con đường trải nhựa vươn dài. Những con đường mới mở thì rất đàng hoàng song đôi đón chờ những dãy nhà phố mới. Những con đường nối với huyện Gò Công Đông ra biển, nối với huyện Gò Công Tây với Chợ Gạo, Mỹ Tho mở rộng… như những mạch máu mạnh khỏe nuôi sống và tiếp sức cho một cơ thể đang vươn vai lớn dậy. Mới theo những con đường là những công trình xây dựng đồ sộ tiện nghi thay thế những ngôi nhà cũ đã xuống cấp, những căn nhà lá nghiêng xiêu. Một sức sống mới lan tỏa theo những con đường, những công trình mỗi ngày mỗi đẹp hơn. 

Tôi trở lại Gò Công trong những ngày đầu tiên của
năm 2010.

Thích thú, thong thả, tôi đi bộ theo những con đường trong phố, đi qua những ngôi nhà cũ, những công trình mới … như đi thăm những người bạn.

Những mái ngói âm dương, những chữ bảng hiệu cửa tiệm của người Hoa từ cuối thế kỷ 19 vẫn còn trên đường Rạch Gầm. Đình Trung, ngôi đình nguy nga của làng Thành Phố ngày xưa, một thời gian làm nhà kho của Hợp tác xã Bình Minh, nay đã trở lại vẻ đẹp vốn có của một công trình kiến trúc lộng lẫy là nơi thờ cúng trang nghiêm, một niềm tự hào của người dân thị xã. Bức tượng Trương Định do nhà điêu khắc Diệp Minh Châu sáng tác đã được đúc đồng đường bệ vẫn hiên ngang mà thanh thoát nơi công viên tượng đài, giao điểm của hai con đường lớn mang tên hai người anh hùng dân tộc, đường Trương Định và đường Nguyễn Huệ. Đằng sau bức tượng, đường Trương Định mới được nối dài, song đôi, rực rỡ ánh đèn, mở ra hai dãy phố mới trong tương lai…

Đường Trần Hưng Đạo mở rộng, hai bên đường là những tòa nhà to đẹp làm trung tâm hành chính, lãnh đạo của thị xã Gò Công.

Đường Nguyễn Văn Côn mở rộng… sao tôi cứ ngỡ ngàng như lạ như quen. Vẫn còn đây Dinh tỉnh trưởng xưa. Ngôi trường trung học Gò Công xưa nay vẫn là Trường phổ thông trung học Trương Định. Sân vận động Gò Công vẫn thênh thang một không gian lồng lộng nắng gió. Vẫn còn đây…

A…! Tôi đã nhận ra, như nhận ra người quen, khi tôi mới đến Gò Công 35 năm trước. Đó là tháp chuông nhà thờ Thánh Tâm vươn cao trong dịu dàng nắng đẹp chiều xuân.

Bạn tôi, một nghệ nhân hoa kiểng đưa tôi vào vườn hoa trong nhà thờ. Anh chỉ cho tôi những chậu cây cảnh, chậu hoa bên những lối đi lót gạch được sắp đặt thẩm mỹ. Bên ngoài hàng rào, mấy cô bé học sinh áo trắng gọi nhau và chỉ vào vườn hoa nhà thờ. Anh đưa tôi vào thăm vườn kiểng. Rất nhiều lan. Các loại xương rồng. Và những lồng chim. Chim yểng thấy người, kêu có khách, có khách, tiếng non nớt vui vui. Vừa cho chim ăn, anh vừa nói vui, tôi như là người của nhà thờ rồi. Anh kể, khi mới về nhận xứ đạo Gò Công, linh mục nói với tôi, muốn tạo một vườn hoa, cây kiểng cho nhà thờ thay bỏ vườn chuối, bụi tre và mời tôi góp tay. Rất hoan hỉ, tôi và nhiều người mang chậu kiểng, chậu bông tới tặng nhà thờ. Tôi chăm sóc bông, sửa cây kiểng. Cha muốn sắp xếp trưng bày thế nào, đều bàn với tôi. Tôi cũng nói ý mình, các bạn khác cũng góp ý, rồi Cha cùng chúng tôi thực hiện. Vườn hoa này là của nhà thờ thì đúng rồi, nhưng nói là của chúng tôi cũng không sai và nói là của mấy cháu gái đang thơ thẩn trong vườn kia thì còn đúng hơn, vì chúng tôi những người già làm mà bầy trẻ chúng nó được thụ hưởng nhiều nhất. Không chỉ vườn hoa này, Cha còn có nhiều dự định, có việc đã xong, có việc đang làm, có việc sẽ làm, tôi chắc mọi việc đều đẹp lòng giáo dân xứ đạo này.

Linh mục Phê rô Nguyễn Phước Tường tiếp chuyện chúng tôi niềm nở. Ông nói rất tự hào, rằng mình đã được đi thăm tất cả các nhà thờ trên đất nước Việt Nam, biết nhiều nhà thờ đẹp và khẳng định, nhà thờ Thánh Tâm là một trong những nhà thờ đẹp. Nhà thờ được xây dựng trên một khu đất đẹp nhất của trung tâm thị xã Gò Công. Kiến trúc nhà thờ theo phong cách Gô-tich, vươn cao, bước vào thánh đường cảm thấy tâm hồn thư thái lâng lâng. Ông về xứ đạo đầu tháng 4-2005, nhận ra nhà thờ đã xuống cấp. Những lá sắt ở mái tháp đã nổ, sét, thấm nước mưa. Những viên ngói cũ, chữ nung còn sắc nét nhưng mặt ngói đã xỉn màu. Vòm cung thánh đã có những nứt nổ, trét tạm chắp vá. Kể từ khi được khởi công xây dựng năm 1940, tính tới năm 2005 là 65 năm chưa một lần tu bổ sửa chữa. Nếu không kịp thời sửa chữa tôn tạo thì một công trình kiến trúc đẹp của Gò Công có nguy cơ bị hỏng. Thêm nữa sự sắp xếp hiện có, vườn chuối, bụi tre, nhà nghỉ đang làm giảm vẻ đẹp của nhà thờ. Ông mời những người bạn kiến trúc sư tới, cùng ông xem xét và đề ra một hướng quy hoạch tổng thể tôn tạo vẻ đẹp của nhà thờ. Ông trình lên bề trên, được phép. Ông xin phép chính quyền, được ủng hộ. Ông thông báo trong họ đạo, được tán thành. Tháng 10-2005, ông bắt tay vào thực hiện.

Việc đầu tiên là tôn tạo sửa chữa nhà thờ. Là người đã từng xây dựng một số nhà thờ mới trong giáo phận, ông mời những thợ giỏi, những kiến trúc sư về góp ý, giúp sức cùng những người thợ Gò Công tu sửa. Tháp chuông cao 40 mét được tu bổ, chắc chắn. Từng viên ngói xưa được tháo gỡ, cọ rửa và được phun một  lớp sơn để vẫn giữ được màu đỏ sáng mà không còn bị bám bụi xỉn vì mưa nắng xứ biển. Vòm cung thánh được làm lại toàn bộ, chắc chắn, liền lạc, sáng đẹp. Những rườm rà bày biện được dỡ bỏ để hiện ra nguyên vẹn Gian cung thánh hình vòng cung trang trọng thanh thoát và tôn nghiêm. Những khuôn kính được lau rửa sáng sủa đón những luồng ánh sáng rực rỡ tràn ngập Thánh đường. Tường được cạo sạch lớp vôi cũ và sơn mới. Gạch lát nền được thay mới. Cửa và bàn ghế được sơn bóng lại cho cùng tông màu của toàn bộ thánh đường. Ông đưa tôi vào thăm nhà thờ. Tôi bỡ ngỡ và thán phục. Và phần nào cũng cảm nhận được cảm giác thanh thoát lâng lâng trước một công trình kiến trúc đẹp. Ông giới thiệu với tôi dàn âm thanh hiện đại, những ti vi màn hình tinh thể lỏng hiện đại trong nhà thờ. Ông giới thiệu những chùm đèn pha lê đặt mua từ chính hãng đang treo trong thánh đường. Ông muốn, nhà thờ không chỉ là nơi làm lễ, mà còn phải là nơi mà giáo dân được hưởng những thành tựu kỹ thuật hiện đại làm phong phú hơn đời sống tâm linh, được hưởng thụ và thưởng thức phần nào thành tựu của nghệ thuật và kỹ thuật. Ông nói vui, nhà thờ được tôn tạo sửa chữa đẹp rồi thì những việc xây dựng công viên, vườn hoa kiểng rất nhẹ nhàng. Gạch lát nền cũ trong thánh đường được đưa ra làm lối đi trong công viên, trong vườn lan. Giáo dân thấy nhà thờ đẹp thì đưa chậu hoa, cây kiểng tới làm đẹp thêm và cũng là nơi dạo chơi, thư giãn cho người lớn, nơi vui chơi của trẻ nhỏ. Vui với cảnh đẹp thì bớt đi những xào xáo trong gia đình, con người sống vui vẻ an lành.

- Việc sửa chữa nhà thờ đã xong, bây giờ tôi đang thực hiện công trình ba trong một.

- Tại sao lại là công trình ba trong một?

Linh mục đưa tôi ra ngoài sân trước, nơi những người thợ xây đang tất bật với một công trình xây dựng và giải thích. Bệ tượng tròn cao kia sẽ là nơi di dời tượng Đức Mẹ tới. Phần sân rộng phía trước sẽ là khán đài để tổ chức các cuộc lễ ngoài trời hay là nơi ca múa sinh hoạt văn nghệ. Còn hai dãy bệ cao, ngăn từng ô nhỏ và có mái che sẽ là nơi an táng tro cốt của những người trong họ đạo. Đó là phần sáng tạo của nhà thờ.

Ông cho biết, khi nhà thờ mới xây dựng, bước qua cổng, ngước nhìn lên là thấy tượng Chúa. Sau này, khi để tượng Đức Mẹ phía trước, thì làm giảm sự tập trung vào tượng Chúa. Di dời bức tượng Đức Mẹ sang bên thì vẫn đảm bảo sáng danh Đức Mẹ và càng tôn vinh tượng Đức Chúa, đồng thời tạo được khoảng sân rộng phía trước, để xe hay sinh hoạt ngoài trời cũng thuận tiện. Hai lợi ích trong một công trình là tốt rồi. Nhưng khi chuẩn bị khởi công thì lại có một nhu cầu cấp thiết khác. Đó là nơi an táng của người dân công giáo. Nghĩa trang công giáo không có. Nghĩa trang nhân dân ở phường 3 thị xã không còn khả năng tiếp nhận. Vậy người công giáo qua đời thì an táng thế nào. Khi gia đình có người nằm xuống, đau buồn tổn thất đã đành mà tìm nơi chôn cất là vấn đề lớn. Nhà giàu có, nếu không được chuẩn bị trước thì lúc đó đi mua đất cũng khó, mà nhà nghèo thì lại càng thắt ngặt. Bây giờ đất là bất động sản, đâu có thể nguyên vẹn yên ổn mãi. Nếu người ta phải bán đất thì mồ mả sẽ ra sao? Nhiều người già đến than với tôi, cả người trẻ mà lo xa cũng đến hỏi tôi. Nói sao đây? Làm sao đây? Nhớ tới những hình thức an táng tro cốt ở các nước đã và đang làm, tôi nghĩ tới việc có thể kết hợp để ứng dụng công dụng thứ ba của công trình… Tôi vừa vui vừa lo, vì trong giáo phận chưa có tiền lệ. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ, tôi thấy đó là hướng tốt. Tôi lại trình lên bề trên. Bề trên lại cho phép. Tôi lại xin phép chính quyền. Chính quyền và Mặt trận ủng hộ, vì nó giúp một phần giải quyết vấn đề quỹ đất và môi trường của thị xã. Tôi trình bày trong xứ đạo thì mọi người đều hoan hỉ. Đó là công trình ba trong một của nhà thờ đang thực hiện.

Khi tôi hỏi về nguồn kinh phí thực hiện thì linh mục nói rất tự tin, rằng khi đã làm vì mọi người thì mọi người lại giúp mình vượt qua những khó khăn rất hiệu quả. Nếu tính giá thị trường thì là con số không nhỏ. Nhưng đây là làm cho nhà thờ, cho xứ đạo nên xứ đạo chung tay góp sức góp công góp của rất nhẹ nhàng. Linh mục cho biết, những người bạn kiến trúc sư nói rất rõ, kiếm tiền thì đâu cũng kiếm được, nhưng đóng góp với nhà thờ thì là niềm tự hào của những người muốn đóng góp cống hiến cho cộng đồng. Những người khác thì tùy khả năng, ai cũng đóng góp, họ nói rõ là đóng góp cho cha mẹ họ, cho chính họ, cho con cháu họ sau này nên mọi việc đều thuận lợi và tốt đẹp.

Tôi nhớ lời cụ già 86 tuổi, ở phường 2 khoe với tôi. Cụ nói, từ ngày về xứ đạo, ông Cha Sở làm nhiều việc hay lắm. Cha không xin tiền, nhưng tuần nào Cha cũng thông báo những ai đã góp bao nhiêu tiền, tiền đô Mỹ có, tiền ơ-rô có, tiền Việt có, cứ triệu triệu không hà. Tôi cũng góp. Con tôi cũng góp. Tôi cứ nghĩ rằng mình nằm xuống thì đã có chỗ an táng rồi, con tôi khỏi phải lo, tôi thì thỏa mãn. Tro cốt mình nằm đó, chiều chiều được nghe tiếng chuông nhà thờ, nghe Cha giảng đạo, nghe trẻ con nó múa hát, chiều nào cũng được con cháu đi lễ nhà thờ rồi ghé thăm thì còn gì mà không vui. Tôi lại nhớ lời Cha Tường nói đơn giản, người già mà yên tâm về hậu sự thì vui vẻ và sống thọ, con cháu thì yên trí làm ăn, vậy là gia đình yên vui ...

Tôi hỏi thăm về những công trình dự định sắp tới, Cha Tường cười, nói với tôi chậm rãi như lời tâm sự. Nhà thờ Thánh Tâm là một công trình kiến trúc đẹp trong giáo phận. Nhà thờ cần một không gian đúng mức để thể hiện nét đẹp của nó. Đợi Tết Nguyên đán này, khi  công trình ba trong một xong rồi, tôi sẽ tiếp tục những công việc khác để trả lại vẻ đẹp của nhà thờ. Như ở Gian cung thánh, bỏ hết những bày biện rườm rà, chỉ cần ánh sáng chiếu ban ngày qua các cửa sổ, ban đêm thắp những chùm đèn pha lê là rực rỡ, lung linh, trang nghiêm và tôn kính. Được gìn giữ và tôn tạo nhà thờ là niềm vui của tôi. Tôi vui thì tôi càng có sức khỏe để phụng sự xứ đạo Gò Công…

Tạm biệt Linh mục Nguyễn Phước Tường, chúc Cha sức khỏe và thành công, tôi nhớ tới lời của một người bạn, rằng năm nay Cha Tường đã 63 tuổi rồi, không biết Cha còn ở xứ đạo Gò Công bao lâu nữa, nhưng chắc chắn những công trình Cha tôn tạo và xây dựng sẽ giữ gìn được những nét đẹp lâu bền trên mảnh đất và đậm nét trong lòng người Gò Công.

Chiều xuân, nhiều bầy chim én đang bay lượn trên bầu trời Gò Công. Bên những con đường lực lưỡng vươn dài, cùng với nhiều ngôi nhà cao đẹp đang tô điểm cho cuộc sống thì cũng có những ngôi nhà cao với cấu trúc đặc biệt để mời gọi chim én về làm tổ. Chim én làm tổ ngay giữa thị xã Gò Công xinh đẹp là một nét mới hứa hẹn một nghề mới và những thu nhập cho người dân. Những bầy chim én đang bay lượn, tháp chuông nhà thờ Thánh Tâm vươn đẹp cùng tiếng chuông ngân nga trong ánh nắng chiều… tất cả đã gợi trong tôi sự sung túc đầy đủ sẽ ngày càng gần thêm trong cuộc sống. Tôi mường tượng niềm vui của giáo dân Gò Công trong ngày Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 đón mừng công trình “ba trong một” của nhà thờ. Tôi thầm biết ơn những con người sáng tạo làm giàu và xây dựng, giữ gìn vẻ đẹp trong cuộc sống hôm nay. Dải đất tươi xanh bên bờ biển Đông đã trải qua bom đạn và nghèo khổ nhiều năm, bây giờ đang hối hả sải những bước mạnh mẽ trong hòa bình và xây dựng. Gò Công như cô gái xứ biển tươi tắn, đang tự tin trong những bước đi lên đời sống giàu đẹp và thanh bình. Văng vẳng từ nhà ai câu hát quen thuộc của nhạc sĩ tài danh Văn Cao làm lòng tôi thêm xao xuyến: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ ngân…”

(Trại Bút ký Tiền Giang)

Nguyễn Tri Nha
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

nhà thờ, thị xã

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 153
  • Khách viếng thăm: 149
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 17803
  • Tháng hiện tại: 2250353
  • Tổng lượt truy cập: 46217586