Nghệ sĩ Hải Phượng: "Tôi không có nhu cầu nổi tiếng"

Đăng lúc: Thứ năm - 13/12/2012 09:46
Hai mươi năm qua, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc lần thứ nhất (được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao Động TP.HCM năm 1992), bằng ngón đàn tài hoa, Hải Phượng đã trở thành một tên tuổi hiếm hoi trong số những nghệ sĩ trẻ đương thời, đủ sức chinh phục khán giả trong nước và thế giới, về cái đẹp tinh tế đến huyền ảo của âm nhạc dân tộc.
Khác với dáng vẻ thướt tha pha chút điệu đàng trong chiếc áo dài truyền thống và suối tóc mượt mà mỗi khi biểu diễn bên cây đàn tranh, nghệ sĩ Hải Phượng trong cuộc sống đời thường là một người tính tình bộc trực, tác phong nhanh nhẹn và trang phục giản dị, gọn gàng. Giữa cơn sốt “nấu sôi” dư luận của những The Voice, Bài hát Việt, Vietnam’s Got Talent, Thử thách cùng bước nhảy… tưởng đâu những người làm âm nhạc dân tộc như Hải Phượng hẳn rất rảnh rỗi, nào ngờ, vừa thấy chị chào mừng Liên hoan “Nhân tài đất Việt” ở Hà Nội bữa trước, bữa sau đã nghe tin “cây đàn tranh” có mặt tại Tuần Châu diễn cho đại biểu dự hội thảo về du lịch ở Hạ Long, rồi tiếp đến là một chuyến đi Phú Quốc đang chờ…


* Vậy thì, đâu phải chỉ có ca sĩ thời thượng mới sấp ngửa chạy sô, có lẽ không ít người sẽ bất ngờ và tò mò muốn biết, nhờ đâu mà một cây đàn “nền nã” và kén khách lâu nay như đàn tranh bây giờ cũng đủ sức nhào vào đường đua thương hiệu? Người ta còn tò mò hơn nữa khi biết trong buổi biểu diễn vừa rồi ở Tuần Châu (Hạ Long), đàn tranh Hải Phượng đã xuất hiện như một thành viên trong dàn hòa tấu nhóm Saigon Big Band của nhạc sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Đưa đàn dân tộc vào nhạc jazz, nghe có vẻ hơi lạ?


- Thời điểm cuối năm cũ đầu năm mới là thời điểm người ta tổ chức nhiều cuộc hội hè, tổng kết, liên hoan, gặp mặt… và cuộc vui nào cũng cần có âm nhạc nên chúng tôi gọi thời điểm này là mùa “sô”, gần như năm nào cũng vậy. Thuê ca sĩ hát tân nhạc nhiều quá cũng nhàm, nhiều nơi người ta muốn đổi món bằng cách đưa vào chương trình một số tiết mục âm nhạc dân tộc cho “thực khách” đỡ ngán. Nhờ vậy, tôi mới có nhiều lời mời và hăng hái tham gia, xem đây là cơ hội tốt để mình quảng bá âm nhạc dân tộc với công chúng. Saigon Big Band là nhóm nhạc jazz do anh Trần Mạnh Tuấn thành lập, quy tụ khoảng từ 20 đến 30 thành viên, dự định sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả ở những không gian rộng như quảng trường, sân khấu lớn, sân vận động... Hầu hết nhạc cụ của nhóm là kèn và hiện chỉ mình tôi góp vào đàn tranh, đàn T’rưng. Nhóm Saigon Big Band này đang trong thời kỳ thai nghén, chưa ra mắt chính thức. Buổi diễn ở sân khấu Tuần Châu (Hạ Long) vừa rồi, trước các đại biểu đến từ nhiều nước trong cuộc hội thảo về du lịch Hạ Long, được xem như một buổi diễn thử nghiệm để thăm dò, và thật vui là chúng tôi đã nhận được sự phản hồi rất tích cực từ người xem, như đoàn nhà báo châu Âu cho biết rằng họ rất thích. Thật ra, việc phối hợp nhạc jazz và các nhạc cụ dân tộc như tranh, T’rưng, bầu… không phải là chuyện mới. Nhiều nơi, nhiều nghệ sĩ trên thế giới, cũng đã từng làm, như ở Ấn Độ, người ta phối hợp với trống và đàn Sita. Ở VN cũng đã từng diễn ra, như trong Liên hoan Âm nhạc châu Âu vừa rồi, nhưng vì điều kiện, chỉ bó hẹp trong giới chuyên môn biết với nhau. Bây giờ, Saigon Big Band đang nhắm tới việc sẽ đưa những điều ấy đến với quảng đại quần chúng.

* Hải Phượng được xem là “con nhà nòi” vì có mẹ là Nhà giáo ưu tú đàn tranh Thúy Hoan, nhưng trước nữa, bên ngoại không ai theo nghề, vậy cơ duyên nào mẹ chị đến với đàn tranh. Và nếu như không theo đàn tranh, Hải Phượng sẽ làm nghề gì?

- Ông ngoại tôi trước kia là nhà báo, tuy không trực tiếp theo nghệ thuật nhưng yêu văn nghệ. Có lẽ chút “máu” văn nghệ đó của ngoại đã truyền sang cho mẹ tôi. Mẹ tôi kể rằng ngày còn nhỏ, một lần bà đến nhà người quen chơi, thấy người ta đánh đàn tranh thích quá, bèn xin phép ông ngoại thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Mẹ may mắn được các nhạc sư lỗi lạc như Nguyễn Hữu Ba, Vĩnh Bảo… trực tiếp hướng dẫn và bà đã tốt nghiệp năm 1968. Khi tôi hãy còn là một đứa trẻ mới bắt đầu nhận biết, đã thấy mẹ chơi đàn, dạy đàn. Và lúc tôi được năm tuổi, đi học một buổi, một buổi ở nhà rảnh rỗi không biết làm gì, mẹ đưa cho cây đàn để tập. Không hiểu sao, ngay khi nghe những âm thanh đầu tiên phát ra từ cây đàn do chính tay mình gảy, tôi đã cảm thấy rất thích thú và cứ thế mải mê “chơi”, không màng gì đến những trò chơi khác. Đến bảy tuổi, tôi chính thức vào Nhạc viện, và ngày ngày theo mẹ đến trường, học một cách vui vẻ, thoải mái. Từ nhỏ đến lớn, tôi học đàn từ mẹ, hưởng trọn niềm say mê cũng từ mẹ, hai mẹ con như cùng dắt nhau đi trên con đường “độc đạo” là âm nhạc dân tộc, gắn với nó như máu thịt, cứ một đường mà thẳng tiến, chưa bao giờ “ngó ngang” nên cũng không hề nghĩ đến một nghề nào khác. Nghĩ làm gì khi con đường trước mặt mình đang đi có đầy sức cuốn hút, đầy sự thú vị cũng như đầy những thử thách kích thích mình chinh phục.

* Công việc hiện nay của chị chắc chỉ xoay quanh việc dạy học và biểu diễn?

- Chỉ chừng đó thôi nếu mình làm cho tới nơi cũng đã kín lịch. Việc dạy học không đơn thuần là ngồi cầm tay chỉ cho học trò. Để làm tốt việc dạy và học, tôi thường xuyên phải viết bài bổ sung cho giáo án; còn muốn giữ được phong độ biểu diễn, tôi phải dành thời gian tập luyện bên cạnh việc sáng tác và chuyển soạn để danh mục biểu diễn của mình không ngừng tăng lên. Hai tác phẩm của tôi, Trăng và biển (cùng với Bảo Chấn) và Thoáng hương quê (Tiến Đạt phối khí) đã được một số bạn chọn làm tiết mục biểu diễn, thi thố. Với Trăng và biển, nghệ sĩ trẻ Hoàng Thanh Tú đã đoạt Huy chương bạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2010 tại Nha Trang và Thoáng hương quê cũng đã đem về cho bạn Nguyễn Hồng Mỹ Linh Huy chương bạc tại Liên hoan SVHS các trường nghệ thuật tại Đà Nẵng năm 2010. Ngoài ra, tôi còn đang thực hiện công trình nghiên cứu sâu về vai trò âm nhạc trong văn hóa dân gian để làm tài liệu bổ sung kiến thức cho những người muốn theo ngành âm nhạc dân tộc. Đây là con đường rất xa, rất dài, và chắc chắn rất hữu ích vì sẽ mở cho những người làm âm nhạc dân tộc thêm nhiều cửa ngõ mới.


* Hải Phượng đã đưa cây đàn tranh VN đi giới thiệu tại hơn 20 quốc gia, mà hầu hết là trong các liên hoan, sự kiện âm nhạc lớn. Vậy theo chị, vị trí cây đàn tranh VN ở đâu trên “bản đồ” thế giới?

- Không thể dựa trên một cơ sở đồng nhất để so sánh, vì bản thân các cây đàn không hoàn toàn giống nhau và cách chơi cũng khác nhau. Cùng một dòng đàn tranh, ở Trung Quốc gọi là đàn guzeng, Hàn Quốc là kayageum. Họ sử dụng kỹ thuật cả hai tay như nhau với một tiết tấu nhanh. Trong khi đó, đàn koto của Nhật cũng sử dụng hai tay như vậy nhưng tiết tấu chậm theo phong cách của người Nhật. Đàn tranh VN dùng kỹ thuật tay trái để nhấn, vuốt, chuyển giai điệu mà các loại đàn tương tự của các nước khác không làm được. Họ thường khen cây đàn của mình tạo được sắc thái của tác phẩm, làm cho người nghe cảm được những khoảnh khắc vui, buồn mà bài nhạc muốn nói.

* Đi nhiều, quan sát nhiều, chị thấy cây đàn tranh VN có nhược điểm gì cần cải tiến?

- GS-TS Trần Văn Khê đã từng nói rằng, nguyên tắc để cải tiến một cây đàn là phải đẹp hơn, tốt hơn, nói được đúng ngôn ngữ của đàn. Chừng nào hội đủ ba điều kiện đó thì mới cải tiến. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng từng phát hiện ở VN đã có hai trường phái cải tiến nhạc cụ. Ở phía Bắc, người ta cải tiến nhạc cụ ta để chơi được nhạc Tây, trong khi ở miền Nam, lại “bắt” đàn Tây phương phải chơi được nhạc ta. Riêng cây đàn tranh, có một nhược điểm tôi hay gặp phải là dây hay bị tuột. Tôi muốn tìm một chất liệu nào thay thế để khi mình nhấn rồi nhả ra không bị giãn. Nhưng điều này lại nằm ngoài chuyên môn của tôi.

* Bên cạnh những hoạt động sôi nổi về chuyên môn, Hải Phượng là nghệ sĩ luôn mạnh dạn bày tỏ ý kiến bức xúc trước thái độ thờ ơ với âm nhạc dân tộc của những người có trách nhiệm. Sau những lần như vậy, chị có thấy tiếng nói của mình rơi vào thinh không?

- Có một thực tế, lâu nay, những hoạt động âm nhạc dân tộc rất khó được các doanh nghiệp tài trợ vì họ nghĩ loại hình này ít được công chúng quan tâm. Nhưng âm nhạc dân tộc, ở bất cứ nước nào cũng được xem là di sản của quốc gia nên Nhà nước cũng như xã hội có trách nhiệm phải bảo tồn và phát triển. Khi tôi được mời tham dự các cuộc liên hoan âm nhạc ở nước ngoài, như mới đây là Liên hoan đàn tranh châu Á tại Macau, họ lo toàn bộ chi phí cho mình thông qua Quỹ Văn hóa dân tộc của họ. Còn mình, khi mời họ tham gia Hội ngộ đàn tranh, mình không có khả năng lo được cho họ chu toàn như họ đã lo cho mình bởi không ai tài trợ, còn Quỹ Văn hóa dân tộc thì đến giờ này, tôi cũng không biết nó nằm ở đâu. Lâu nay, chỉ có những đơn vị có tấm lòng, hiểu được giá trị của âm nhạc dân tộc và tài trợ mà không cần quảng cáo thương hiệu như hãng Toyota, Viện Goethe là chia sẻ gánh nặng chi phí cùng chúng tôi. “Fan” của âm nhạc dân tộc tuy không đại trà, nhưng là những người rất trung thành, không yêu thì thôi, đã thích rồi thì thích lâu dài. Ở câu lạc bộ tại Cung Văn hóa Lao Động của chúng tôi, cứ sau mỗi đợt ra mắt Hội ngộ đàn tranh, số người theo học nhạc cụ này lại tăng lên. Điều đó cho thấy, nếu có điều kiện tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội ngộ quảng bá rộng rãi, không bó gọn trong giới chuyên nghiệp như hiện nay, chắc chắn số người yêu thích dòng nhạc này sẽ còn tăng lên nhiều.
 

"Dù là đàn ông hay phụ nữ, nếu mình làm chủ được cuộc sống, làm được điều mình thích là hạnh phúc, là sung sướng. Đàn ông sẽ được phụ nữ ngưỡng mộ và phụ nữ sẽ được đàn ông ngưỡng mộ..."

* Có một thời, người ta đua nhau thi vào khoa nhạc cụ dân tộc với mục đích có cơ hội được đi nước ngoài “buôn bán”, hoặc dễ có biên chế ở các đoàn nghệ thuật, dễ “kiếm cơm” ở các đơn vị du lịch, còn bây giờ, người ta học vì cái gì?

- Thật ra, lâu nay, những cơ hội đó ít đến được với những nghệ sĩ ở phía Nam. Các chuyến xuất ngoại của tôi hầu hết đều từ những lời mời trực tiếp, họ biết mình nên mời đích danh. Học viên ở Khoa Âm nhạc dân tộc của chúng tôi hiện nay có hai dạng. Một là những em có năng khiếu ở tỉnh do Nhạc viện đến tận nơi để tuyển sinh. Ở tỉnh lẻ, không ai kiếm tiền bằng âm nhạc dân tộc nên các em không có khái niệm đó, chỉ đến khi học ở thành phố và lớn lên, mới biết nghề mình có thể mưu sinh. Dạng thứ hai, là những con em gia đình khá giả, học vì yêu thích, cho thỏa sự đam mê không nhằm mục tiêu tiền bạc. Nếu như ở Huế, sau bốn năm học, người ta có thể xuống thuyền kiếm sống, nhưng ở TP.HCM, phải mất hơn chín năm mới đủ sức “chinh chiến” ở các điểm diễn. Thời gian đó, nếu theo học một nghề gì khác sẽ kiếm được tiền nhanh hơn. Đừng nhìn vào số người học ở Nhạc viện mà cho rằng nhạc cụ âm nhạc dân tộc đang mai một. Điều kiện vào trường chính quy rất khắc nghiệt, không mấy người đủ sức theo, nhưng các “lò” truyền nghề vẫn sống rất mạnh mẽ. Liên hoan đờn ca tài tử trước đây chỉ có vài ban, bây giờ lên tới cả chục bởi nhu cầu sử dụng ngày một nhiều, có nhà hàng Tết không kiếm ra người để chơi.

* Nhưng để trở thành một “Hải Phượng” thì cần những yếu tố gì, có phải 99% lao động cộng với 1% năng khiếu là được? Việc thường xuyên làm việc trong phòng thu với các ca sĩ nhạc nhẹ đem lại cho chị sự trải nghiệm gì?

- Tôi may mắn được mẹ cho cả một đời và một nghề, song nghề nghiệp và tài năng cần có thêm cái duyên mới hợp thành. Có người đưa mình vào nhà tổ nhưng phải được tổ đãi mới phát triển. Năng khiếu và nỗ lực lao động là những yếu tố cần nhưng chưa phải là tất cả. Trước đây, khi cần đệm nhạc dân tộc trong các phần trình diễn của ca sĩ tân nhạc, người ta thường dùng nhạc cụ điện tử giả tiếng đàn dân tộc, nhưng bây giờ, để khẳng định “đẳng cấp”, người ta xoay qua chơi đồ thật nên tôi có thêm việc để làm. Đệm cho ca sĩ ở phòng thu là việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều khả năng như chuyển tông nhanh, đúng nhịp, không phải người chơi nhạc cụ dân tộc nào cũng làm được. Sự chính xác và ứng biến nhanh lẹ là yêu cầu tối thượng, bởi tiền thuê phòng thu được tính bằng giờ, không cho phép thu đi thu lại nhiều lần. Như người ta thường nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, hay “hữu xạ tự nhiên hương”, những danh cầm thế hệ trước như nghệ sĩ đàn nhị Văn Thảo, như bác Ba Tu (đàn kìm), gần 80 tuổi vẫn được các đài mời thu âm, việc làm không hết.

* Sống trong không khí chìm khuất của hoạt động âm nhạc dân tộc, hẳn nghệ sĩ Hải Phượng không phải lo đối phó với sự cạnh tranh?

- Trái lại, loại hình này có yếu tố cạnh tranh về mặt tinh thần rất cao, nhất là với “đối thủ” ở các nước. Mình phải luôn hoàn thiện ngón đàn, tác phẩm, đừng để âm nhạc dân tộc của mình thua sút khi đối diện với họ.

* Công việc tất bật như vậy, chị còn thời gian nào để giải trí? Chị làm thế nào để dung hòa giữa hai niềm đam mê mang tính “xung đột” giữa đôi tay và đôi chân từ việc ngồi miệt mài tập đàn và đi khắp nơi chụp ảnh?

- Tôi luôn biết chủ động sắp xếp để tìm cho mình những cơ hội thư giãn, như đọc sách, uống trà ở các quán trà đạo với những người bạn cùng sở thích, tập yoga ba lần/tuần. Mỗi lần đi diễn xa, tôi luôn kết hợp với du lịch. Cùng với cây đàn, chiếc máy ảnh là vật bất ly thân của tôi. Quan trọng là mình luôn làm chủ được tất cả công việc để đừng bao giờ bị căng thẳng vì nó.

* Hình ảnh một nghệ sĩ đàn tranh trong mắt người khác thường mỏng manh, yếu mềm nhưng Hải Phượng lại luôn tỏ ra mạnh mẽ. Phải chăng việc sống thoải mái được bằng nghề đã hình thành nên tính cách đó nơi chị?

- Dù là đàn ông hay phụ nữ, nếu mình làm chủ được cuộc sống, làm được điều mình thích là hạnh phúc, là sung sướng. Đàn ông sẽ được phụ nữ ngưỡng mộ và phụ nữ sẽ được đàn ông ngưỡng mộ. Tôi sống giản dị, không có nhu cầu về mặt danh tiếng, chỉ thích được làm tất cả những gì mình muốn, như có thể sà xuống hàng bún ốc lề đường mà không bị ai dòm ngó, chỉ trỏ. Mối quan tâm của tôi không ở chuyện quần áo, xe cộ… mà ở chỗ khác, tỷ như mua cây đàn ở đâu tốt nhất, sắm loại ống kính nào “xịn” hơn, uống “trà đạo” ở quán nào mới thú vị…

* Con gái Hải Minh tám tuổi của chị cũng đã bắt đầu tập đàn tranh. Hẳn chị đang nhắm đến thế hệ đàn tranh thứ ba trong gia đình?

- Cũng như mẹ tôi ngày xưa, cho con học đàn chỉ với ý nghĩ rằng con nít cần phải học một nhạc cụ nào đó, nhất là nhạc cụ dân tộc để giúp nó đằm tính lại, bớt hiếu động. Việc học nhạc cũng giúp trẻ phát triển não trái, tập óc thẩm mỹ, làm cho con người trở nên dịu dàng hơn, hình thành phong cách tốt trong giao tiếp. Nếu có duyên được tổ đãi, làm người kế nghiệp thì quá tốt, còn không, những chất liệu âm nhạc đó cũng giúp cho con gái tôi sau này dễ thành công ở bất cứ nghề nghiệp nào khác, như trường hợp của Hải Yến, em gái tôi và của những đồng nghiệp mà tôi quen biết.

 

 

Cát Vũ
(Theo phunuonline.com.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 214
  • Khách viếng thăm: 213
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 57205
  • Tháng hiện tại: 2425630
  • Tổng lượt truy cập: 48799757