Tản mạn Ba Giồng

Đăng lúc: Thứ tư - 30/08/2017 09:09
Ba Giồng là vùng đất lịch sử được nhiều tài liệu xưa mô tả. Do gắn với quá trình “phục quốc” của chúa Nguyễn - Gia Long nên Đại Nam thực lục và các sách biên soạn thời Nguyễn như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí… nhắc đến địa danh Ba giồng nhiều nhất.
Đường Cái Giữa đi qua trung tâm Ba Giồng.

Đường Cái Giữa đi qua trung tâm Ba Giồng.

ĐỊA DANH BA GIỒNG...

Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả về Ba Giồng: “Gò Tam Phụ tục danh gọi Ba Đống thuộc địa phận 2 huyện Kiến Đăng và Kiến Hưng gồm các gò: Gò Yến, gò Kỳ Lân, gò Qua Qua. Gò Đống rộng lớn, cây cối sum sê, chỗ khởi lên, chỗ phục xuống, tiếp tục nối liền, trước có Đại Giang ngăn trở, sau dựa vào Mãng Trạch”… Về sau, nhiều bài viết chép lại tài liệu của người xưa, trên thực tế không tránh khỏi những sai lạc.

Gần đây, một số ý kiến cho rằng Ba Giồng là vùng đất gồm nhiều giồng cát hợp thành 3 cụm, chạy dọc theo Quốc lộ 1A, từ TP. Tân An qua 3 huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và xác định trung tâm của xứ Ba Giồng là khu vực thị trấn Tân Hiệp.

Trước tiên, xin nói về giồng Cai Lữ, là tên một giồng cát ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, được sách xưa ghi là Lữ phụ và được nhắc vài lần trong giai đoạn chúa Nguyễn Ánh đối đầu với quân Tây Sơn hồi nửa sau thế kỷ XVIII. Cai Lữ tức Cai đội Nguyễn Văn Lữ, là người có công lập thôn Bình Thuyên. Dưới thời vua Gia Long, thôn Bình Thuyên tách ra thành 2 thôn là Bình Thuyên Đông và Bình Thuyên Tây. Đến đời Minh Mạng, thôn Bình Thuyên Đông nhập với thôn Bình Yên thành thôn Nhị Bình. Khi ông mất, dân làng nhớ ơn ông đã khắc bài vị thờ ở đình làng “Tiền hiền Cai Lữ Nguyễn quí công chi vị”. Mộ ông Cai Lữ hiện tọa lạc gần chùa Tân Thạnh, xã Nhị Bình. Theo ông Tư Triều, ngôi mộ do ông Nguyễn Văn Trị trùng tu. Ông Trị là ông sơ của ông Tư Triều và là cháu đời thứ 7 của ông Cai Lữ. Như vậy, tính đến đời ông Triều thì dòng họ Nguyễn này đã định cư ở đây hơn 10 thế hệ. Căn cứ dòng chữ trên bia mộ “Gia tại Tam phụ chi trung” cho thấy người xưa đã khẳng định giồng Cai Lữ là vùng trung tâm đất Ba giồng. Song thực tế, vùng trung tâm không chỉ là giồng Cai Lữ, mà còn có gò Lũy (ấp Tây, xã Nhị Bình) và các gò cát khác. Đặc biệt, về phía Tây Nam có một cụm giồng trải dài nối tiếp, đó là giồng Ông Hoài - tài liệu xưa ghi là Hoài Cương. Giồng cát này nhấp nhô trải dài qua 2 xã Dưỡng Điềm và Điềm Hy (huyện Châu Thành) nối vào giồng Mỹ Quí thuộc xã Nhị Quý, TX. Cai Lậy ngày nay.

Lâu nay, nhiều người lầm lẫn giữa gò Ông Hoài và giồng Thuộc Nhiêu. Thật ra, hai giồng cát này là một. Cai thuộc Nguyễn Văn Nhiêu là con ông Nguyễn Văn Hoài là người có công lập làng Tân Đức. Tương truyền, ông Cai Lữ và Thuộc Nhiêu kết tình sui gia, nhưng sau đó thì không được êm thuận. Ông Nhiêu mua đất của làng Bình Thuyên đem nhập vào làng Tân Đức, diện tích làng này bị thu hẹp dần. Ông Cai Lữ bèn nghĩ cách dỡ đình, chùa đem cất ở đầu làng và cho đào một con kinh nối rạch Gầm (sau gọi là rạch Cùng) nhằm ngăn cản Thuộc Nhiêu mua đất. Không ngờ, Thuộc Nhiêu lại tính toán cao hơn, cho lập một cái chợ, dựa vào rạch Cùng để giao thương. Chợ Thuộc Nhiêu nhờ rạch Cùng mà trở nên sung túc. Vì vậy, trong dân gian lưu truyền câu tục ngữ “Giàu sang ông Cai Lữ, mưu sự ông Thuộc Nhiêu”.
Theo lời các bô lão gần chợ Thuộc Nhiêu, hồi những năm trước 1960 có ngôi chợ “mãnh ma” nhóm vào ban đêm, chuyên bán “heo thừa vú”.

VÀ HAI NHÂN VẬT NỔI TIẾNG

Giồng Thuộc Nhiêu là nơi chôn nhau cắt rốn của Tiến sĩ Phan Hiển Đạo. Ngày xưa, họ Phan là dòng họ khoa bảng ở đây. Cha ông Hiển Đạo là cụ Phan Hiển Tần đậu Tam trường thời chúa Nguyễn Ánh, về sau làm quan đến chức Án sát. Đến đời Minh Mạng, chưa rõ bị tội gì mà ông bị mất chức, rồi về quê vợ ở thôn Vĩnh Kim Đông (nay là xã Vĩnh Kim) chết trong sự ấm ức. Nỗi oan khuất của nhà họ Phan vẫn đeo đuổi đến đời cụ Phan Hiển Đạo - tam giáp Tiến sĩ mới 27 tuổi, được cử làm Đốc học Định Tường và là người có công đem nhạc cung đình Huế về truyền bá ở phương Nam.

Năm 1861, Pháp chiếm Định Tường, Phan Hiển Đạo đang dưỡng bệnh tại chợ Giữa. Biết ông là quan “cựu trào”, giặc giở trò chiêu dụ, sai Tôn Thọ Tường đến nhà “thỉnh” ông xuống Mỹ Tho xem hát, tặng cho áo mũ, cờ biểu và liên tiếp tung ra nhiều tin đồn thất thiệt. Phan Hiển Đạo đã viết thư minh oan gửi lên Kinh lược sứ Phan Thanh Giản. Không ngờ Phan Thanh Giản, phê vào bức thư tám chữ “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” (Con gái đã bị thất thân, sao cho là trinh được). Phan Hiển Đạo hổ thẹn ra mộ cha thắt cổ tự tử vào năm 1864.

Thời Gia Long, đất Thuộc Nhiêu còn có bà Lê Thị Mẫn nổi tiếng. Theo gia phả họ Bùi, bà Lê Thị Mẫn sinh năm 1784, có chồng về làng Đa Hòa (nay thuộc xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), làm kế thất ông Bùi Văn Liệu. Năm 1818, ông Bùi Văn Liệu qua đời, bà đã thủ tiết thờ chồng, lo nuôi dạy 3 người con trai ăn học, đều đậu cử nhân, trong đó có ông Bùi Văn Phong làm quan chức Án sát ở tỉnh Nam Định, sau được bổ về làm Thự Án sát Thương biện tỉnh Vĩnh Long.

Gia phả họ Bùi chép, ông Bùi Văn Phong khi làm Án sát ở tỉnh Nam Định, nhân ngày tết, nha môn biếu ông mấy lọ trà sen và lụa tốt. Vốn là người con hiếu thảo, ông sai người mang về dâng tặng cho mẹ. Nhận được quà của con, bà đem mấy vóc lụa ra đốt thành tro gói lại và gửi cho con kèm theo phong thư có nội dung “... Khi mẹ nhận được trà và lụa, lòng mẹ chạnh phát bùi ngùi e sợ. Mẹ biết con làm quan thanh bạch và hết sức thương dân. Nay con nhận đồ của người dâng cho mừng tết, vẫn biết lòng thành của chúng, nhưng lâu ngày nó thành tập quán và khêu gợi lòng tham của con, cho nên ta đốt vật quý ra tro mà hoàn trả lại cho con chẳng có ý nghĩa gì hơn là nhắc con trên vua dưới dân, một lòng trung trinh liêm khiết để lưu danh hậu thế, rạng mặt tổ tiên và không hổ công nuôi của mẹ” (Gia phả họ Bùi - Bùi Quang Tung nhuận chính - Sài Gòn năm 1960).

Khi nhậm chức ở tỉnh Vĩnh Long, ông Bùi Văn Phong tranh thủ về làng Đa Phước thăm mẹ. Theo thông lệ, các chức việc làng xã đã tổ chức cờ, đèn, kèn, trống tiếp rước “thượng quan về làng” thật linh đình, nhưng bà Mẫn không bằng lòng, đã khéo léo khuyên con: “Mẹ đã già, không thích nghe chiêng trống kinh động”.

Năm Tự Đức thứ 13 (1860), bà Lê Thị Mẫn được vua phong tặng Chánh lục phẩm An nhơn và truy phong ông Bùi Văn Liệu chức Thừa vụ lang Hàm lâm viện trước tác. Cùng với việc ban sắc phong tặng, vua Tự Đức còn ban tấm biển khắc bốn chữ vàng “Hảo nghĩa khả phong”.

NGUYỄN NGỌC PHAN
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 285
  • Khách viếng thăm: 280
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 64680
  • Tháng hiện tại: 2433105
  • Tổng lượt truy cập: 48807232