Soi gương tìm bóng

Đăng lúc: Thứ sáu - 19/10/2012 10:15
VNTG- Chị gọi điện hỏi tôi còn nhớ chị không rồi bảo sẽ qua Mỹ Tho thăm tôi. Đã ba mươi năm rồi, tôi mới nghe lại giọng nói của chị. Chị bảo dạo nầy chị thường nằm mơ thấy lại những con đường quen thuộc, thấy mình đứng trước ngôi nhà cũ ngày nào. Tỉnh dậy nghe nao cả lòng…

 
Giọng chị qua điện thoại như nghèn nghẹn: Tôi sẽ đi xe buýt qua, Thụy chở tôi đi một vòng thành phố rồi tôi lên xe buýt về, không làm phiền Thụy gì đâu. Chị là vậy, luôn dè dặt gần như thành khách sáo.  Tôi bảo chị qua lẹ đi, để tôi còn xem… dung nhan ấy bây giờ ra sao.  Chị nói tôi chắc vẫn lí lắc  như ngày nào rồi hẹn đến cuối tuần sẽ qua.

Một tuần qua nhanh cái vèo.  Sáng thứ bảy, tôi dậy muộn. Mở điện thoại thấy đến hai ba cuộc gọi nhỡ số của chị. Tôi gọi lại. Giọng chị nửa đùa nửa thật bên đầu dây. Sáng dậy sớm sửa soạn tính leo xe buýt qua Mỹ Tho mà gọi hoài Thụy không bắt máy, buồn tình chắc ở nhà luôn. Tôi phân bua. Mới ngủ dậy, bà. Vậy tôi qua hén? Ừ, qua liền đi. Tôi vội vã cho quần áo vào máy giặt, vội vã những công việc dọn dẹp ngày cuối tuần, rồi quáng quàng chạy ra cơ quan.

Ngày nghỉ, chỉ có quán cà phê cho thuê lưa thưa khách. Tôi mở cửa cơ quan lên phòng, sau khi dặn thằng bé phục vụ có cô nào kiếm thì lên gọi dùm.
Xe buýt từ Bến Tre qua Mỹ Tho trong điều kiện không còn cảnh phải…lụy phà, vậy mà tôi chờ chị gần hết buổi sáng. Tranh thủ tôi mở máy tính vào mây trang web, nhưng rồi thấy không nhập tâm nên  tắt màn hình, vẫn vơ nghĩ ngợi.

Tôi với chị cùng một lò sư phạm ra trường, cùng dự lớp bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ, rồi cùng được rút về Hội văn nghệ sau khóa học. Năm đó chị hai mươi ba, hơn tôi ba tuổi. Hơn ba tuổi mà trông chị chửng chạc hơn tôi nhiều. Từ dáng dấp đến cách nói năng sinh hoạt. Tóc chị suông dài  chấm khỏi lưng áo. Mỗi lần gội đầu chị đứng khom lưng bên hồ rồi nhờ tôi múc nước dội. Gội xong phải quạt hong tóc cả buổi trời mới được nằm. Những hôm trời nóng nực, chị búi thành một búi cao sau gái mà mồ hôi vẫn lấm tấm hai bên vệt tóc may. Tôi bảo chị cắt bớt đi cho đỡ mệt, chị nói tóc dài là duyên con gái, cắt tóc đi là cắt mất cái duyên. Quả thật, mái tóc tha thướt thả đầy lưng áo làm dáng chị trở nên yêu kiều. Nhưng có lẽ điểm nổi bật ở chị là đôi mắt. Tôi chưa từng thấy mắt ai lạ như chị, cứ ánh lên biêng biếc với  rèm mi dài chấp chới toát lên vẻ mông lung, gợi cảm hút hồn.

Chẳng hiểu có phải vì duyên mái tóc hay “ma lực” của đôi mắt mà đàn ông con trai cứ bám theo chị. Cả những ông đã có vợ con rồi. Trong đám lộn sộn đó có một họa sĩ nhỏ hơn chị những ba bốn tuổi. Dương là bạn của Thúy, từ khóa trung cấp Mỹ thuật ra trường, trước đó vẫn mỗt điều chị hai điều em với chị. Một chiều mưa rừng biên giới, Dương bất chợt thấy mình “lạc” vào “đôi mắt như hồ thu” của  chị. Sau chuyến cùng đi sang đất bạn thăm hỏi bộ đội đang làm nghĩa vụ quốc tế, trở về Dương vẽ toàn chân dung chị. Những ký họa bằng chì đen bằng sáp, bột màu có khi chỉ là một đôi mắt, một bờ vai nghiêng buông thả mái tóc dài. Dưới góc tranh bao giờ cũng ghi hai từ: Yêu Phượng!, bằng nét thư pháp nghêng ngã. Chị treo vài bức vẽ trong phòng khách. Tôi hỏi. Bộ yêu nó hả? Chị cười. Yêu gì mà yêu. Tôi thắc mắc. Vậy sao treo tranh của người ta? Thích thì treo. Nó vẽ cũng có hồn!

Cũng năm đó ba chị vướn phải căn bệnh hiểm nghèo. Nhà đơn chiếc, tuần nào chị cũng đạp xe về. Đêm thứ bảy, ngày chúa nhật chị làm hết công việc của cả tuần. Xách nước, dọn dẹp nhà cửa, cắt cỏ cho bò, nấu nướng chăm sóc người bệnh. Đến tối mịt, mới đi chuyến phà cuối qua Mỹ Tho. Bệnh tình ba chị từ từ chuyển nặng, sáng thứ hai chị luôn trễ giờ đọc báo của cơ quan. Từ trễ một buổi chuyển sang cả ngày, rồi có khi phải đưa ông đi trị bệnh mất hai ba bữa. Chị bị thủ trưởng phê bình, khiển trách, phải viết kiểm điểm luôn. Tôi khuyên chị ráng sấp xếp công việc đừng để bị đem ra cuộc hợp phê bình hoài. Chị bảo đành chịu chứ không thể bỏ “tía” chị trong chuỗi ngày cuối của ông. Rồi một hôm, sau nhiều lần phê bình, nhắc nhở, thủ trưởng gọi chị lên, hỏi chị có muốn xin nghỉ việc thì làm đơn. Chị viết đơn trong tích tắc đưa ngay cho thủ trưởng. Mọi thủ tục được giải quyết nhanh chóng. Hình như người ta muốn đẩy mình đi lẹ cho khuất mắt. Chị cay đắng bảo vậy. Đêm cuối ở Mỹ Tho, chị rũ tôi và Thúy (cô bạn họa sĩ, cùng chung bộ phận sáng tác) tới nhà trọ nhậu một bữa say mèm, nói lời vĩnh biệt, thề sẽ không bao giờ trở lại mãnh đất không có tình người nầy.

Chẳng biết có phải vì mắc lời thề hay không mà biền biệt ba mươi năm chị  không một lần quay lại…
Chú nhỏ phục vụ quán rụt rè gõ vào cánh cửa phòng tôi. Cô ơi, có người kiếm.

Tôi ra đứng ở lan can ngó xuống, tìm một mái tóc dài, giờ có lẽ đã búi cao trên dáng người có phần đầm đậm. Nhưng, ngồi ở góc băng đá dưới gốc cây sứ già là một phụ nữ gầy gò, đội chiếc mũ đen, tóc cắt cao…

***
Tôi đưa chị trở lại ngôi nhà trước là cơ quan Hội Văn nghệ cũ. nơi cách đây ba mươi năm, chị đã dứt áo ra đi mà “đầu không ngoảnh lại”. Biệt thự trong khuôn viên rộng với tàng nhãn, tàng xoài um tùm giờ đã trở thành bệnh viện tư quy mô. Một chút xíu  dấu vết cũ cũng không còn. Chị ngơ ngẩn nhìn. Tôi hỏi. Thấy sao?  Buồn! Điệp từ “Buồn!” cứ được chị lập đi lập lại suốt thời gian tôi chở chị qua những con đường từ nhà trọ đến trường, đến cơ quan, những góc phố quen thuộc ngày nào. Phố me giờ không còn bóng dáng một vòm me. Giếng nước hoang sơ thành công viên với bờ kè ốp đá, con đường đá đỏ quạnh quẽ ngày nào nay mở rộng, san sát nhà cửa khang trang…

Hồi hợp nhất là lúc cùng chị tìm lại căn nhà trọ cũ. Con hẽm số 3, trong điều kiện đường sá mở rộng  không sao định vị được. Chắc là đây. Tôi áng chừng rồi quẹo đại. Đi vòng vèo một hồi mà không tìm ra ao rau muống cùng số nhà hai mươi lăm suỵt sáu. Thấp thoáng đàng xa là công viên nhỏ với thảm cỏ xanh và mấy ghế đá. Tôi reo lên. Hay là… Sông kia còn rày đã lên đồng, sá gì ao rau muống! Quả nhiên đối diện với công viên, là dãy nhà lợp ngói âm dương cũ kỹ quen thuộc. Chị đứng lặng trước ngôi nhà giờ đã thay chủ, thay số mới. Khoảng sân mát tán dừa giờ trơ ra dưới nắng. Con số 25/6 cũ còn mờ mờ  bên trong cánh cửa đón chào người xưa.

Lúc đã ngồi trong quán cà phê, chị không dấu được vẻ xúc động. Thụy biết không ban nãy tôi rất sợ phải nhìn thấy dãy phố cao tầng thay chỗ  mấy căn nhà ngày xưa. May mà chỉ có một ao rau muống bị xóa sổ, nếu không chắc  sẽ… đau lòng lắm. Chị đưa tay chặn ngực, nước mắt ứa ra từ đôi mắt đẹp ngày nào, giờ đã không còn chút long lanh. Thụy tin không mấy chục năm rồi mà tôi như còn nghe vẳng bên tai tiếng tấm dal bắt qua rãnh nước nhỏ sau nhà trọ vang lên lụp cụp mỗi khi tôi dắt xe qua, rồi tiếng ếch nhái ẻnh ương kêu quềnh quang từ ao rau muống trước nhà.

Tôi đưa khăn giấy cho chị. Chị chậm nước mắt, cười, giọng hãy còn nghèn nghẹn. Thụy còn nhớ đêm cuối tụi mình nhậu với nhau không. Con Thúy xỉn khóc hu hu, còn Thụy mặt mày đỏ bừng cứ đòi đút đầu qua song cửa sắt. Chút kỷ niệm vui không làm xóa đi cảm giác ngùi ngùi.

Tôi hiểu tâm trạng chị, chắc cũng giống như cảm giác của tôi khi gặp lại chị sau ba mươi năm. Một cái gì nhoi nhói quặn lên trong lòng khi  nhìn chị tóc xưa mắt xưa không còn nữa.  “Mắt biếc năm xưa nay đâu”, tóc úa theo mây tan mau… Không phải già đi xấu đi mà là mất hẳn. Ba mươi năm, mười ngàn chín trăm năm chục lần mặt trời lên, mặt trời lặn xuống, thời gian, dâu bể, tàn phai… May mà còn giọng nói để nhận ra nhau!

Ngậm ngùi chia tay chị, tôi về nhìn bóng mình qua gương, cố hình dung lại chút hình dáng trẻ trung tinh nghịch của tôi, hai mưoi tuổi, năm nào. Người trong gương nhìn tôi chăm chằm như bảo: Làm gì có!

Buồn tình, che gương lại. Bỗng nhớ mấy câu thơ Bùi thi sĩ: Giờ ngẫu nhĩ như hồng bay em ạ. Và yêu thương như lá ở bên hoa. Và luyến ái như tơ vàng bốn ngảBủa vi vu như thoáng mộng la đà ...

Mấy câu thơ đọc hoài, giờ bỗng ngộ ra. Đời như Giấc mộng không thường(*). Tuổi xanh dù qua đi, nhưng hồi ức kỷ niệm một thời vẫn còn nguyên vẹn. Chính những hồi ức còn tươi rói đã dẫn bước chị quay về. Quay về để nhìn lại một thời trẻ trung và chiêm nghiệm…

Mai, tôi sẽ bắt xe buýt, qua Bến Tre tìm chị,  nói với chị điều nầy.

(*) tên bài thơ của Bùi Giáng
Thu Trang
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 156
  • Khách viếng thăm: 155
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 14385
  • Tháng hiện tại: 2246935
  • Tổng lượt truy cập: 46214168