Chuyển biến nhận thức về tính dân tộc trong văn học - nghệ thuật

Đăng lúc: Thứ tư - 25/09/2013 22:07
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII, trong 15 năm qua đã ghi nhận sự đổi mới nhận thức sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Các vấn đề quan trọng, có tính dẫn đường văn hóa nói chung, trong đó có văn học - nghệ thuật như bản sắc dân tộc và tính nhân loại, giữa truyền thống và hiện đại, đã được đặt ra ở tầm mức sâu rộng và trực tiếp, phản ánh tầm nhìn và tư duy chiến lược của Ðảng, Nhà nước ta về văn hóa, tạo bước chuyển biến quan trọng trong thực tiễn lý luận và sáng tác văn học - nghệ thuật.
Những liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh đi dự hội làng.

Những liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh đi dự hội làng.

Dân tộc và hiện đại là hai vấn đề từng gây nhiều tranh luận trong văn học - nghệ thuật. Xây dựng một nền văn hóa của dân tộc, vì dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới là đúng, nhưng chẻ ra từng khái niệm thế nào là bản sắc dân tộc, thế nào là tiếp thu có chọn lọc... thì ngay đến bây giờ vẫn còn những ý kiến khác nhau. Nhưng nói thế, không có nghĩa là những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn của hai phạm trù dân tộc và hiện đại lâu nay vẫn dẫm chân tại chỗ, ngược lại nó đã có bước tiến rất dài về nhận thức và không chỉ về nhận thức mà còn được thể hiện trong sáng tác, lý luận phê bình và trong cả dịch thuật ở một chừng mực nào đó. 

Ngay từ năm 1943, Ðề cương văn hóa Việt Nam đã nêu định hướng của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam là: Khoa học - dân tộc - đại chúng. Ðây là một quan điểm tiến bộ, khoa học, có tính dẫn đường cho nền văn hóa - văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Ðảng suốt 68 năm nay. Nhưng Ðề cương văn hóa Việt Nam chưa giải thích cụ thể từng khái niệm khoa học, dân tộc, đại chúng là thế nào. Chẳng hạn, khái niệm đại chúng nhiều khi được hiểu một cách cứng nhắc cho nên có một thời gian dài, nhiều sáng tác của chúng ta mang nặng tính hô hào, minh họa, thiếu sức thuyết phục. Vấn đề dân tộc cũng vậy. Thế nào là tính dân tộc? Quan hệ của nó với tính nhân loại thế nào? Bản sắc dân tộc có mâu thuẫn gì với tính hiện đại không?... là những câu hỏi tuy không mới nhưng lại rất quan thiết tới thực tiễn sáng tác, sáng tạo văn học - nghệ thuật. Từ những lúng túng về nhận thức, đã có lúc chúng ta phần nào đi đến những sai lầm về lý luận, cổ súy cho quan niệm "bình cũ, rượu mới", thực chất là tách nội dung ra khỏi hình thức, tách dân tộc ra khỏi hiện đại, từ đó xếp tính dân tộc xuống hàng thứ hai một cách khiên cưỡng, siêu hình.

Những hạn chế đó dần được cởi bỏ từ khi Ðảng lãnh đạo đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, quan niệm về vị trí, vai trò của văn hóa được khẳng định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính trong bối cảnh này, Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII ra đời đã nêu rõ, văn học - nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Trên tinh thần nhận thức ngày càng sâu sắc, mang tính cách mạng về văn hóa, văn học - nghệ thuật đó, một lần nữa, bản sắc dân tộc và tính nhân loại, tính truyền thống và hiện đại, một trong những vấn đề quan trọng nhất, có tính dẫn đường văn hóa nói chung, trong đó có văn học - nghệ thuật nói riêng, được đặt ra ở một tầm mức sâu sắc hơn, trực tiếp hơn trong Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII. Nghị quyết đã phản ánh một bước trưởng thành mới về tư duy của Ðảng và Nhà nước ta về văn học - nghệ thuật, tạo được một chuyển biến quan trọng trong thực tiễn lý luận và sáng tác văn học - nghệ thuật nước ta. Nghị quyết đã giúp chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề như tính dân tộc và tính hiện đại là một thực thể văn hóa động, luôn luôn đào thải và bồi đắp; quan hệ giữa hai phạm trù đó là sống động, biện chứng và luôn bổ sung cho nhau; tính dân tộc không chỉ là chứng chỉ của một cộng đồng trước nhân loại mà còn là một bộ phận cấu thành nhân loại, dân tộc không tách rời nhân loại và ngược lại không có một nhân loại chung chung, tách khỏi dân tộc. Nghị quyết cũng giải quyết triệt để vấn đề tính dân tộc và tính hiện đại, một vấn đề lý luận rất thiết yếu trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Tính dân tộc và tính hiện đại không hề xung đột, mâu thuẫn nhau. Khi nhận thức được tính dân tộc là số phận và đời sống của đa số nhân dân, dân tộc đó trong thế giới hiện đại, cách cảm, cách nghĩ của dân tộc đó về thế giới bên trong và thế giới chung quanh, là những phẩm chất đặc thù đã được tôi luyện, rèn giũa và được tái hiện trong cuộc sống hôm nay thì đồng thời ta cũng đã động chạm đến tính hiện đại và cách ứng xử của một dân tộc đối với cuộc sống hiện đại. Mô tả, phản ánh, lý giải một cách chân xác những điều đó qua lăng kính chủ quan của nhà văn tức là đã đồng thời đạt tới tính dân tộc và tính hiện đại, hai phạm trù tuy hai mà một, tuy một mà hai trong tác phẩm của mình.

Quan điểm nêu trên đã thật sự cởi trói cho nhà văn trong cách nhìn và phản ánh thế giới hôm nay trong bối cảnh vô cùng phức tạp của hội nhập quốc tế với sự ảnh hưởng của lối sống phương Tây, thị hiếu văn hóa phương Tây và rất nhiều những lý thuyết văn học - nghệ thuật phương Tây du nhập ào ạt vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Với định hướng xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các nhà văn cũng như nghệ sĩ nói chung bình tĩnh, tự tin  trong sáng tạo, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời khai thác triệt để tinh hoa truyền thống để làm nên những tác phẩm mới hơn, có giá trị hơn.

Cũng với tư duy tiến bộ đó, nhà văn tự tin mở rộng phạm vi sáng tác, thu nạp nhiều đề tài trước đây ít hoặc gần như bị cấm đề cập như thế giới nội tâm của con người, những vấn đề tâm linh rồi cả tính dục, những vấn đề thuần túy do nhà văn tưởng tượng, hư cấu nêu ra. Nhà văn cũng có thể phản ánh Việt Nam qua bối cảnh nước ngoài, phản ánh thế giới bên ngoài trong bối cảnh Việt Nam. Tiếp thu những quan niệm sáng tác mới, thủ pháp thể hiện mới, kỹ thuật mới của bên ngoài trong sáng tác của mình hoặc ngược lại, nhào nặn, đổi mới truyền thống để phù hợp với thị hiếu bên ngoài, nhất là trong âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, múa, kiến trúc. Trong quá trình đổi mới văn học - nghệ thuật, có những lĩnh vực như thơ ca còn có điều kiện đi xa hơn trong thể nghiệm, tuy không phải mọi thử nghiệm đều thành công.

Nói như vậy không có nghĩa là văn học - nghệ thuật Việt Nam không còn gì cần tiếp tục thảo luận, trao đổi nữa. Bên cạnh những mặt thành tựu, có những vấn đề đã và đang chệch hướng, xuống cấp. Trong âm nhạc, đó là tình trạng coi nhẹ chất lượng nghệ thuật, thiên về  chức năng giải trí. Trong điện ảnh, nhiều băn khoăn về sự cân đối giữa trong và ngoài, chất và lượng. Trong sân khấu, đó là bế tắc về duy trì nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Trong văn xuôi, người ta thấy vắng bóng dần những nhân vật chính của thời đại, ngày càng nhiều những nhân vật bế tắc, cô đơn, nổi loạn hay những con người nhỏ bé. Trong thơ, những tìm tòi cực đoan, tâm trạng bế tắc, xa rời truyền thống thơ và ca của dân tộc có phần rõ nét hơn các môn nghệ thuật khác. Những tác giả, nhóm tác giả ở cả trong nước và ngoài nước, công khai khước từ truyền thống dân tộc, cổ súy những thị hiếu nhu cầu thấp hèn, làm hỏng ngôn ngữ Việt trong thơ ca chưa được lên án đúng mức và kịp thời.

Như trên đã trình bày, không thể ngay một lúc tìm được tiếng nói thống nhất về tính dân tộc, tính nhân loại, tính hiện đại và bản sắc văn hóa... Những ý kiến khác nhau, nhiều khi đối lập nhau chỉ được giải tỏa song hành với tư duy xã hội và sự phát triển của văn học - nghệ thuật. Nhưng có thể nói rằng, 15 năm qua, với Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII, nền văn học - nghệ thuật của ta đã có bước tiến dài nhờ những chuyển biến đáng mừng trong tư duy của văn nghệ sĩ, qua đó đã có một bước tiến đáng kể trong hiểu và vận dụng tính hiện đại, tính dân tộc, một phạm trù tưởng quen mà còn rất lạ ở Việt Nam hiện nay.

PGS, TS Vũ Duy Thông
(Theo Nhân dân)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

tính dân tộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 228
  • Khách viếng thăm: 224
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 47348
  • Tháng hiện tại: 2279898
  • Tổng lượt truy cập: 46247131