Tóc dài mưu sinh ở cảng cá

Đăng lúc: Thứ ba - 30/12/2014 07:00
Ba mươi tám tuổi, chị Trần Thị An có gần hai mươi chín năm “gắn bó” với cảng cá Vàm Láng. Mắt không rời những con cá mối trước mặt đôi tay liên tục với những thao tác quen thuộc phân loại cá bỏ vào sọt nhựa. Chị kể: Hồi chín, mười tuổi tôi đã theo má vô cảng cá lượm ruốc, lượm đầu cá bán. Người ta nói dân Vàm Láng giàu, chứ thật ra những người không đất, không điền làm mướn như tụi tôi sao mà giàu nổi, mần một tháng cao lắm gần bốn triệu. Ông xã đi biển cũng bấp bênh có lúc biển động thâm vốn, trắng tay. Nhà có bốn miệng ăn, ráng cho hai thằng con đi học, ăn trước trả sau có dư đâu mà giàu…

Người phụ nữ bên cạnh có đôi mắt lá răm dễ nhìn, rụt rè chia sẻ: “Tôi ra đây làm được hơn sáu năm, ở đây làm theo con nước, mới đầu thức đêm không quen có lúc ngủ gật, tuy cực, thu nhập không cao nhưng cũng có công việc để làm mà nuôi hai ông bà già”.

Mỗi người một hoàn cảnh, chị em đến đây chung sức cùng nhau làm ăn theo sản phẩm, cứ phân loại một tấn cá mối là 100 ngàn đồng, người cũ giúp người mới, người giỏi gồng người chậm tay, xong đợt mười bữa, nửa tháng nhận tiền chia đều theo ngày công.

Câu chuyện của những người nữ lao động nơi cảng cá Vàm Láng như làm cho tôi quên đi không gian hầm hập của nắng biển, mùi hôi nồng đặc quánh của hải sản lớp lâu, lớp mới xộc vào mũi. Nắng ở đây đậm và hanh thêm đứng gió, tôi có cảm giác như bị ngột ngạt trong lò nung thiếu oxy gần như ngặt mình đến khó thở. Nhiều người lột nón lá quạt phành phạnh vẫn không xua nổi cái nóng bức và ngăn được những giọt mồ hôi túa ra trước trán. Nắng tràn vào, các chị dời dù che cá, còn mình thì phơi ra dưới nắng, tôi hỏi: “Sao các chị không nói chủ dựa mua thêm dù che cho người làm đỡ nắng?”. Họ ngước nhìn tôi và cúi xuống im lặng tay thoăn thoắt những thao tác quen thuộc. Một người được chị em cho là tổ trưởng nói:

- Chuyện làm mái che thuộc trách nhiệm của Ban quản lý cảng cô ơi!

Bốn ngày nay, biển êm nên tàu về. Có cá nhiều. Chị em thức thâu đêm để phân loại cá. Các chị cho biết: Hôm nay mình đã làm từ sau 2 giờ khuya tới giờ. Tôi nhìn đồng hồ hơn 11 giờ trưa, người nhà lần lượt mang cơm ra, một số chị nhà gần vội vã đi về.

 Các chị còn lại, nhanh chóng thoát khỏi lớp bao tay, khẩu trang, đập vào mắt tôi có những bàn tay đỏ lên, tái đi da nở nhăn nheo vì bao tay bị thủng nước vào, có người miệng nở nụ cười nhưng không giấu được sự mệt mỏi vì làm việc quá sức. Họ rửa ráy chuyện trò, cười nói râm ran và tìm một chỗ có bóng mát để ngồi. Họ ăn và nghỉ tại chỗ một chút. Bữa ăn của họ cũng đậm đà miệt biển và “khiêm tốn” như cuộc sống của họ: cá biển chiên, cá biển kho cà, cá mối chiên, kho, khô chiên… và ít dưa, rau, canh… Trong lúc ăn họ cũng vui đùa, pha trò.

Chị Đặng Thị Hoa, 37 tuổi nhà ở hẻm 5, thị trấn Vàm Láng, cũng là người có thâm niên lăn lộn ở cảng để sinh sống bằng nghề phân loại hải sản, chị có chồng đi biển, con còn nhỏ đi học, đứa con gái lớn 14 tuổi biết nấu cơm, bé Thu đem cơm cho mẹ và vội về nhà để đến trường. Sợ chị ngại tôi lên tiếng:

- Chị cứ vừa ăn, vừa nói chuyện, tụi này ăn rồi không đói!

Trời bỗng nhiên có gió, ai nấy hít hà sung sướng ồ lên như tổ ong xổ nực, chị Hoa nhìn ra vàm, nơi những cơn sóng cồn cào, mặt nước ánh như sao dưới nắng trưa. Nước biển Gò Công đặc phù sa của sông Tiền nên không xanh như ở Vũng Tàu và không trong như Mũi Né, chị Hoa nuốt cơm, thở dài:

- Đang chuyển mùa chướng, mai mốt gió lớn, tàu đi biển khó khăn, tụi tôi nghỉ nhiều làm ít, ai giỏi thì tìm cách vá lưới mướn, tìm chỗ làm thêm mà kiếm tiền gạo nếu không thì ăn trước trả sau, khổ lắm. Mỗi năm coi như chỉ làm được mùa nam (mùa gió nam tháng 4 đến đầu tháng 10 âm lịch) còn mùa chướng (mùa gió chướng từ cuối tháng 10 đến tháng 3 năm sau) thì sóng to gió lớn đi biển rất khó khăn nên công việc ở cảng cũng bấp bênh, mùa nam nhưng mỗi tháng chị em chúng tôi nghỉ cả tuần, mười bữa, có lúc làm một ngày vài tiếng đồng hồ vì cảng của mình không bảo quản tốt cá tôm nên ít tàu ghe lên cá vì vậy thu nhập cũng không đều đặn…

Cũng như những phụ nữ có chồng đi biển, chị Hoa không giấu nỗi trăn trở:

- Mỗi lần ảnh đi biển là thấp thỏm lo âu, cầu trời khẩn phật cho biển êm, gió lặng đỡ nguy hiểm, ảnh mần được có cái ăn, nếu không thì phá huề hoặc mắc nợ lại chủ, bởi chủ tàu bỏ trước mọi chi phí xăng dầu, cơm gạo, khi vào bờ tính số mực câu được của từng người qui thành tiền trừ lại, số tiền còn chia 5/5 với chủ tàu, nếu câu trúng thì có dư ngược lại thì trắng tay. Đi ghe cào thuê thì khác, chỉ một giá duy nhất hai triệu rưỡi đến ba triệu rưỡi tùy công việc nhưng cũng cực nhọc và sóng gió hiểm nguy nhưng kêu ảnh kiếm công việc trên bờ làm ảnh nói đi biển tuy cực nhưng vui hơn.

Công việc của chị em ở đây mang tính đặc thù không giống nghề khác, hễ tàu vô lúc nào thì chủ vựa điện thoại gọi cho nhóm trưởng lúc đó. Làm theo nhóm, ăn sản phẩm, chủ vựa tính theo sản phảm của nhóm trả lương, người đại diện nhóm trực tiếp làm việc với chủ và phân phát tiền lại cho chị em, chủ vựa thông qua những người này giới thiệu nhân công, làm trung gian trao đổi tiền bạc, thông tin cho nhóm…

Tôi tạm chia tay họ, khi cái nắng chếch đằng tây vẫn hầm hập nóng và đặc sệt mùi tôm cá, cả bến cảng vẫn rộn ràng, nhịp nhàng mỗi người, mỗi việc: bốc vác, đập đá, lau rửa, quét dọn… nhiều tàu đang lên đá, lên dầu chuẩn bị ra khơi.

Mấy giờ đồng hồ phơi nắng và “tận hưởng hương vị” của cảng cá tôi nhuốm bệnh, đầu đau như bị cảm nắng phải xoa dầu và uống thuốc. Chạnh lòng tôi thấy thương các chị, quanh năm phơi nắng, dầm mưa, dầm sương để kiếm sống. Có người ốm đau không dám nghỉ làm, chỉ khi ngồi không nổi mới chịu ở nhà. Họ làm việc ở môi trường dễ nhiễm bệnh và không căn bản về thời gian, có lúc làm ròng rã gần 20 giờ đồng hồ mới nghỉ, có khi nghỉ bù chưa tròn giấc tàu về phải giật dậy khăn nón ra cảng. Ngồi ngoài trời có lúc nắng cháy da, khi dầm mưa lạnh buốt, đêm thì sương muối và gió biển… tôi khâm phục sức chịu đựng của họ và đã trăn trở điều này với trung tá Bùi Văn Vũ, chính trị viên Đồn Biên phòng xã Kiểng Phước, anh cho biết:

- Tôi cũng nhiều lần đề xuất, kiến nghị làm mái che ở cảng, cấp trên đã ghi nhận nhưng tỉnh có dự án di dời cảng nên phải chờ. Vì ngoài sức khỏe cho người lao động còn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, thu hút tàu cặp bến cho người lao động có việc làm đều đặn, tăng thu nhập.

Qua giám đốc cảng cá Vàm Láng Huỳnh Văn Phương, tôi được biết thêm: lực lượng lao động nữ ở cảng khoảng trên 300 người chiếm 80%, đa phần học vấn thấp, không đất sản xuất phải bám cảng làm thuê mà sống. Toàn cảng có 58 vựa, họ thuê nhân công làm ăn theo sản phẩm, đó là một qui định từ xưa đến nay, một số người được thuê làm trả lương tháng với công việc thường xuyên, số này có thu nhập ổn định. Còn việc sắp xếp lại thời gian và công việc thì rất là khó vì ghe cào, tàu đánh cá về theo con nước và rất vô chừng nên có lúc người lao động quá tải với công việc và đôi khi cảng cũng vắng nhân công nhiều ngày vì không có tàu về.

 Tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn, hình ảnh những người phụ nữ “bán mình cho nắng, mưa của biển” để đổi lấy chén cơm, họ cực nhọc như vậy nhưng tiền trao tay là hết. Các chị, em không có được một chế độ bảo hiểm nào, tối thiểu là bảo hiểm y tế để bảo vệ sức khỏe khi ốm đau. Tôi đã trao đổi điều này với một chị có thu nhập ổn định nhất, chị được thuê làm tháng cho vựa mỗi tháng lương sáu triệu, chị đáp không hề đắn đo:

- Tụi em làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, chủ trả lương như vậy là xong, nếu có ai đem đến đây bảo tụi em mua bảo hiểm chắc cũng không ai mua vì nhiều người còn vất vả, làm đủ ăn là mừng rồi tiền đâu mà mua. Thiệt tình mà nói, tụi này có đứa nào dám đi khám bệnh đâu, chừng nào bệnh thì tính.

Sau ba giờ sáng, chúng tôi quay lại cảng. Không khí ban đêm có phần dễ chịu hơn, “hương vị” của cảng cá vẫn đưa vào mũi chúng tôi khi còn ở từ xa nhưng không đậm đặc như ban ngày. Thị trấn Vàm Láng vẫn chìm trong giấc ngủ nhưng có lẽ cảng cá thì chong mắt thức suốt đêm. Có tàu về nên cá đầy sân, khắp nơi nhộn nhịp. Từng nhóm người khẩn trương phân loại, những đôi tay nhịp nhàng thoăn thoắt nhặt nhạnh, đưa bên này, bỏ vào bên kia, toàn cá mối. Một chị cho biết cá này được phân ra bốn loại gọi là: cá xẻ (làm khô), cá hương với cá cây (xuất khẩu) và cá heo thì bán chợ và chế biến thành các thứ khác…

Hôm nay, có thêm nhóm lột tôm bên trong vựa khoảng 60 nhân công độ tuổi trên 50 trở xuống, điều làm tôi băn khoăn là trong đó có mấy gương mặt non chẹt có em mới 12, 13 tuổi. Em Ly ngồi quay chiếc lưng ốm yếu về phía tôi, nên tôi phải xin phép người kế bên len vào hỏi thăm, Ly mới vào làm chưa đầy tháng nên sợ tiếp xúc với người lạ, em rất tiết kiệm lời nhưng qua lời nói ngắn gọn ấy, tôi cũng biết được gia cảnh của em quá khó khăn nên đành nghỉ học đi làm phụ gia đình. Kế bên Ly là một bé tên Trâm, Trâm làm được sáu tháng trông em lanh lợi hơn, Trâm đi làm sớm cũng do hoàn cảnh gia đình, em thỏ thẻ:

- Nhà em có 5 người, ai cũng đi làm mướn, có lúc không ai mướn thì nằm nhà, nhà không có đất trồng trọt, em theo mẹ ra cảng làm, kiếm thêm tiền giúp mẹ, chứ đi học mẹ nuôi không nổi hết phổ thông thì làm sao có cơ may vào đại học để có việc làm.

Một người kế bên nói chen vào:

- Cô thấy nó đẹp gái không, tôi mong đại gia hay Việt kiều rước nó cho má nó đỡ khổ.

Cô bé đỏ mặt:

- Cô này!

Một chị đối diện lên tiếng:

- Chớ còn gì nữa mà con không chịu, bây giờ hồng nhan là bạc tỉ rồi!

Tiếng cười của họ vang lên giòn tan, lạc quan như không có một gợn buồn, một chút lo âu.

Bên ngoài, có mấy chị lột mực, tôi lại gần lân la hỏi thăm, các chị cho biết ở đây không phân biệt lao động trẻ em, bằng tuổi đó các em đã làm ăn công như người lớn vì công việc cần sự nhanh nhẹn, chuyên cần còn việc khuân vác đã có đàn ông. Một chị cho biết: Bé Lý vừa nghỉ học xin vô đây làm, do ba má nó “cơm không lành, canh không ngọt”, má nó giận bỏ đi đâu không rõ. Thảo nào, tôi hỏi mẹ có làm chung không con bé lắc đầu không nói. Qua các chị tôi còn biết, lao động ở đây không ràng buộc đang làm cho vựa này mà vựa kia thuê cao hơn bỏ ở đây, lại đó làm vẫn không ai nói gì; hôm nay làm ngày mai ở nhà nghỉ cũng chẳng sao. Thế nhưng vì miếng cơm manh áo, bất đắc dĩ lắm mới không đi làm. Tôi nghĩ, những ngày “biển đói” chắc cảng sẽ buồn lắm vì tàu sẽ không về, các chị sẽ không ra cảng, cánh đàn ông không có cá khuân vác, không người chọc ghẹo; tàu không lấy dầu, lấy nước đá ra khơi, cái nhộn nhịp thuần túy của cảng dừng lại và mùi hăng nồng cũng nhạt đi.

Ngoài bến bỗng sáng lòa ánh đèn pha, tiếng đàn ông bên ngoài đó kêu lên “Tàu về!”. Ai đó nói:

- Bữa nay hết ngủ nữa rồi!

Có tiếng đáp lại:

- Thức thì có tiền, sắp chướng rồi mai mốt tha hồ ở nhà ngủ rồi đừng than đói!

Tiếng máy tàu. Tiếng người inh tai. Tôi chạy ra bến. Loang loáng trong ánh đèn, tôi thấy trong khoang tàu đầy cá, những người đàn ông đi biển trần trùng trục, khoe tấm thân chắc khỏe, họ đang tìm chỗ neo tàu, thả ván để lên cá. Trên bến dưới thuyền rộn ràng như tết:

 - “Biển no” nhà nhà sẽ vui! - tôi kêu thầm.

Hướng đằng đông đỏ quạch, trời đã rạng đông. Một ngày mới bắt đầu. Gió ào vào mang hơi biển mát lạnh, mang theo cả sự trăn trở của người dân miệt biển: sắp chuyển mùa gió chướng đời sống của họ sẽ khó khăn hơn.

Hơn năm năm trước, tôi về đây, Vàm Láng vẫn còn là một xã của làng biển lâu đời, hôm nay tôi trở lại, Vàm Láng trở thành thị trấn nhiều thay đổi, trong tương lai sẽ vươn lên thành đô thị biển và cảng sẽ di dời qua cạnh khu neo đậu trú bão của xã Kiểng Phước cách đó con sông. Tôi hy vọng bến cảng sẽ đổi thay không còn cảnh các chị phơi mình trong nắng, dầm mình dưới mưa, dưới sương khuya cùng gương mặt ngái ngủ non tơ lao động trước tuổi của các bé. Những mái tóc dài sẽ thướt tha trong chiều miệt biển. Họ không phải thở dài lo âu khi gió chuyển mùa. Cuộc sống của họ sẽ đẹp hơn!

Ái Quỳnh
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 63)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 393
  • Hôm nay: 34055
  • Tháng hiện tại: 1782955
  • Tổng lượt truy cập: 48157082